Non nước Việt Nam

Bình Phước: Lễ hội Phá Bàu - nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer

Cập nhật: 19/03/2024 13:40:44
Số lần đọc: 657
Ngày 17/3, đông đảo người dân huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) và vùng lân cận đã tham gia Lễ hội Phá Bàu (lễ hội Dua Tpeng), được tổ chức tại bàu Kpoch, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh.


Niềm vui của người dân khi bắt được cá dưới bàu. Ảnh: K Gửih - TTXVN

Lễ hội Phá Bàu của đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4615/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.

Lễ hội bắt đầu bằng nghi lễ truyền thống do già làng của xã Lộc Khánh làm chủ lễ. Sau đó, lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, các bài hát, điệu múa truyền thống cộng đồng của người Khmer. Tiếp đó, người dân trực tiếp xuống bàu bắt cá. Con cá lớn bắt đầu tiên sẽ dâng cho già làng. Mọi người sau đó lấy sản phẩm bắt được cùng nướng và chế biến các món ăn truyền thống để ăn tại lễ hội.

Phá Bàu là lễ hội truyền thống, loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo riêng của đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Lễ hội phản ánh rõ nét đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Thông qua lễ hội, đồng bào Khmer cầu mong bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Già làng xã Lộc Khánh Lâm Đinh cho biết, được chính quyền địa phương tổ chức lễ hội, đồng bào dân tộc Khmer rất phấn khởi. Đồng bào tham dự đều cầu mong mưa thuận, gió hòa để người dân làm ăn tốt hơn năm trước.

Sau phần lễ, người dân sẽ dùng những vật dụng, như nơm, gùi, đồ xúc cá, giỏ đựng xuống bàu bắt cá. Ảnh: K Gửih - TTXVN

Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội Phá Bàu của đồng bào Khmer được chính quyền địa phương tổ chức hằng năm nhằm giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc riêng. Đặc biệt, lễ hội nhằm góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong việc lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Dù không tổ chức tại xã đang sinh sống, nhưng anh Lâm Nhanh (ở xã Lộc Hưng) đã đến rất sớm tham dự lễ hội. Anh Lâm Nhanh chia sẻ, qua lễ hội càng nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát triển nét văn hóa dân tộc mình. Anh luôn tìm tòi, học hỏi và ghi chép để phong tục của dân tộc mình cùng nét đẹp văn hóa của dân tộc Khmer luôn luôn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Đồng bào Khmer xuống bàu bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ truyền thống. Ảnh: K Gửih - TTXVN

Anh Lâm Đon (ở xã Lộc Khánh) sau khi tham dự lễ hội cũng tự nhủ cần cố gắng để học hỏi kinh nghiệm tổ chức lễ hội của thế hệ trước. Trong mỗi mùa lễ hội, anh Lâm Đon trực tiếp phụ các phần việc cần thiết để học hỏi thêm kinh nghiệm và mong muốn tiếp tục truyền lửa, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Lễ hội Phá Bàu không chỉ là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, giao lưu tình cảm giữa các cư dân trong sóc mà cả với cộng đồng cư dân ở các khu vực lân cận.

Cá sau khi bắt được người dân chế biến thành những món ăn truyền thống và cùng nhau thưởng thức. Ảnh: K Gửih - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Thị Ánh Tuyết cho biết: Hằng năm, huyện cùng với già làng, người có uy tín của xã Lộc Khánh, các sư ở chùa cùng nhau tổ chức lễ hội. Phá Bàu là một nét văn hóa truyền thống của người Khmer không chỉ là xuống nước đánh bắt thủy sản mà còn là hoạt động tâm linh, hoạt động vui chơi để người dân phấn khởi, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

Với những giá trị văn hóa to lớn, lễ hội Phá Bàu ở huyện Lộc Ninh đã và đang góp phần tạo động lực để đồng bào dân tộc Khmer duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở huyện biên giới Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.

K Gửih

Nguồn: Báo Dân tộc miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 17/03/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT