Ðầu tư Du lịch

Chỉnh trang để mời gọi du khách khám phá cụm di tích Hổ Quyền-Voi Ré độc nhất Việt Nam

Cập nhật: 06/07/2020 14:38:36
Số lần đọc: 735
Chiều 3/7, tại cuộc họp cung cấp thông tin báo chí do UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh này cho biết, sau khi đi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo đề xuất của UBND thành phố Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đã có thông báo kết luận, yêu cầu các đơn vị liên quan và UBND thành phố Huế sớm thực hiện điều chỉnh quy hoạch Khu vực Thủy Biều kết hợp khai thác di tích Hổ Quyền – Voi Ré, để di tích này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, độc đáo đối với du khách trong nước và quốc tế.


Di tích điện Voi Ré

Theo đó, thống nhất phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án chỉnh trang đến khoanh vùng 2 bảo vệ di tích. Trước mắt, ưu tiên khẩn trương tổ chức giải tỏa nhà dân nằm tiếp giáp vị trí Hổ Quyền. Giao UBND thành phố Huế phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành và chỉnh trang khu vực trước Festival Huế 2020.

Bên cạnh đó, có phương án nghiên cứu tái tạo hình ảnh đấu trường bằng giải pháp công nghệ để phục vụ du khách. Đối với tuyến đường vào di tích hướng chính là đường Bùi Thị Xuân có quy mô mặt cắt đường đảm bảo đủ 2 làn xe thì thống nhất mở không gian kết nối từ đường Huyền Trân Công chúa đến di tích nhằm phục vụ nhu cầu bãi đổ xe, các dịch vụ phụ trợ đi kèm và dành quỹ đất tái định cư cho phạm vi dự án giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu đường vào Hổ Quyền – Voi Ré phải là đường đi bộ, có khoảng cách các bãi đổ xe vào cụm di tích khoảng 300-400m, thuận tiện cho việc di chuyển cũng như tham quan của du khách. 

Theo các nhà nghiên cứu, Hổ Quyền là một đấu trường được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và cọp cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem. Đồng thời, đây là nơi luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận.

Vòng ngoài di tích Hổ Quyền sau khi được trùng tu
Trường đấu Hổ Quyền được xây dựng năm Canh Dần (1830), vị trí ở gần đồi Long Thọ, cách kinh thành 4km. Trận đấu cuối cùng diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái.
Hổ Quyền có cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn. Vật liệu xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, cho nên ngày nay đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn. Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm. Vòng trong cao 5,90m, vòng ngoài cao 4,75m (kể cả lan can), cả hai vòng tường cộng với dải đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và 5m ở chân thành. Mặt trên của dải đất cao bằng vòng tường ngoài, tạo thành con đường chạy vòng tròn (chỉ gián đoạn ở khán đài vua ngồi). Đường kính lòng chảo là 44m, chu vi tường ngoài 140m. Quanh vòng tường thành có trổ 5 chuồng cọp và một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu.

Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường. Ở chỗ khán đài vua ngồi, thân của đấu trường được nới rộng ra về bề dày. Cửa voi đi rộng 1,90m, cao gần 4m, con đường trên cửa vòm được thu hẹp bằng một cây cầu, cửa vòm có hai cánh bằng gỗ lớn, bản lề bằng đá. Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng cọp. Hổ Quyền ở Huế là một di tích đặc biệt và độc đáo của Việt Nam, và là di tích quý hiếm của thế giới.

Ðiện Voi Ré xây dựng năm 1817, tọa lạc trên khu đất rộng 2.000m², vòng thành bao quanh rộng 44m, dài 44,6m. Hai nhà Tả Hữu Tòng Tự xây bằng nhau để thờ Voi gồm 2 gian 2 chái, dài 7,6m, rộng 6,9m. Miếu Tượng dài 2,6m, rộng 2,2m. Ðiện Long Châu cấu trúc theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc" gồm 5 gian 2 chái, diện tích 156m², dài 13m, rộng 12m. Mộ Voi Ré và Voi Ô Long đắp nổi hình chữ nhật, kích thước 2,5x1,4m, dựng bia bằng đá thanh.


1 trong số 5 chuồng cọp được xây dựng ngay trong lòng đấu trường của di tích Hổ Quyền nằm đối diện với khán đài phía Bắc

Bà Trần Thị Hoài Trâm cho biết thêm, cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré (phường Thủy Biều, TP Huế) là một bộ phận cấu thành của quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993.

Bên cạnh ý nghĩa lịch sử của công trình, Hổ Quyền - Voi Ré còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tư tưởng thời Nguyễn. Thời gian qua, cụm di tích này đã được trùng tu và phục hồi với nhiều hạng mục. Việc khai thác có hiệu quả di tích Hổ Quyền – Voi Ré sẽ phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các giá trị di sản, làm hồi sinh một di tích có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, góp phần làm phong phú thêm cho quần thể di tích Cố đô Huế.

 

Nguồn: SGGP

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT