Tin tức - Sự kiện

Biểu tượng văn hóa Ðông Sơn tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long

Cập nhật: 08/01/2009 08:01:18
Số lần đọc: 1449
Với quy mô và năng lực lưu giữ trưng bày các cổ vật có giá trị quý hiếm, đa dạng, Bảo tàng cổ vật Hoàng Long (TP Thanh Hóa) đã thu hút nhiều công chúng yêu thích cổ vật và văn hóa dân tộc.

Ðể giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa Ðông Sơn, bảo tàng chủ trương xây dựng biểu tượng "Văn minh đồ đồng Ðông Sơn" trưng bày tại bảo tàng. Nội dung của biểu tượng phải thể hiện được tính truyền thống của nghệ thuật đúc đồng của người Việt cổ mà đỉnh cao là trống đồng Ðông Sơn. Về bố cục cấu trúc của biểu tượng bao gồm: trống đồng, thạp đồng và đèn đồng cổ. Ðó là ba tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, tiêu biểu cho ba loại cổ vật văn hóa bằng đồng, tạo thành biểu tượng văn minh đồ đồng Ðông Sơn cách đây hàng nghìn năm.

 

Vừa qua, bảo tàng đã đúc thành công chiếc thạp đồng theo mẫu cổ vật đã có. Chiếc thạp đồng có chiều cao 1,51m, thân thạp không kể nắp là 1,21m, nắp đậy cao 0,3m, đường kính rộng nhất là 0,88m. Chiếc thạp này có hoa văn, hình dáng, kích thước, cấu trúc được các nghệ nhân đúc khá tinh xảo theo phương pháp truyền thống (phiên bản mẫu của thạp Ðào Thịnh). Người trực tiếp đúc thạp là nghệ nhân Lê Văn Bảy, quê ở làng Trà Ðông, Ðông Sơn. Thạp đồng này là loại có kích thước lớn nhất nước tương đương kích thước trống đồng bố cục trong biểu tượng.

 

Ðể kết nối với thạp đồng, theo phác thảo, các nghệ nhân đặt chiếc trống đồng Ðông Sơn có chiều cao tương ứng là 1,51m. Việc tạo được hình khối có cấu trúc, hình dáng trang trí nghệ thuật mang tính hiện đại và có sắc thái dân gian do kết hợp hình tượng trống đồng - thạp đồng và mặt trống đồng, dưới mặt trống có hình người đỡ, tác giả phải đặt dáng mặt trống đồng có độ nghiêng thẳng đứng tạo thế gần vuông góc với mặt phẳng. Nếu nhìn tổng thể biểu tượng thì thấy rất rõ mặt trống đồng là trung tâm chủ đạo của biểu tượng. Sự khéo léo chọn lọc của tác giả là đưa được hình tượng con người (đèn đồng cổ) đỡ mặt trống thể hiện tính triết lý sâu sắc về nhân quả và sự phát triển nhân loại. Hai cột vững chắc đó là thạp và trống đồng được cấu trúc lệch nhau tạo thành bố cục đẹp. Nội dung tư tưởng của biểu tượng được ước lệ hóa là giao hòa (tam giao) giữa con người, trời và đất. Con người là chủ thể sáng tạo ra công cụ để đấu tranh sinh tồn mà đỉnh cao là văn minh đồ đồng - văn hóa Ðông Sơn.

 

Về nghệ thuật, tác giả và nghệ nhân đã sáng tạo một biểu tượng mang tính khái quát và ước lệ, nhưng chuẩn xác về nghệ thuật tạo hình, có cấu trúc vững chắc, thể hiện sự lâu bền của nền văn hóa Ðông Sơn - đồ đồng Ðông Sơn. Sự liên kết, theo thế tam giác cân và kết nối tổng thể các chi tiết của biểu tượng, tưởng chừng như chắp vá nhưng ngược lại rất hợp lý về nội dung lẫn nghệ thuật. Có thể nói, đây là một tác phẩm có chất điêu khắc tượng đài thành công của tác giả và các nghệ nhân Ðông Sơn. Chắc chắn biểu tượng này là cơ sở để Bảo tàng Hoàng Long tiếp tục nhân bản giá trị văn hóa đồ đồng Ðông Sơn nói riêng và quảng bá giá trị văn hóa cổ vật nói chung tại bảo tàng.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT