Non nước Việt Nam

Chuyện xây giữ đền thờ Bác Hồ trong kháng chiến

Cập nhật: 05/09/2022 10:40:29
Số lần đọc: 958
Thăm Khu di tích đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), xem hiện vật trưng bày, nghe những câu chuyện cảm động về lịch sử xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác…, càng thấy lòng thành kính, biết ơn của đồng bào nơi đây với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.


Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên khu di tích.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Long Đức tuy là xã giải phóng nhưng vẫn có những ấp nằm trong sự kiểm soát của địch. Bao bọc quanh xã là ba con sông: Cổ Chiên, Long Bình và Bà Trường, cách trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn ở Trà Vinh 4km; cách trung tâm hành quân hỗn hợp của địch 1,5km. Quân địch ở đây có hai giang đoàn, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, sư đoàn bộ sư đoàn 9 quân lực Việt Nam cộng hòa…

Đầu tháng 9/1969, nhận được tin Bác từ trần, bà con ấp trên, xóm dưới trong xã đều khóc, nhiều nhà cúng cơm, để tang Bác theo phong tục địa phương suốt 49 ngày. Theo nguyện vọng của nhân dân trong xã, đầu năm 1970, Thị ủy Trà Vinh họp, được sự chấp thuận của Tỉnh ủy Trà Vinh về việc xây dựng đền thờ Bác. Cái khó nhất là địa điểm xây đền. Long Đức là xã vùng trũng, vùng cao thì địch lại đóng đồn. Bàn đi tính lại, xã quyết định xây dựng đền thờ Bác tại ấp Vĩnh Hội. Vị trí này cách đồn địch 300m, đây là khoảng cách mà đạn địch từ chòi canh ở đồn có thể bắn tới. Khi đó, đồng chí Nguyễn Văn Trị (Hai Trị) được giao nhiệm vụ trấn áp lính trong đồn. Hai Trị viết một lá thư tay nhờ cơ sở đưa vào cho đồn trưởng là thượng sĩ Danh. Nội dung thư viết: “Ê thượng sĩ Danh. Mày có lý tưởng của mày, tao có lý tưởng của tao. Vài hôm nữa tao xây đền thờ cho cha tao là Cụ Hồ. Nếu mày quân tử, đừng cho lính bắn ra. Nếu mày chơi không quân tử, thì cái đồn của mày cũng không yên đâu!”. Ngoài ra, bộ phận binh vận của xã cũng tác động thêm với lính trong đồn.

Mô hình Nhà sàn Bác Hồ.

Ngày 10/3/1970 khởi công xây dựng đền, Hai Trị cùng du kích đến đào công sự để tránh bom đạn. Lính trong đồn biết nhưng không bắn ra. Long Đức khi đó là một xã nghèo, nhưng bà con ai cũng nô nức góp công xây dựng đền thờ Bác. Dự kiến ban đầu là ngày 2/9/1970 sẽ khánh thành. Tiếp đó, ban chỉ đạo phân công luân phiên, mỗi ngày hai ấp cử người tham gia xây dựng đền. Công việc bắt đầu từ 5 giờ chiều đến sáng hôm sau, đào đắp, đầm nền, vận chuyển vật liệu. Thi thoảng, pháo địch từ chiến hạm trên sông Cổ Chiên hoặc từ căn cứ hành quân bắn vào, mọi người lại xuống hầm trú ẩn.

Lính trong đồn không bắn ra, nhưng địch ở thành phố, chi khu biết được, nên ngày 15/4/1970, tỉnh trưởng Trà Vinh huy động hàng trăm quân với trực thăng và pháo binh tiến vào. Lực lượng du kích cùng với tổ bảo vệ đã đánh trả quyết liệt. Trong suốt mấy tháng chiến đấu bảo vệ đền, du kích Long Đức cùng bộ đội địa phương đã loại khỏi vòng chiến hàng trăm tên địch.

Đền được khánh thành ngày 26/1/1971 (tức 30 tháng Chạp Tết Nguyên đán Tân Hợi) trên diện tích 16m2, lợp lá dừa nước, khung sườn bằng gỗ tốt, nền xi-măng, trên nóc tung bay lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Trong đền treo bức tranh Bác Hồ có kích thước 1mx0,8m, lấy nguyên mẫu từ ảnh đen trắng do một cán bộ tập kết đem về, được họa sĩ Phong Ba vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Từ ngày 28/1 đến 4/2/1971, hơn 10 nghìn lượt người dân đã đến dâng hương viếng Bác.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức đã khiến cho địch rất hoang mang. Một tháng sau ngày khánh thành đền, địch mở cuộc càn với quy mô lớn, do tỉnh trưởng Trà Vinh trực tiếp chỉ huy. Một tiểu đoàn địch cùng với máy bay đánh phá khu đền. Du kích và bộ đội địa phương đã ngoan cường chiến đấu. Viên thiếu tá và nhiều binh lính của địch đã bị ta tiêu diệt. Quân địch đã vào đến đền và châm lửa đốt. Riêng bức chân dung Bác Hồ, chúng không dám đốt mà cho khiêng về dinh tỉnh trưởng. Khi quân địch rút đi, du kích trở lại đền thì thấy một lá thư của một người lính, kèm theo 500 đồng (tiền VNCH). Lá thư viết: “vì bị bắt buộc làm chuyện đại nghịch này, tôi rất hối hận. Xin gửi lại các chư vị ít tiền cung tiến vào việc trùng tu đền thờ Cụ Hồ”.

Ngày hôm sau, hàng trăm quần chúng xã Long Đức kéo vào nội ô đấu tranh đòi địch phải trả lại chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tỉnh trưởng hứa sẽ trả lại chân dung nhưng sau đó nuốt lời. Việc xây lại và bảo vệ ngôi đền được thị ủy, thị đội Trà Vinh cùng đảng ủy và lực lượng vũ trang Long Đức triển khai rất chặt chẽ. Ngày 14/2/1972 (tức ngày 30 Tết Nguyên đán) đền thờ Bác được khánh thành lần thứ hai trong niềm vui của quân và dân Long Đức.

Nhưng đến ngày 3/10/1972, lại một lần nữa địch cho máy bay bắn phá hủy diệt ngôi đền. Ngôi đền bị cháy, nhưng du kích và bà con trong ấp đã kịp thời dập lửa, bảo vệ được đền. Tính đến ngày 30/4/1975, ngôi đền thờ Bác ở Long Đức đã ba lần bị đánh phá, cháy rụi và ba lần được xây cất lại cho đến nay. Trong 5 năm (1970-1975) xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Long Đức đã bẻ gãy hàng chục trận càn quét, hàng trăm đợt đánh phá bằng pháo và máy bay của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Trong các cuộc chiến đấu bảo vệ đền, đã có 27 cán bộ, đảng viên và du kích Long Đức anh dũng hy sinh, trong đó có các gương hy sinh như: Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Văn Trị (Hai Trị), đội trưởng đội nữ du kích xã Phan Thị Nhờ…

Năm 1989, khu đền thờ Bác ở xã Long Đức được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo và xây dựng thành Khu di tích trên khuôn viên rộng 5,4ha với các hạng mục: Đền thờ Bác Hồ, nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuôn viên cây xanh ao cá, khu vui chơi…

Theo Ban quản lý Khu di tích đền thờ Bác Hồ tỉnh Trà Vinh, mỗi năm bình quân có hơn 5 vạn lượt người đến viếng Bác và tham quan di tích. Đền thờ Bác Hồ ở Long Đức là biểu tượng về phong trào đấu tranh cách mạng và lòng thành kính của đồng bào Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Năm 2012, theo quy hoạch của hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh trên phạm vi cả nước, phiên bản nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so nguyên bản nhà sàn Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội được dựng lên trong khuôn viên đền thờ Bác càng tôn thêm vẻ uy nghiêm nhưng gần gũi với đồng bào.

Bùi Anh Đức

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 05/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT