Tin tức - Sự kiện

Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể

Cập nhật: 10/12/2020 15:13:22
Số lần đọc: 1380
“Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể” là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Tham vấn về lấy ý kiến chuyên gia về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội.


Áo dài ngũ thân truyền thống của Việt Nam đẹp biết nhường nào

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, đây là hoạt động quan trọng, đưa ra những đề xuất để cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục vào cuộc nhằm tôn vinh Áo dài Việt Nam bằng giá trị pháp lý. Thời gian qua, Hội rất tích cực trong việc hoàn thiện các thủ tục để Áo dài được công nhận là di sản, tuy nhiên trách nhiệm việc này là thuộc Nhà nước.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã gửi công văn đến các tỉnh thành trong cả nước và đã nhận được phản hồi trong việc lựa chọn những giá trị nào của áo dài ở địa phương để hoàn thành hồ sơ, cũng như làm căn cứ để tiến hành các thủ tục trong việc công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể.

“Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài và niềm tự hào về áo dài của hàng triệu người dân và phụ nữ Việt Nam đã góp phần khẳng định vị thế áo dài trong đời sống xã hội. Do đó, áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam”, bà Bùi Thị Hòa khẳng định.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài (Ủy viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho biết, từ 2001, theo Luật Di sản mới, nhiệm vụ hàng đầu của các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là phải làm tổng kiểm kê, trong đó có nhận diện di sản của mình. Di sản áo dài cực kỳ đa dạng, đa sắc thái. Xung quanh di sản phi vật thể này có chuỗi sản phẩm độc đáo: trồng dâu, nuôi tằm, dệt, may đo, thiết kế… Áo dài cũng hiện diện khắp nơi, dành cho mọi người ở mọi lứa tuổi trong các thời kỳ… Với việc làm hồ sơ, xác định tên gọi di sản này là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi áo dài thể hiện bề ngoài là hiện vật vật chất.

Hiện nay, ngày càng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được nhận diện, bảo vệ ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Với áo dài, theo các chuyên gia, để nhận diện chính xác khía cạnh di sản văn hóa phi vật thể liên quan và thành công trong việc xây dựng hồ sơ đưa vào danh mục quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách của UNESCO, cần có cách tiếp cận nghiên cứu, quản lý, bảo vệ phù hợp để bảo đảm sức sống của di sản theo tinh thần Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế Phan Thanh Hải đưa ra những tư liệu phản ánh bối cảnh lịch sử, công cuộc cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và Vua Minh Mạng. Đồng thời chứng minh việc cải cách trang phục nhằm mục đích thể hiện tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại; tạo cơ sở quan trọng cho sự hình thành, phát triển chiếc Áo dài và dần chính thức trở thành quốc phục của dân tộc Việt Nam trong lịch sử./.

Nguồn: thethaovanhoa.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT