Tin tức - Sự kiện

Cần tháo gỡ những vướng mắc cho du lịch Việt Nam

Cập nhật: 27/11/2008 08:11:57
Số lần đọc: 1522
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch và Vụ Lữ hành (Bộ VH,TT&DL) vừa làm việc với Nhóm hỗ trợ tư vấn Du lịch chuẩn bị cho những nội dung sẽ kiến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sẽ diễn ra ngày 01/12/2008.

VBF  là một kênh đối thoại có tổ chức, mang tính xây dựng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hai bên đã thảo luận 4 vấn đề quan trọng mà phía Nhóm hỗ trợ tư vấn cho là còn nhiều hạn chế trong hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế ở Việt Nam và phải giải quyết nhanh chóng như: thủ tục visa, đường bay, vé máy bay, mở chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty du lịch nước ngoài, xúc tiến quảng bá du lịch.

 

Theo nhóm tư vấn, việc Việt Nam không cấp visa tại cửa khẩu, cấp visa một lần đã phần nào hạn chế lượng khách du lịch quốc tế. Nhất là với những khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) đi nghỉ cuối tuần, họ không có nhiều thời gian và thay vì đến Việt Nam họ sẽ đến những nơi thủ tục visa đơn giản như: Phuket, Bali, Macao, Campuchia và Singapore. Phía Tổng cục Du lịch cho rằng đã rất nỗ lực trong việc đề xuất miễn visa ở một số thị trường trọng điểm, thị trường gần. Việc cấp visa liên quan đến các cơ quan Công an, Ngoại giao... nên Tổng cục Du lịch cũng chỉ đưa ra những đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan những phương án tối ưu để tháo gỡ khó khăn.

 

Vấn đề thiếu đường bay thẳng và đặt vé máy bay (trước không quá 30 ngày) ở Việt Nam (mà tour phải làm trước cả năm), nhất là ở những đường bay nội địa cũng đang là khó khăn không nhỏ trong phát triển du lịch (trong khi 80% khách du lịch được vận chuyển bằng hàng không). Tổng cục Du lịch sẽ cùng các bên tiếp tục làm việc với Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không khác để giải quyết những khó khăn, đảm bảo đủ vé và có những đường bay thuận lợi đến những thị trường khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam.

 

Liên quan đến việc gia hạn, mở văn phòng đại diện và chi nhánh của các công ty du lịch nước ngoài tại Việt Nam, “mặc dù Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2007/NĐ-CP vẫn chưa được ban hành nhưng nếu những công ty nào có vướng mắc về chuyện thủ tục khi gia hạn, mở văn phòng đại diện, chi nhánh cứ làm văn bản đề nghị, Tổng cục Du lịch sẽ giải quyết từng trường hợp cụ thể nhanh nhất có thể”- ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định.

 

Hiện nay, việc quảng bá, marketing của du lịch Việt Nam còn hạn chế, ngay cả quảng bá tới những nước gần. Trong thời điểm hiện nay, du lịch Việt Nam lại đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu, giá phòng khách sạn cao và vận chuyển du lịch tăng. Vì thế thời gian này Tổng cục Du lịch liên tục có các đoàn đi nước ngoài giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, sự phát triển, văn hóa Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế. Việt Nam cũng sẽ tăng cường xúc tiến việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông quốc tế như CNN, Discovery (Mỹ), BBC (Anh), Fashion TV (Pháp), Arirang (Hàn Quốc) và tìm hiểu khả năng quảng bá trên NHK (Nhật Bản), CCTV (Trung Quốc), một tờ báo lớn của Nga nhằm thu hút khách nước ngoài và khắc phục tình trạng khách ở một số thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ suy giảm.

 

So với mức trung bình 40 triệu USD/ năm của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Hồng Kông, số tiền đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/20. Nhóm tư vấn đề xuất Bộ Tài chính chi thêm 2 triệu USD cho tiếp thị, quảng bá du lịch là việc cần ưu tiên để giải quyết tình trạng du lịch Việt Nam hiện tại. Việc quảng bá cần phải được các Bộ, ngành liên quan tính toán chi tiết để có những phương án hiệu quả nhất. Việc quảng bá không chỉ dừng lại trên các kênh truyền hình quốc tế lớn mà phải sản xuất video để chiếu rộng rãi tại các sân bay, chuyến bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, nơi nhập cảnh vào Việt Nam...

 

Thời gian tới, ngoài 27 tỷ đồng hằng năm trong Chương trình hành động quốc gia, mỗi năm Chính phủ còn cấp 30 tỷ đồng ở Quỹ xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch để đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng, sắp tới, khi Kế hoạch marketing du lịch Việt Nam 2008- 2015 được phê duyệt và áp dụng sẽ tạo ra sức mạnh mới cho du lịch Việt Nam trong quảng bá, xúc tiến đầu tư”- ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm.

Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT