Non nước Việt Nam

Dựng nêu báo hiệu Tết về

Cập nhật: 07/02/2024 11:26:42
Số lần đọc: 1425
Nghi lễ dựng nêu hay còn gọi thướng tiêu là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn. Ngoài quan niệm tâm linh dân gian, lễ dựng nêu còn có mục đích báo hiệu ngày Tết đã đến. Nghi lễ này được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tái hiện lần đầu tiên từ năm 2013. Từ đó đến nay, lễ dựng nêu đã trở thành một truyền thống không thể thiếu ở Khu Di sản Huế mỗi khi bắt đầu Tết.


Cây nêu được dựng ở Hiển Lâm Các trong Hoàng cung Huế.

1/ Năm nay, lễ dựng nêu được thực hiện tại ba di tích gồm Triệu Tổ Miếu, Thế Miếu và điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Cây nêu đầu tiên được dựng ở Triệu Tổ Miếu. Tại đây, một hương án với đầy đủ vật phẩm, hương hoa được bày biện sẵn từ sáng sớm ở phía trước sân. Phần cúng bái của chủ tế và một số vị chức trách được tiến hành trang nghiêm và bài bản theo nghi thức truyền thống trong tiếng đại nhạc và tiểu nhạc cung đình.

Sau khi cây nêu này được dựng xong, đoàn nghi lễ di chuyển ra cửa Hiển Nhơn để rước cây nêu tiếp theo rồi vòng qua khu vực trước điện Thái Hòa tiến về Hiển Lâm Các ở phía trước Thế Miếu. Thứ tự đội rước nêu gồm hai lính cầm cờ cảnh, cờ tất, bốn lính cầm lồng đèn, bốn lính cầm cờ tứ phương, một quan cầm lỗ bộ, đội tiểu nhạc và đoàn lính ngự lâm áo vàng vác cây nêu. Phần cúng và thượng cây nêu được thực hiện ngay sau đó. Tương tự, nghi lễ dựng nêu ở điện Long An cũng được diễn ra như thế.

Nêu được dựng là cây tre, chặt từ gốc cao hơn 20 m. Trên đỉnh nêu treo đèn lồng, bùa, ấn… dâng lên đất trời, thần linh. Người xưa quan niệm rằng, sau khi ông Táo cưỡi cá chép lên trời vào ngày 23 tháng Chạp thì sẽ không còn vị thần nào bảo vệ cho ngôi nhà của mình trước các thế lực ma quỷ. Vậy nên dựng cây nêu với đầy đủ lễ vật, lá bùa… là để xua đuổi tà ma trong những ngày Tết Nguyên đán.

Tại mỗi nơi dựng nêu hoặc có đoàn rước nêu đi qua, rất đông du khách trong và ngoài nước tỏ ra hào hứng khi được chứng kiến một nghi lễ xưa được gìn giữ, bảo tồn và tái hiện đến ngày hôm nay. Nhiều người cho hay, đã nghe và đọc rất nhiều nhưng lần đầu được thấy một đoàn rước trang nghiêm, với cây nêu bằng tre cao chót vót vô cùng đẹp mắt. Anh Nguyễn Phú, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thật là cơ duyên khi đến Huế vào dịp cuối năm, khi tiết trời tạnh ráo và được tham dự nghi lễ dựng nêu bên trong Hoàng cung. “Chứng kiến khung cảnh dựng nêu mới hiểu được không khí Tết ngày xưa và việc bảo tồn những giá trị văn hóa của hậu thế sau này là việc làm vô cùng ý nghĩa”, anh Phú ấn tượng.

2/Theo sử sách, thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 25 tháng Chạp và do vua trực tiếp đứng ra làm chủ lễ như một mốc báo cho việc tạm ngừng nghỉ các công việc trong năm. Cây nêu được dựng lên trong Hoàng cung báo hiệu cho dân chúng biết bắt đầu kỳ nghỉ Tết âm lịch. Việc này còn để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi. Sau khi cây nêu trong Hoàng cung được dựng lên, bên ngoài người dân mới được dựng nêu ăn Tết và cây nêu ở nhà dân lúc nào cũng phải thấp hơn cây nêu được dựng trong cung.

Theo nghi lễ, đến ngày mồng 7 tháng Giêng, cây nêu sẽ được hạ xuống đánh dấu kỳ nghỉ Tết đã hết, là lúc triều đình mở ấn và người nông dân xuống đồng cày cấy, làm việc trở lại. Sau lễ hạ nêu sẽ đến nghi thức khai ấn. Các thư pháp gia thực hiện viết thư pháp với các chữ như Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Tâm, Tĩnh. Sau đó, Ban tổ chức sẽ lấy chiếc ấn (có khắc bốn chữ Phú, Thọ, Khang, Ninh) hạ từ cây nêu xuống đóng lên các bức thư pháp này để tặng cho du khách như một lời chúc may mắn nhân những ngày khai xuân mới.

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, mục đích của lễ dựng nêu vừa góp phần tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống, vừa làm cho không gian cung đình thật sự ấm áp, thể hiện đúng văn hóa truyền thống xưa. Nghi lễ này cũng giúp người dân và du khách hiểu biết thêm được những nét truyền thống đặc sắc của người Việt.

Mỗi cây nêu được dựng lên trở thành biểu tượng tranh đấu giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và quỷ dữ bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người. Đặc biệt, tục lệ dựng cây nêu còn mang ý nghĩa nhân văn khi cây nêu tượng trưng cho sự vươn cao, vươn xa và niềm mơ ước cho mùa xuân mới thêm bình an.

Bài và ảnh: Minh An

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 06/02/2024
Từ khóa: Cây nêu, Tết

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT