Hành trang lữ khách

Du lịch chữa bệnh, từ ý tưởng đến hiện thực

Cập nhật: 13/09/2011 14:30:54
Số lần đọc: 3427
ĐBSCL được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trên thực tế, một số địa phương đã phát triển mạnh du lịch. Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long được du khách tìm đến với loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước. An Giang đã rất thành công với du lịch tâm linh gắn với lễ hội vía Bà chúa xứ ở núi Sam. Tỉnh Long An vốn không mạnh về du lịch, đang tìm cách thu hút du khách. Trong đó có mô hình du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) gắn với du lịch chữa bệnh.

Vườn thuốc giữa Đồng Tháp Mười

GS-TS Trần Văn Khê trong một lần đến thăm Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn – phát triển dược liệu ĐTM (gọi tắt là trung tâm, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, Long An) đã ngạc nhiên thú vị về những điều mắt thấy tai nghe. Vị giáo sư uyên bác cả về âm nhạc và ẩm thực đã bị cuốn hút vào các khái niệm “ăn uống chữa bệnh”, “du lịch chữa bệnh”... mà ông Ba Bé (Nguyễn Văn Bé, giám đốc trung tâm) đang thực hiện.

Ông Ba Bé từng chiến đấu ở ĐTM trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Chính tại đây ông đã tập tành học “nghề thuốc”, rồi trung cấp và đại học dược. Cách nay gần 30 năm, khi đang là cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Y Dược TPHCM, ông đã tự nguyện rời trường để về ĐTM xây dựng trung tâm dược liệu. Hàng năm khi nước lũ đầu nguồn đổ về, các ông như lênh đênh giữa biển cả, chỉ biết bám vào rừng tràm.

Vườn rau ở Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn – phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (ảnh lớn).
Vườn rau ở Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn – phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười.

Các ông bắt tay vào đào đắp để sống chung với lũ. Trụ lại được giữa rừng tràm nguyên sinh, các ông quy tập các giống cây đặc trưng vùng ĐTM, nghiên cứu giá trị dược liệu của nó. Đầu tiên là các bài thuốc dân gian trị rắn cắn. Thuở ấy có đến 80% nạn nhân bị rắn độc cắn chịu tử vong; khi ông Ba Bé về, hầu như không còn ai chết vì rắn độc. Tiếp đến là các loại bệnh thông thường như cảm, ho, tiêu chảy, dị ứng da... cũng được các loại cây thuốc ở đây trị khỏi. Rồi các loại bệnh phức tạp hơn như đau dạ dày, gan, mật... cũng có cách hóa giải nhờ cây thuốc ở đây. Bây giờ người dân trong vùng ít khi chịu đi bệnh viện để trị bệnh, mà tìm tới trung tâm của ông Ba Bé.

Ông Ba Bé đã tiến thêm một bước khi đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất thuốc viên từ những cây thuốc ở trung tâm. Loại thuốc Garlic Film từ tỏi, nghệ đã được ông nghiên cứu và sản xuất nhiều năm qua dùng chống nhiễm trùng, huyết áp cao, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch... Với củ gừng, ông bào chế thành thuốc Ninon trị chứng đầy bụng, buồn nôn... Từ trung tâm của ông Ba Bé, rất nhiều dược liệu tinh chế từ các loại cây cỏ được cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, cho cả hãng nổi tiếng Eagle.

Ngay bên cạnh khu rừng tràm nguyên sinh, ông Ba Bé đã gầy dựng vườn thuốc rộng gần trăm hécta. Không chỉ trồng các loại thảo dược để tinh chế thành dược liệu, ông còn quy tụ tất cả các loại cây ở ĐTM để bảo tồn nguồn gene. Từ những trái nhàu, ông chế tạo thuốc trị tiểu đường, huyết áp cao và đau nhức. Kế bên là giàn dây leo hà thủ ô đỏ có tác dụng bổ máu, nhuận trường, an thần, làm cho tóc đen lâu bạc. Qua tay Ba Bé, cây bông súng giúp chữa trị các chứng bệnh di tinh, bạch đới, tiêu chảy, lỵ, ho, viêm đường tiết niệu. Còn cây sen từ củ, lá, hoa, vỏ, quả, ruột đều là thuốc hay, chế biến thành trà sen, dùng làm hương liệu, thuốc an thần...

Kế bên vườn thuốc là vườn rau. Ông Ba Bé quan niệm, rau chính là thực phẩm sức khỏe, là món ăn để tăng cường sức đề kháng nhằm phòng chống lại bệnh tật. Rau ngò om rất dễ trồng, khi bị sưng do té ngã, giã đắp lên chỗ sưng và dùng cây khô sắc nước uống sẽ khỏi. Bị sỏi thận thì giã ngò om, vắt lấy nước uống. Rau đay thì giàu vitamin C, chữa táo bón, ho. Rau dền tía có tính mát, chữa kiết lỵ, cổ họng sưng đau và chữa đau nhức các đầu xương. Tía tô ăn giải cảm, trị ho. Rau sam luộc ăn có vị chua chua, nhân nhẩn, trị tiêu chảy. Cây mã đề giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, trị sỏi bàng quang, thấp khớp...

Du lịch an dưỡng, chữa bệnh

Bây giờ du khách không phải “lụy đò” để vào trung tâm như trước, đã có đường ôtô vào tận “vườn thuốc” của ông Ba Bé. Vùng ĐTM hoang hóa ngày nào bây giờ vẫn là khu rừng tràm nguyên sinh mênh mông, nhưng kế bên đã có khu nghỉ dưỡng khang trang, phòng có máy lạnh, có xưởng sản xuất thuốc hiện đại. Hiện nay, du khách tìm đến trung tâm chủ yếu là đi “du lịch sinh thái”.

Thuốc được sản xuất từ nguồn dược liệu tại chỗ.                     Ảnh: K.Q
Thuốc được sản xuất từ nguồn dược liệu tại chỗ. Ảnh: K.Q

Ông Ba Bé đang có kế hoạch thực hiện dự án độc đáo lần đầu tiên có ở ĐBSCL, đó là mở du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh. Nơi đây có nguồn dược liệu dồi dào, có thầy thuốc tốt, có nguồn “thực phẩm sức khỏe” phong phú, đặc biệt là môi trường thiên nhiên mà bất cứ vị khách quốc tế nào đến cũng ngẩn ngơ. Khách đến đây vừa đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi du lịch sinh thái, vừa chữa bệnh bằng thuốc thiên nhiên và các món ăn sạch.

Ông Ba Bé cho biết, mục tiêu trung tâm nhắm đến là tổ chức du lịch chữa bệnh “bao chi phí”, tức tới đây nghỉ dưỡng một thời gian, nếu không hết bệnh thì miễn phí hoàn toàn, còn hết bệnh thì mới trả tiền, mà trả giá cao. Dịch vụ này nhắm đến những người giàu, kể cả người nước ngoài.

Ông cũng cho biết, dịch vụ “du lịch an dưỡng” đã có đơn đặt hàng từ lâu của các hãng Nhật Bản, nhưng vì cơ sở hạ tầng chưa cho phép, rồi thủ tục, nên vẫn chưa thể triển khai. Ông Ba Bé nói: “Chúng ta thử hình dung, những người già ở Nhật Bản con cái không có điều kiện chăm sóc, sẽ được gửi đến đây vừa nghỉ dưỡng vừa chữa bệnh với giá rất rẻ (so với mặt bằng của thế giới). Thỉnh thoảng con cháu của họ đi du lịch Việt Nam, đến vùng ĐTM để thăm cha mẹ, ông bà...”. Một ý tưởng khá hay và táo bạo cho phát triển du lịch vùng ĐTM!

Nguồn: Báo Lao động

Cùng chuyên mục