Hành trang lữ khách

Mùa xuân lên cao nguyên đá Đồng Văn

Cập nhật: 02/02/2010 08:02:08
Số lần đọc: 2688
Có lẽ không nơi đâu trên dải đất Việt thiên nhiên lại khắc nghiệt như ở cao nguyên đá. Tuy vậy, mùa xuân nơi đây lại đẹp biết dường nào - đất khát vẫn mơn mởn lộc xuân...

Từ thị xã Hà Giang xinh đẹp và náo nhiệt, chúng tôi ngược lên Đồng Văn, Mèo Vạc hai huyện vùng cao núi đá để đón mùa xuân đến sớm. Những cung đường quanh co uốn lượn như những dải lụa. Chiếc xe lắc lư uyển chuyển trên những con dốc, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm hun hút lởm chởm đá. Khi bước lên xe, cảm giác về một Hà Giang có đường giao thông hiểm trở đã nhanh chóng bị xua tan bởi đường lên cao nguyên đã bớt vất vả rất nhiều. Trên cung đường quanh co và hùng vĩ đi Đồng Văn, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn về phố huyện Quản Bạ để thu vào tâm trí một bức tranh hoang sơ và tươi đẹp.

 

Ghé qua phố huyện ít phút, chiếc xe đưa chúng tôi qua Yên Minh đến miền đá Mèo Vạc. Câu chuyện chơi xuân của đồng bào dần chuyển sang chủ đề cây ngô. Người dân nơi đây trồng ngô ở mọi nơi: trong hốc đá, những bãi nương. Mùa đông nơi đây khô hạn kéo dài, cả cao nguyên đá là một miền khát, nước là tài sản quý giá của cao nguyên. Mùa mưa thì cao nguyên lại chống chọi với lũ ống, lũ quét. Khắc nghiệt là vậy, nhưng cây ngô vẫn lên xanh và trổ hạt nuôi người.

 

Đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng, nghe tiếng sáo vi vu trong tiếng gió đại ngàn gọi mùa xuân về, chúng tôi cũng nghe lòng mình ngập tràn niềm vui. Mùa xuân trên đường lên cao nguyên đá, hoa đào bung nụ điểm thêm sắc hồng tươi sáng cho đất trời cao nguyên. Dưới chân đèo, dòng sông Nho Quế uốn lượn như dải lụa càng tô thắm sắc xuân cao nguyên đá. Đứng tại đây, khách có thể được nghe câu chuyện về “cây cột đá tử thần”- một trong những sự tích khiến vùng đất này thêm hấp dẫn đối với du khách. Đó là chuyện về một thổ ty phong kiến người Mông tên là Sùng Chúa Đà. Chuyện xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, chúa đất Sùng Chúa Đà- nổi tiếng có nhiều cánh đồng bằng phẳng (thuộc khu đất cánh đồng Đường Thượng ngày nay) cũng là người khét tiếng gian ác, bạo liệt. Bà vợ ba của ông trẻ đẹp nhưng lẳng lơ đã ngoại tình cùng anh nô bộc chăn ngựa cường tráng. Biết chuyện, chúa đất cho người đẽo một cây cột đá rồi xích hai người vào cột giữa trời đông giá rét. Họ đã chết trong sự đau đớn và tủi nhục. Sự việc không dừng lại ở đó, Sùng Chúa Đà cấm trai gái trong vùng yêu nhau, ai vi phạm thì bị còng trên cột đá, phạt không cho ăn uống, tội nặng thì cho kiến vàng đốt và bỏ cho chết đói... Cây cột đá cao gần 2 mét được đẽo từ đá xanh nguyên tảng to như cây cột đình, hai bên được khoét lỗ để vừa cánh cổ tay hai người có thể luồn qua.

 

Chuyện đau thương xưa đã qua. Nay, đêm xuân ở cao nguyên đá có ánh điện sáng choang, có tiếng sáo mèo du dương vọng ra từ những nếp nhà trình tường đất. Trong tiếng gió lao xao của mùa xuân lành lạnh, tiếng nhạc không lời từ chiếc radio của cư dân vùng cao càng cho không gian thêm vẻ ấm cúng. Đại ngàn cao nguyên đang hưởng một tiết xuân riêng biệt mà tôi là một vị khách may mắn có được. Chúng tôi hòa cùng đồng bào say sưa bên bát rượu ngô, trò chuyện về sự đổi mới trên cao nguyên đá.

 

Chiều tà, xe chúng tôi ghé qua Sà Phìn, trong hoàng hôn, thung lũng Sà Phìn như một hạt ngọc xanh. Chúng tôi đến dinh thự của Vương Chí Sình để chiêm ngưỡng kiệt tác kiến trúc giữa cao nguyên đá. Ai cũng ngỡ ngàng trước những cây Xa mộc cổ thụ cao ngất, tường rào của khu dinh thự bằng đá cao tới 3m, cổng trước thiết kế tam cấp theo kiểu Trung Hoa, những cánh cổng được làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo, họa tiết lạ mắt. Lối kiến trúc của khu dinh thự mang phong cách cung đình Trung Hoa nhưng được kết hợp hài hòa theo phong thổ của thung lũng cao nguyên nước Việt. Khu dinh thự này từng là trụ sở của UBND xã, nhưng giờ đã trở thành di tích lịch sử. Vẻ đẹp vô giá của ngôi nhà cũng chính là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

 

Thung lũng Sà Phìn cũng là điểm du lịch quan trọng ở cao nguyên Đồng Văn. Điều đặc biệt ở Sà Phìn là những phiên chợ còn giữ nguyên bản sắc và những trò chơi dân gian độc đáo như đánh pao, đánh yến, múa khèn...

 

Chia tay Hà Giang, lòng tôi còn lưu luyến bởi vẻ đẹp của hoa đào trên những sườn núi, bởi nét rạng ngời tươi trẻ của các chàng trai, cô gái xênh xang trong những bộ trang phục dân tộc mới tinh, đang tươi cười ném pao, thổi khèn trong phiên chợ Tết. Tôi thấy nhớ những con người mình đã gặp, thấy nhớ tiếng sáo du dương trên sườn núi và cả những cung đường uốn lượn như những dải lụa trong sương sớm cao nguyên.

 

Cao nguyên Đồng Văn bao gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Để đến Hà Giang, du khách có thể đi bằng tàu hỏa, máy bay hay ô tô Nam- Bắc ra Hà Nội. Từ đây bắt xe lên Hà Giang.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục