Non nước Việt Nam

Cảm nhận văn hóa Việt qua ly ”rượu gạo”

Cập nhật: 29/07/2009 14:37:26
Số lần đọc: 2095
"Nhiều khách du lịch đến Việt Nam để khám phá lịch sử, hay thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Riêng tôi đến đất nước hình chữ S vì những ly rượu nồng ấm, đậm nét văn hóa Việt", du khách Mỹ Neil Samson Katz, chia sẻ.

"Thiên nhiên ưu đãi ban cho Việt Nam một hệ động, thực vật phong phú. Từ những sản vật của thiên nhiên, người Việt trải qua bao đời đã tích lũy, đúc rút kinh nghiệm quý báu làm nên những món ăn ngon, bài thuốc quý, những loại rượu quốc hồn... Chỉ nghe đến đó cũng đủ háo hức để chúng tôi khám phá “nét dân tộc” trong loại chất lỏng có cồn này", một du khách nước ngoài nói.

Từ những thơm thảo của núi rừng ...

Theo nhiều người nước ngoài, mục tiêu đầu tiên của họ khi tới Việt Nam là cố tìm cho được thứ rượu tự nấu của người Việt Nam tại Sa Pa, một thành phố núi kỳ thú nằm cách Hà Nội chưa đầy 200 dặm về phía Tây bắc.

Tại vùng đất sương mù này, ngày nào chúng tôi cũng được say trong men rượu táo mèo nồng ấm - một loại rượu dân dã nhưng cũng rất độc đáo. Quả táo mèo được kết từ hương của rừng, ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao nên nó hội đủ vị chua ngọt và chát đắng. Ban đầu uống rượu, nhiều người tưởng như mình đang uống một loại nước giải khát có ga, thế nhưng càng uống càng ngất ngây.

Theo chân hướng dẫn viên, chúng tôi tới thăm gia đình chị Hương, thuộc số ít người nấu rượu ngon nhất Sa Pa. Ngồi bên bếp lửa khói bốc mù mịt trong lều, chị Hương vừa thêm củi vừa giải thích kỹ thuật nấu rượu. Trước hết là nấu gạo thành cơm, rồi ủ men trong hai tuần trước khi nấu lại lần nữa. Rượu tụ lại từ hơi nước bốc lên nhờ một chậu nước hạ nhiệt để phía trên nồi. Chị Hương chia sẻ, có nhiều cách làm khác nhanh hơn nhưng chị không muốn rút ngắn thời gian ủ vì sợ mùi vị của rượu sẽ kém hơn và dễ gây nhức đầu.

"Dường như cảm nhận được niềm đam mê văn hóa rượu gạo Việt Nam của chúng tôi, hướng dẫn viên đã giới thiệu thêm một loại sơn hào khác của Lào Cai - đặc sản rượu ngô Bản Phố", Samson cho biết. Chỉ mới nhấp một chút thôi, mùi thơm và vị cay ấm nồng của nó đã hối thúc nhiều người sống hết mình cho tình bạn, tình yêu thiên nhiên, con người dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu. "Tôi thực sự không hiểu các nghệ nhân tài ba của xứ sở này đã bằng cách nào vắt ra từ đất, từ nước, từ mùa màng thứ rượu trong vắt đến tinh khiết nhường vậy...", Samson bày tỏ.

... Đến những "động tử" bổ dưỡng 

Dù được gọi chung bằng cái tên rượu quốc hồn nhưng thế giới của nó quả không nhỏ bé. Sau khi thu dọn hành lý và gói ghém cần thận những chai rượu ngô, táo mèo, chúng tôi di chuyển đến Mỹ Tho để khám phá tiếp một loại rượu mà người Việt hết lời ca ngợi vì tác dụng của nó đối với sức khỏe, đó là động tửu.

Ghé qua một tửu quán ven đường, chúng tôi được chiêm ngưỡng từng dãy rượu rắn, hổ, bọ cạp, chim, ong đất... và chứng kiến màn trổ tài chặt đầu rắn lấy máu và tim để ngâm rượu. Ban đầu nhìn cũng thấy “sờ sợ” nhưng rồi tôi cũng lấy dũng khí uống thử một chén rượu rắn. Thật lạ, khi uống không hề cay, không hề xóc, cứ êm ái, ngọt lịm. Đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, phản xạ chính xác. Nhưng cảm giác lại lâng lâng trong trạng thái thật tuyệt diệu và khó tả. "Theo đồn đại, rượu rắn gây hưng phấn giống như dùng chất kích thích amphetamine. Nó còn có công dụng lọc máu và giảm đau lưng. Người dân địa phương còn mách chúng tôi không chỉ rượu rắn mà các loại động tửu khác cũng rất bổ vì mỗi loại là một bài thuốc chữa bệnh rất hữu hiệu", Samson chia sẻ tiếp.

Chưa hết ngỡ ngàng vì sự đa dạng của các loại rượu dân tộc mà người Việt kết hợp từ những loại thực vật, động vật quý, chúng tôi tiếp tục phải trầm trò khi được giới thiệu về cách thưởng thức rượu vốn trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt.

Theo lời hướng dẫn viên, người Việt Nam uống rượu khi ăn, mang ý nghĩa tương sinh hài hòa, thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển” của phương Ðông. Mỗi khi muốn "thưởng" rượu, nhiều người thường tới các quán rượu dân tộc vì ở đây, người ta có cảm giác như được trở về với quê hương, được ngồi với những người bạn tâm giao thuở nhỏ để nhỏ to tâm sự, đàn hát, ngâm thơ, đàm đạo chuyện đời...

 

 

Nguồn: Website báo Đất Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT