Hoạt động của ngành

Yên Bái giữ bản sắc để thu hút du khách

Cập nhật: 12/01/2021 08:11:30
Số lần đọc: 685
Các bản làng đô thị hóa, phong tục tập quán có sự lai tạp, tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch… là những ví dụ về sự phát triển du lịch ồ ạt, phá vỡ sự cân bằng môi trường sống - cảnh quan - văn hóa.

Phát triển du lịch theo hướng tôn trọng thiên nhiên và văn hóa bản địa

Trước thực tại đó, đã có những ý tưởng làm du lịch bền vững, nhưng mô hình này có thành công hay không vẫn phụ thuộc vào hành động của những chủ nhân của bản làng và cả khách du lịch.

Tôn trọng thiên nhiên và văn hóa bản địa

Từ thành phố Yên Bái, ngược theo Quốc lộ 32, đèo Khau Phạ hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Các cung đường đèo quanh co giữa những triền ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông, Thái. Cuộc sống bình yên, con người thuần hậu, lưu giữ những nền văn hóa đậm bản sắc đã làm nên vẻ đẹp rất riêng nơi đây. Nhưng không vì thế mà Khau Phạ nằm ngoài tình trạng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, các ngôi nhà sàn dần được thay bằng nhà bê tông; nghề truyền thống cũng đang mai một, du lịch tự phát không mang lại nhiều lợi ích cho số đông bà con…

Tình cờ biết đến Khau Phạ và cảm mến trước con người thân thiện, mộc mạc, thiên nhiên hoang sơ nơi đây, mong muốn làm những điều tốt đẹp cho mảnh đất này, từ đầu năm 2018, nhóm Những người bạn Khau Phạ (Khau Phạ Friends - KPF) đến từ nhiều ngành nghề khác nhau đã có ý tưởng hỗ trợ đồng bào làm du lịch cộng đồng, tạo thêm sinh kế, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa hướng tới một cộng đồng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng của thiên nhiên.

Anh Nguyễn Quang Kiên, đồng sáng lập KPF chia sẻ: Ban đầu các thành viên trong nhóm thường kỳ từ Hà Nội lên dọn rác, trồng cây tại Khau Phạ để thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân; sau đó vận động cán bộ xã, một số hộ đi tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại Đà Bắc, Hòa Bình; thuyết phục, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để bà con làm homestay… Điều này nhằm giúp người dân chủ động làm du lịch, tạo thêm nguồn sinh kế mới cho gia đình, làm đẹp bản làng và giới thiệu những nét đẹp văn hóa của thung lũng tới du khách.

Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa các mục tiêu trên không dễ dàng. Sau hơn một năm thuyết phục, hỗ trợ, hộ gia đình đầu tiên mới đồng ý mở homestay ở bản Tà Sung, dưới chân đèo Khau Phạ. Sau đó, với những lợi ích mang lại, các hộ xung quanh sẵn sàng sửa nhà đón khách.

Mong muốn sẽ trở thành điểm lan tỏa tinh thần phát triển bền vững - du lịch có trách nhiệm - bảo vệ môi trường - bảo tồn văn hóa bản địa, KPF đã cải tạo các ngôi nhà dựa trên kiến trúc truyền thống, sử dụng vật liệu địa phương, tôn trọng tập quán bản địa, đồng thời nâng cấp nội thất và công năng cho công trình. Điều này vẫn giữ được những nếp nhà đặc trưng, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của chủ nhà, vừa có thể đón khách lưu trú.

Không chỉ tập trung vào dự án du lịch cộng đồng, KPF cũng hỗ trợ xã Cao Phạ về giáo dục, cải tạo nhà cửa, xử lý rác, trồng cây gây rừng, thảo luận cùng đồng bào về cách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa hướng đến phục vụ du lịch, hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các sản phẩm nông nghiệp sạch, khôi phục và bảo tồn các nghề thủ công truyền thống, xây dựng các thư viện cộng đồng… nhằm mở rộng số người được hưởng lợi.

Hướng đi bền vững 

Từ Khau Phạ, nhóm KPF nhìn thấy tiềm năng phát triển mô hình du lịch bền vững tại các điểm dự án mới, như ở bản người Lào ở Điện Biên hay bản người Thái ở Thanh Hóa… Khau Phạ Friends cũng mang lại nguồn cảm hứng cùng những thông tin hữu ích cho các bạn trẻ đang quan tâm đến phát triển bền vững nói chung, du lịch có trách nhiệm nói riêng.

Anh Nguyễn Quang Kiên cho biết, nhóm vẫn trên hành trình tìm kiếm hướng đi bền vững, liên tục làm và chỉnh sửa nhằm đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu. Trong quá trình đó, KPF là người định hướng, nhưng người dân bản địa mới chính là những người thực hiện và quyết định thành công.

Các thành viên trong nhóm mong muốn và tin rằng người dân bản địa có thể giữ đất và làm du lịch, khai thác nguồn lợi trên chính mảnh đất của mình; và như vậy họ mới có nhu cầu giữ gìn môi trường sống và duy trì các hoạt động văn hóa bản địa, nguồn lợi du lịch bền vững sẽ được chia sẻ rộng ra cho người dân nơi đây, chứ không chỉ một vài nhà đầu tư. Bởi vậy, cùng với những người lớn tuổi có uy tín, nhóm tiếp tục hỗ trợ, định hướng đồng bào tham gia chuỗi kinh tế bền vững, bảo tồn và phát huy bản sắc…

Ở nước ta đã có quá nhiều ví dụ về phát triển du lịch ồ ạt làm mai một bản sắc của các bản làng, mất dần sức hút với du khách. Do vậy, bên cạnh những hoạt động của cộng đồng bản địa, một phần quan trọng của du lịch bền vững phải kể tới là khách du lịch. Hiện nay, mô hình của KPF không chạy theo số lượng du khách, mong muốn khách du lịch đến với thung lũng Khau Phạ tôn trọng thiên nhiên, con người và văn hóa vùng cao; cởi mở và chia sẻ những giá trị đẹp đẽ để cùng nhau xây dựng cộng đồng du lịch bền vững. Anh Nguyễn Quang Kiên cho biết nhiều khách du lịch đến Khau Phạ tham gia nhặt rác, trồng cây, hòa mình vào thiên nhiên, leo đồi, lội suối, cùng nhuộm vải, gặt lúa làm cốm, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần…

Du lịch có trách nhiệm là "đi chơi” nhưng cần quan tâm đến môi trường sinh thái, văn hóa bản địa cũng như kinh tế địa phương. Đó là lời nhắn nhủ của KPF trong quá trình tìm kiếm những người đồng hành trên hành trình cùng nhau mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng./.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục