Hoạt động của ngành

Bảo tồn và khai thác tiềm năng du lịch nhà vườn Huế

Cập nhật: 17/05/2019 13:51:28
Số lần đọc: 1286
Đề án “Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” (NVHĐT) đã và đang được UBND TP. Huế triển khai thực hiện nhằm đạt mục tiêu có từ 25 - 40% NVHĐT được trùng tu trong giai đoạn 2015 - 2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.


Sinh viên nước ngoài tham quan vườn Huế. Ảnh: VĐN

Là ngôi nhà vườn hội tụ đầy đủ các tiêu chí NVHĐT, như có tuổi đời trên 200 năm, diện tích 17 ngàn m2, năm 2018, ông Hồ Xuân Doanh ở tổ 13, phường Thủy Biều được hỗ trợ 700 triệu đồng để tu sửa và nâng cấp nhà vườn. Với số tiền hỗ trợ cùng với sự giám sát, tư vấn kỹ thuật từ các đơn vị tư vấn thiết kế, gia đình triển khai đầu tư nâng cấp, sửa chữa toàn bộ hệ thống nhà rường, bao gồm lát nền gạch hoa, thay mái ngói, sơn nhà, cải tạo vườn và trồng cây xanh.

Ông Doanh cho biết, sau khi tu sửa nhà từ nguồn vốn của tỉnh, số lượng khách du lịch đến tham quan và thưởng thức các dịch vụ ngày càng đông. Đầu năm 2019, gia đình quyết định tự đầu tư thêm 500 triệu đồng để xây dựng thêm một căn nhà rường chuẩn Huế để phát triển thêm một số dịch vụ du lịch và đáp ứng nhu cầu khi số lượng khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực đông. Hiện, gia đình triển khai cải tạo vườn, trồng mới thêm một số cây ăn quả, rau xanh để phục vụ du khách tham quan.

Tại phường Kim Long, trong hai năm 2017- 2018, có 4 ngôi nhà vườn được nhận hỗ trợ từ đề án và triển khai sửa chữa, gồm nhà vườn ông Hoàng Xuân Bậc, Lê Lương, Hồ Văn Bình và Đoàn Kim Khánh. Đây là những ngôi nhà vườn đáp ứng các tiêu chí NVHĐT, song qua thời gian đã xuống cấp và hư hỏng, cần phải nâng cấp.

Chủ nhà vườn Hoàng Xuân Bậc, ông Hoàng Xuân Tiệp cho rằng, sau khi đầu tư nâng cấp, ngôi nhà đã hoàn thiện, khang trang và sạch đẹp hơn nhiều so với trước nên lượng khách đến tham quan và thưởng thức các dịch vụ ẩm thực ngày càng đông. Ngoài 500 triệu đồng được đề án hỗ trợ, gia đình đầu tư thêm 200 triệu đồng xây dựng khu ẩm thực, kết hợp tham quan nhà vườn.

Cùng với việc tôn tạo và sửa chữa, UBND TP. Huế phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh triển khai xây dựng trang thông tin điện tử về NVH nhằm cung cấp và trao đổi thông tin phục vụ du khách và người dân có nhu cầu tìm hiểu về NVHĐT; đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH Quảng cáo và Thiết kế Mỹ thuật thiết kế logo và khẩu hiệu NVH để phản ánh đầy đủ giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa để nhận diện thương hiệu NVH cũng như phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại các địa phương.

Theo ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist, muốn phát triển du lịch NVH, đặc biệt là tour tham quan nhà vườn Thủy Biều, ngoài chính sách hỗ trợ tôn tạo và sửa chữa nhà, tỉnh cần đẩy nhanh các dự án mở rộng đường Bùi Thị Xuân, đoạn từ cầu Long Thọ đến khu vực Lương Quán; xây dựng bãi đỗ xe, bến thuyền… Lâu nay, DN tổ chức đưa khách đến tham quan nhà vườn Thủy Biều bằng tour du lịch “Sáng Thủy Biều, chiều Tam Giang”, khám phá các làng nghề, như vẽ tranh, làm hương, kẹo mè, mứt thanh trà, tham quan khu vườn trồng rau sạch, song do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, cầu Long Thọ không cho xe 45 chỗ đi qua nên DN phải trung chuyển bằng xe 16 chỗ rất bất tiện và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ; dịch vụ du lịch ở đây còn đơn điệu và chưa có các nhà hàng, dịch vụ lưu trú chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của du khách.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Huế, bà Phạm Thị Quỳnh Dao cho rằng, NVH là nét đặc trưng mang bản sắc riêng của Huế không có nơi nào có được, song để bảo tồn và phát huy giá trị cần có sự chung tay của chính quyền, các chủ nhà vườn và các DN du lịch. Sau khi hỗ trợ tu sửa, một số nhà vườn đã đầu tư kinh phí để mở thêm các dịch vụ du lịch như dịch vụ cho thuê xe đạp tham quan nhà vườn, ẩm thực, ngâm chân, trải nghiệm làm mứt, kẹo, làm hương…, song số lượng khách đến tham quan chưa nhiều nên chưa tạo động lực để các chủ nhà vườn tiếp tục đầu tư mở rộng.

Bà Dao cho biết, năm 2019, TP tiếp tục kêu gọi một số DN lớn đầu tư khai thác để phát huy giá trị NVH, đồng thời sẽ tiến hành các thủ tục hỗ trợ phát triển sản phẩm hàng lưu niệm về nhà rường Huế làm mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Huế; hình thành và phát triển các tour du lịch gắn với NVHĐT; hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của giá trị từ NVHĐT./.

Nguồn: Báo điện tử Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục