Tin tức - Sự kiện

Bạc Liêu: Khẳng định bản sắc riêng từ thương hiệu du lịch

Cập nhật: 02/06/2021 11:48:12
Số lần đọc: 688
Nhận định về du lịch (DL) đất Chín Rồng, nhiều doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng luôn có sự tương đồng ở các sản phẩm miệt vườn, sông nước. Đó là đi xuồng, ăn cá lóc nướng trui, xem biểu diễn đờn ca tài tử, tham quan di tích… Nói theo cách khác là đi một vài tỉnh coi như biết hết Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cũng vì vậy, phát triển thương hiệu từ tiềm năng, thế mạnh riêng là yêu cầu bắt buộc để mỗi địa phương trong vùng, trong đó có Bạc Liêu tạo ra sự khác biệt nhằm giữ chân du khách.  
 
Biểu diễn giai thoại về Công tử Bạc Liêu tại cụm nhà Công tử Bạc Liêu năm 2019. Ảnh: H.T
 
Từ thương hiệu DL vùng…
 
Xây dựng thương hiệu DL chung cho ĐBSCL luôn là nội dung được quan tâm, bàn bạc tại các hội nghị liên kết phát triển DL vùng. Đặc biệt, vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác để chung sức chung lòng phát triển DL.
 
Mới đây, bộ nhận diện thương hiệu DL TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL chính thức được triển khai, với chủ đề “Sống động phương Nam”. Từ bộ nhận diện thương hiệu này, các địa phương xác định tầm nhìn sẽ đưa ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn cả nước và khu vực, cũng như tạo động lực cho phát triển nền kinh tế quốc gia. Cùng với đó là đưa ra sứ mệnh thắt chặt mối quan hệ, hiệu quả hợp tác nhằm thúc đẩy DL từng thành viên, tạo nên các sản phẩm DL hấp dẫn để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Trong từng sản phẩm DL phải toát lên những giá trị, bản sắc đặc trưng của đất và người miền Tây, TP. Hồ Chí Minh, đó là DL của sự an toàn, thân thiện, ngọt ngào, mến khách và đa dạng sắc màu.
 
Các địa phương cùng sử dụng chung và phối hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tuyên truyền về thương hiệu DL vùng tại các sự kiện DL. Cùng với đó là vận động các doanh nghiệp DL đưa bộ nhận diện thương hiệu vào các ấn phẩm DL; các cơ sở dịch vụ DL bổ sung logo trên cổng chào, bảng hiệu để lan tỏa mối liên kết DL vùng.

Món ăn được chế biến từ tôm Bạc Liêu tại cuộc thi ẩm thực “Tôm Bạc Liêu - Hương vị Việt Nam”. Ảnh: H.T
 
… Đến khẳng định bản sắc riêng
 
Sau khi bộ nhận diện thương hiệu DL vùng được trình làng, việc cần làm tiếp theo là các thành viên trong mối liên kết, trong đó có Bạc Liêu cần khẩn trương xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Trên thực tế, Bạc Liêu trong những năm qua đã định hình cho DL những sắc màu độc đáo dựa trên sự khác biệt về tiềm năng, thế mạnh vốn có. Có thể kể đến một số sản phẩm được tỉnh nỗ lực xây dựng thương hiệu như: giá trị bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, giai thoại Công tử Bạc Liêu, tôm Bạc Liêu, điện gió… Mặc dù có nhiều sản phẩm đặc sắc nhưng hạn chế của tỉnh là chưa “gia công” để nâng tầm sản phẩm. Còn một số doanh nghiệp thì cho rằng, Bạc Liêu chưa làm rõ câu chuyện của các sản phẩm DL.
 
Giá trị bản DCHL, cụm nhà Công tử Bạc Liêu được xem là những sản phẩm làm nên tên tuổi của DL Bạc Liêu. Do đó, tỉnh cần sớm xây dựng các chương trình sân khấu thực cảnh để tái hiện hoàn cảnh ra đời bản nhạc lòng bất hủ của bác Sáu Lầu, những giai thoại lẫy lừng về chàng Hắc Công tử. Nếu như trước đây, du khách chỉ được nghe giới thiệu qua thuyết minh viên thì nay, chất liệu nghệ thuật sẽ giúp du khách có cảm nhận sâu sắc những giai điệu xao xuyến của bản DCHL, thấu hiểu hơn nỗi lòng người nhạc sĩ tài hoa; hay có cái nhìn chân thật về cuộc đời, thú ăn chơi và nghĩa cử đẹp của cậu Ba Huy. Làm được điều này, đồng nghĩa Bạc Liêu sẽ có thêm một sản phẩm DL về đêm chất lượng để thu hút, giữ chân du khách.
 
Bên cạnh đó, tôm Bạc Liêu đã tạo tiếng vang gần xa, nhất là từ sau cuộc thi ẩm thực “Tôm Bạc Liêu - Hương vị Việt Nam” được tổ chức tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Hơn nữa, một điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển thương hiệu DL từ con tôm là tỉnh được Chính phủ ủng hộ để xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước. Vì vậy, tổ chức các cuộc thi ẩm thực với nguyên liệu chính là tôm Bạc Liêu cũng là cách làm độc đáo để thông qua ẩm thực quảng bá hình ảnh, mời gọi du khách.
 
Lãnh đạo Sở VHTT-TTDL cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Tập đoàn Việt - Úc xây dựng đề án phát triển sản phẩm tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại trang trại nuôi tôm siêu thâm canh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển DL, đơn cử là xây dựng khu DL nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh.
 
Ông Phan Đình Huê - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội khu vực Tây Nam Bộ, cho biết: “Không phải các công ty lữ hành không muốn kéo tua xuống ĐBSCL, vì sản phẩm của các bạn hao hao giống nhau. Bạc Liêu muốn phát triển DL thì phải có khác biệt, ví dụ đối với con tôm,  nếu chỉ bắt lên bán thì chỉ là sản phẩm thô. Do đó, phải đóng gói, bỏ vào nồi lẩu, cho câu tôm… mới gọi là bán dịch vụ, làm sao để du khách quay lại Bạc Liêu ăn con tôm với giá cao mà không nơi nào có mới là thành công”.
 
Không cần đầu tư dàn trải cho nhiều sản phẩm, điều quan trọng với Bạc Liêu là phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm với những sản phẩm thật sự chất lượng. Khẳng định được thương hiệu riêng sẽ giúp DL tỉnh nhà nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước xóa bỏ sự trùng lắp về sản phẩm và góp phần giúp DL vùng phát triển mạnh mẽ./.
 
Hữu Thọ
Nguồn: Báo Bạc Liêu

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT