Non nước Việt Nam

Nét đẹp của nghệ thuật đờn ca tài tử ở Cầu Kè (Trà Vinh)

Cập nhật: 10/09/2009 10:14:07
Số lần đọc: 2180
Đờn ca tài tử là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Cũng giống như bao làng quê khác, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con Cầu Kè (Trà Vinh) không thể thiếu đờn ca tài tử.

Có thể nói, loại hình nghệ thuật này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, thậm chí trong sự phát triển xô bồ của các loại hình giải trí hiện đại, đờn ca tài tử ở Cầu Kè vẫn có chỗ đứng và mang những nét độc đáo riêng.

Dù là ngày bình thường hay ngày lễ, Tết, ở Cầu Kè, đờn ca tài tử cũng có thể vang lên ở bất cứ đâu trong đám tiệc, trên ruộng đồng. Phần lớn những người thích loại hình nghệ thuật này đều là nông dân chân lấm tay bùn. Họ không thành lập ban bệ mà chỉ tập hợp những người có cùng sở thích rồi cùng ngâm nga vài câu sau những giờ làm việc mệt nhọc. Ai có nhã hứng cứ việc hát, không cần chắc câu, đúng nhịp. Có khi họ hát đến tận đêm khuya mà vẫn không chán. Hát xong thấy đói bụng, mọi người chung tay nấu một nồi cháo, vừa ăn, vừa nghe hát thật ấm cúng.

Những khi có đám tiệc trong xóm, mấy anh em xúm lại hát góp vui. Vui nhất là vừa dứt xong một bản, bà con vỗ tay rần rần, có người chạy lại thưởng cho ca sĩ một ly rượu.

Không giống như những nơi khác, ở Cầu Kè, đờn ca tài tử chủ yếu là chơi cho vui chứ không hoạt động chuyên nghiệp hay trở thành nghề để mưu sinh. Mặc dù vậy, Cầu Kè vẫn không thiếu những bậc thầy về đờn ca tài tử. Họ vừa đờn hay, hát giỏi, vừa có sự am hiểu sâu sắc về loại hình nghệ thuật này. Các nghệ nhân có thể trình bày rành mạch 20 bài tổ, gồm: 6 Bắc (Tây thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ), 3 Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung), 4 Oán (Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng), 7 bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá). Họ thường dạy lại cho những ai đam mê đờn ca tài tử. Do ít ai có thời gian để học hết nên chỉ thuộc một vài bài cơ bản để có dịp được góp vui. Tuy nhiên, vai trò của các bậc tiền bối vô cùng quan trọng. Đây là những nhân tố nòng cốt giữ cho sự tồn tại và phát triển của đờn ca tài tử.

Một nét độc đáo nữa là dân đờn ca tài tử ở Cầu Kè không sử dụng nhiều loại nhạc cụ như những nơi khác. Đúng ra phải có đờn (đàn) kìm, đờn tranh, độc huyền, tỳ bà, ống sáo, tiêu, nhưng ở đây chỉ có một đờn cây ghi ta phím lõm và cái gõ song lang. Nhưng kì lạ thay, chỉ với hai nhạc cụ ấy mà bài nào họ đờn cũng được. Tuy không đạt đến độ sắc sảo về âm điệu, nhưng vẫn có những lúc cao, lúc trầm, lúc hứng khởi vui tươi, lúc ưu sầu da diết..., người hát vẫn say sưa thả hồn vào từng tiếng nhạc lời tơ. Đặc biệt, những người biết đờn ở đây sẵn sàng truyền lại tất cả tuyệt chiêu cho những ai muốn học.

Nói như vậy không có nghĩa là đờn ca tài tử nơi đây bị biến thể và mất đi bản sắc bởi vẫn có những nghệ nhân “giữ lửa” cho loại hình này tồn tại. Mặc dù có nhiều loại hình giải trí khác hấp dẫn như phim ảnh, ca nhạc nhưng phần lớn người dân nơi đây vẫn chọn đờn ca tài tử. Đây là điều mà không phải nơi nào ở Nam Bộ cũng có được.

Nguồn: Website Kinh tế Nông thôn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT