Hoạt động của ngành

Cần sự trợ lực cho phát triển du lịch vùng biên Đắk Lắk

Cập nhật: 10/11/2023 14:15:52
Số lần đọc: 723
Điều kiện tự nhiên đặc thù cùng nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em cùng sinh sống là nguồn tài nguyên dồi dào cho sự phát triển du lịch của các địa phương khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk.


Đặc sắc văn hóa các dân tộc

29 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện Ea Súp đã dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, đậm đà bản sắc dân tộc nơi vùng biên này. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, cùng với cảnh quan thiên nhiên, di tích… là cơ sở để phát triển du lịch nơi đây.

Ở xã Ea Rốk, 18 dân tộc anh em như Nùng, J'rai, Xê đăng, Êđê… quần tụ theo những cộng đồng dân cư, cùng nhau giữ gìn, nuôi dưỡng và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Thôn 8 của xã có 178 hộ, chủ yếu là người J'rai (130 hộ), còn lại là người Êđê. Bà con đoàn kết một lòng xây dựng cuộc sống ngày càng khởi sắc, chăm lo giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là nếp nhà sàn, ẩm thực, trang phục hay những phong tục tập quán tốt đẹp.

Phụ nữ thôn 8 (xã Ea Rốk) tìm hiểu về nghề dệt của người J'rai.

Ngôi nhà sàn của ông Y Lel Rcăm được xem là ngôi nhà đẹp nhất của thôn, có chiều dài hàng chục mét, được làm bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống của người J'rai, pha trộn một chút phong cách của người Êđê. Ông Y Lel cho hay, ngôi nhà sàn này đã gắn bó với gia đình hàng chục năm nay, là nơi tụ họp đại gia đình mỗi khi có công việc lớn. Đặc biệt, khi có những vị khách ghé thăm, gia chủ sẽ chuẩn bị các món ăn ngon theo truyền thống của người J'rai như các món giã từ cá khô, cà đắng, canh bột hay lá sắn xào... Nguyên liệu chủ yếu được hái trong vườn nhà, rẫy, hoặc mua từ những gia đình trong thôn. Đến nơi đây, du khách dường như quên đi những bộn bề của cuộc sống, tận hưởng hương vị thiên nhiên và đời sống giản đơn của cư dân bản địa.

Trưởng thôn 8 H Yuen Siu cho hay: "Hiện nay thôn 8 có khoảng 30% số nhà còn giữ ngôi nhà sàn truyền thống, bà con vẫn luôn cố gắng gìn giữ và phát triển thêm những ngôi nhà sàn, dù chất liệu xây dựng không được như xưa". Cũng như mọi người dân, chị H Yuen kỳ vọng rằng những nét văn hóa độc đáo này sẽ được nhiều người biết đến, qua đó có thể phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, từ đó nâng cao mức sống người dân.

Cách đó không xa là thôn 21, với 114 hộ dân, chủ yếu là người Nùng Phàn Slình. Bà con vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình như trang phục, ẩm thực, đặc biệt là nghệ thuật đàn tính, hát then. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng hầu hết các gia đình đều tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; đóng góp kinh phí để duy trì và sinh hoạt nhóm đàn tính, hát then của thôn.

Bà Hoàng Thị Nhung (thôn 21) cho biết, nhóm đàn tính, hát then của thôn được ra đời từ tình yêu quê hương nên duy trì cũng bằng tình yêu tha thiết đó; trang phục, nhạc cụ... đều được các thành viên tự trang bị. Niềm hạnh phúc của những người con dân tộc Nùng trên mảnh đất này là được giới thiệu văn hóa truyền thống đến nhiều người hơn nữa. Vì vậy, mỗi dịp lễ, Tết hay có khách đến thăm, họ không chỉ tặng âm nhạc, những món ăn đậm chất quê hương như bánh dày, khâu nhục… mà còn có cả tấm lòng. Trong tiếng hát tâm tình gửi đến những vị khách ghé thăm, những người con Nùng Phàn Slình thôn 21 còn gửi gắm niềm mong ước về bức tranh du lịch của quê hương thứ hai được khởi sắc; trong đó có họ đóng góp một phần cho sự phát triển…

Cần sự trợ lực thiết thực

Trên địa bàn huyện Ea Súp có những di tích, danh lam thắng cảnh nổi bật như: Di tích lịch sử cấp quốc gia Tháp Chăm Yang Prông (xã Ea Rốk) là tháp Chăm duy nhất ở Tây Nguyên; hồ Ea Súp thượng (xã Cư M’lan) - công trình thủy lợi lớn nhất nhì Tây Nguyên với lợi thế mặt nước lớn, tương đối ổn định vào mùa khô, bao quanh là cánh rừng tự nhiên rộng lớn với hệ động thực vật phong phú; hồ Ea Súp hạ (thị trấn Ea Súp) đường đi vào dễ dàng và có khu dân cư nên có lợi thế khai thác du lịch…

Tuy nhiên, trên thực tế du lịch của Ea Súp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Khách quan nhìn nhận có thể thấy, hạ tầng cơ sở du lịch của các địa phương vẫn chưa được đầu tư; sản phẩm du lịch đặc trưng còn thiếu; giao thông đến các địa phương chưa được nâng cấp, khó khăn cho việc đi lại; chưa có điều kiện tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch…

Phụ nữ thôn 21 (xã Ea Rốk) làm bánh truyền thống.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea Súp, hiện nay huyện đang đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiềm năng du lịch của huyện. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, ngoài sự nỗ lực, phát huy nội lực của các địa phương thì rất cần có sự trợ lực thêm từ nhiều phía.

Mai Sao

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 10/11/2023

Cùng chuyên mục