Non nước Việt Nam

Hồ Ba Bể - viên ngọc xanh giữa rừng Đông Bắc

Cập nhật: 22/04/2009 09:34:36
Số lần đọc: 2031
Tỉnh Bắc Kạn được thiên nhiên ban tặng cho một danh lam thắng cảnh là Hồ Ba Bể. Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ có diện tích rộng 500 ha, nằm trong khu vực vườn quốc gia Ba Bể, có hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống, trong hồ có 49 loài cá nước ngọt.

 Năm 1995 Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN và đang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Hồ Ba Bể theo tiếng địa phương là "Slam Pé" (nghĩa là ba hồ) gồm Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Từ núi cao nhìn xuống, hồ Ba Bể lọt thỏm giữa dãy núi đá vôi. Hồ co lại và bị kẹp giữa các vách đá dựng đứng. Mặt hồ trải dài 8 km, rộng từ 200 mét đến 1 km, độ sâu trung bình 17 - 23 mét, nơi sâu nhất là 29 mét.

Ba Bể càng đẹp hơn bởi tài nguyên rừng phong phú, đa dạng. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát hiện trong lòng hồ có nhiều loài cá nước ngọt đặc trưng của vùng đông bắc Việt Nam, trong đó có các loài quý hiếm như cá chép kính, rầm xanh, anh vũ và cá lăng.

 Về cảnh quan, địa chất, đây là khu vực thể hiện rõ rệt dấu ấn lịch sử của các thời kỳ hình thành vỏ trái đất. Về địa chất địa mạo, đây là vùng đá vôi cổ rộng lớn, có đặc điểm kiến tạo rất đặc biệt. Vài năm gần đây, Viện địa chất phối hợp với Hội địa chất Bỉ đã tiến hành nghiên cứu vùng đá vôi Hồ Ba Bể. Họ khẳng định đây là vùng đá vôi có niên đại 450 triệu năm. Ðiều kỳ thú là trong quá trình biến đổi địa chất, đá vôi đã biến thành những mảng đá hoa cương.

Theo các nhà địa chất thì việc đá vôi trở thành đá hoa cương là điều vô cùng độc đáo và hiếm thấy. Giữa một vùng núi đá vôi lại có một cái hồ lớn, thật kỳ diệu. Đáy hồ có một lớp đất sét dày tới 200 mét bịt kín, chính địa tầng sét này không cho nước thoát xuống và hồ được hình thành như vậy. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm say lòng những du khách tới nơi đây. 

Xuôi dòng sông Năng hướng về hồ Ba Bể. Đôi bờ của dòng sông là những vách núi đá vôi dựng đứng với bao điều kỳ lạ trong những câu chuyện cổ tích kể về biến cố của thiên nhiên để tạo ra hồ Ba Bể - một viên ngọc xanh giữa rừng đông bắc.

    Dòng sông Năng xuyên qua khối núi đá vôi Lũng Nham tạo ra động Puông dài 300 mét, cao hơn 30 mét với nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng, huyền ảo và lung linh. Những đợt bào mòn hàng triệu năm của con sông thời gian vào dãy núi đá vôi đã tạo nên một chiếc động kỳ bí trong một chiếc hồ lạ kỳ. Dòng sông uốn mình thơ mộng qua những khúc quanh hẹp trong lòng hang, luồn dưới những rèm thạch nhũ đá đẹp lạ lùng.

 Nhằm khai thác và phát huy hiệu quả loại hình du lịch sinh thái và đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của khách du lịch ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Bể đã từng bước xây dựng hệ thống nhà nghỉ cùng các cơ sở dịch vụ như các trung tâm giải trí, nhà hàng ẩm thực với đội ngũ nhân viên nhiệt tình chu đáo. Công tác đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch được quan tâm chú trọng. hàng năm tại đây nhân viên đều được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên, nghiệp vụ buồng, bàn, bar. V.v Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu, điểm du lịch luôn được quan tâm đầu tư. 

Du khách đến với Vườn quốc gia Ba Bể không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được tìm hiểu về các giá trị văn hóa và khoa học với đội đội ngũ thuyết minh hướng dẫn viên am hiểu về Ba Bể và văn hoá truyền thống tại bản địa.

Những ngày nắng đẹp, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm mê lòng những du khách khó tính. Mặt nước hồ phẳng lặng, lúc nào cũng xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi, mây trời. Lãng mạn hơn, trên hồ thường xuất hiện những cô gái Tày trong bộ đồ màu đen tay khua nhẹ mái chèo đưa đón khách đi về trên những chiếc thuyền độc mộc. Họ chính là những hướng dẫn viên không chuyên nhiệt tình và đầy hiểu biết, đem lại cho bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong cuộc hành trình khám phá vùng đất thiên nhiên hoang sơ này.

Đến với Vườn quốc gia ba bể du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được khám phá các nét văn hóa truyền thống nơi đây. 

Với câu hát then, cây đàn tính luôn là niềm tự hào của người Tày ở vùng Ba Bể, là hồn thiêng trong tâm khảm của một tộc người có số dân đông nhất vùng Việt Bắc 

Ba Bể còn là nơi ẩn chứa kho tàng văn hoá nghệ thuật truyền thống lâu đời với cộng đồng cư dân các dân tộc sinh sống quanh hồ với những truyền thuyết phong phú và độc đáo:

Nếu muốn, bạn sẽ được người dân hiếu khách nơi đây mời về nhà, cùng tham gia sinh hoạt trong đời sống hằng ngày với bà con dân tộc, cùng uống chén rượu ngô cay nồng nhắm với những thịt lợn mọi nướng được lấy từ gác bếp xuống để đãi khách quý.

Các bản nhà sàn chênh vênh bên sườn núi của người dân tộc Tày, những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao, Mông, các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn; các lễ hội truyền thống như hội Lồng tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ... đã tạo sự hấp dẫn với du khách.

          Cộng đồng dân cư sống trong khu vực hồ Ba Bể có khoảng gần 3.000 người thuộc các dân tộc Tày, Dao, H’Mông và Kinh sinh sống trong 10 thôn bản ở Vườn quốc gia, trong đó khoảng 58% là người Tày.

Hơn 2000 năm qua, cư dân người Tày đã định cư tại nơi này và trở thành tộc người chiếm đa số ở Ba Bể. Người Nùng, người Dao đến cư ngụ khoảng 100 năm về trước. Trong khi đó người Kinh và người Mông chỉ mới di cư đến.

Từ lâu, người Tày ở các khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam có truyền thống canh tác lúa nước dọc theo các thung lũng, ven sông, suối đồng thời họ cũng canh tác nhiều mùa vụ khác. Lịch mùa vụ được đánh dấu bằng lễ hội “Lồng Tồng” – Lễ hội xuống đồng. Thông thường, cư dân người Tày ở tại những dải đất thấp dọc theo sông, suối; cư dân người Dao cư ngụ lưng chừng núi, cư dân người Mông sinh sống trên các vùng núi cao.

Ðối với du khách lần đầu tiên tới, quần thể rừng quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn luôn ẩn chứa những điều kỳ bí hoang sơ qua những câu chuyện kể mang mầu sắc huyền thoại. Du khách có thể cùng sinh sống với người bản địa, ngủ ở nhà sàn và tìm hiểu khám phá những nét văn hóa đặc trưng của cư dân nơi đây. Đây cũng là nơi mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, sinh vật và địa chất có thể đến để tìm hiểu và nghiên cứu. Tại đây người ta có thể biết đến sự những nét văn hóa tương đồng của người tày , người thái người Nùng. Theo truyền thống, cả người Tày và người Nùng xây dựng nhà sàn của mình bằng 4 đến 7 hàng cột đỡ, tạo thành hai khu vực rõ rệt, phần bên trên sàn làm nơi tiếp khách, bếp đun và nơi ở; phần dưới gầm sàn làm nơi cất giữ nông cụ và chuồng nuôi gia xúc, gia cầm. Thông thường, mái nhà sàn có kết cấu hai mái hoặc bốn mái được làm bằng rạ, lá cọ. Kiểu nhà sàn được lợp bằng ngói rất phổ biến ở Ba Bể.

 Cả một phức hệ bao gồm hồ, sông, suối, núi rừng, hang động đã giữ cho nước hồ Ba Bể có nhiệt độ trung bình cả năm 22oC ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè để Ba Bể là nơi nghỉ ngơi du ngoạn lý tưởng 4 mùa của khách thập phương.

Thác Đầu Đẳng hùng vĩ dài tới hơn 1.000 mét, tạo thành ba bậc, bậc trên chênh với bậc dưới từ 3 đến 4 mét theo chiều dài đã tạo cho Ba Bể thêm nét hoang sơ đầy lãng mạn.

 Đã bao đời nay, khi nói đến thắng cảnh nổi tiếng này người ta không thể không nhắc đến hình ảnh tuyệt vời của các cô gái Tày xinh đẹp:

"Bắc Kạn có suối đãi vàng, Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh".

Với lịch sử phát triển địa chất lâu dài có những nét đặc sắc về địa chất - địa mạo cũng như cảnh quan, VQG Ba Bể thực sự là một kỳ quan, xứng đáng là di sản thiên nhiên của thế giới.

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT