Hoạt động của ngành

Bắc Kạn khai thác thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật: 01/09/2021 11:11:36
Số lần đọc: 1104
Bắc Kạn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, những thác nước, hang động nguyên sơ, nhiều điểm di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, đặc biệt là hồ Nặm Cắt, hồ Ba Bể với diện tích mặt nước rộng hàng trăm héc-ta. Đây là tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái. Bắc Kạn định hướng phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường...


Khơi dậy tiềm năng du lịch

Bắc Kạn là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên, trong đó nổi bật là Vườn quốc gia Ba Bể, trung tâm là hồ Ba Bể, danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích danh thắng quốc gia đặc biệt vào năm 2012 và cũng được công nhận là một trong 20 hồ nước đẹp nhất thế giới. Vườn quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN, khu Ramsa thứ 1.938 của thế giới và khu Ramsa thứ 3 của Việt Nam. Với tính đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn với những hệ thống sông, hồ, hang động phong phú, giá trị văn hóa các dân tộc đặc sắc.

Hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước đẹp nhất thế giới

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên hấp dẫn, Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú như các phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao...; các bản nhà sàn bên sườn núi, ven sông hồ; các làn điệu hát then, đàn tính... mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách.

Cùng với đó là những di tích lịch sử mang dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược. Các điểm di tích lịch sử văn hóa của Bắc Kạn đã kết nối với các điểm du lịch lân cận như ATK Định Hóa (Thái Nguyên); Khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng)… tạo liên kết khai thác phát triển các tour, tuyến du lịch lịch sử, văn hóa trong vùng.

Trong quá trình phát triển, Bắc Kạn luôn xác định việc khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên, nhân văn, đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường cảnh quan và phát triển bền vững, tạo ra bước đột phá cho phát triển du lịch; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh. Bắc Kạn đã và đang tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ...

Tạo đà phát triển bền vững

Với nhiều lợi thế sẵn có về giá trị thiên nhiên và văn hóa bản địa, Bắc Kạn xác định tập trung đầu tư phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây sẽ là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo cho nhân dân, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Trong năm 2021, song song với đẩy mạnh xúc tiến, kết nối với các công ty lữ hành, Bắc Kạn đã nghiên cứu, thực hiện những chính sách hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống vùng nông thôn; hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch tại khu vực nông thôn; khuyến khích người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ để tăng thêm thu nhập.

Ngoài ra, Bắc Kạn sẽ xây dựng những tiêu chí phân loại và lựa chọn các địa phương có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng phù hợp, có sản phẩm mang tính đặc trưng, có tính hấp dẫn cao đối với du khách hoặc đầu tư phát triển ở những vùng chưa có quy hoạch chi tiết.

Đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ thực hiện chương trình bảo tồn các làng nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch... Qua đó, nâng cao chất lượng, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP để tăng nguồn thu từ du lịch cho người dân.

Phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Nhu cầu khám phá của du khách về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều, đây là hướng đi mang tính bền vững cho việc khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương. Du lịch sinh thái sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của đơn vị kinh doanh du lịch vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể... mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, đồng thời, giúp bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá đặc sắc. Điều đáng nói, Bắc Kạn luôn chú trọng, ưu tiên những sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên các yếu tố thân thiện với môi trường, có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Đặc biệt ưu tiên phát triển thế mạnh du lịch văn hoá gắn với di sản, lễ hội, du lịch sinh thái...

Ông Hà Văn Trường - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: Bắc Kạn cũng đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch sinh thái gắn trải nghiệm văn hóa truyền thống như: hỗ trợ cải tạo không gian cảnh quan tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Ba Bể; đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến du lịch đi bộ đặc trưng trong rừng nguyên sinh Vườn quốc gia Ba Bể kết hợp với tuyến tuần tra bảo vệ rừng; đầu tư, khai thác phát triển hang Thẳm Phầy, xã Hoàng Trĩ phục vụ phát triển du lịch; đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ đêm và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể… Định hướng phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững chắc chắn sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Bắc Kạn./.

Nhâm Hiền

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục