Tin tức - Sự kiện

Cơ hội cho hàng lưu niệm - quà tặng Huế

Cập nhật: 12/01/2021 08:15:39
Số lần đọc: 853
Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) năm 2020 khép lại, mở ra cơ hội cho thị trường hàng lưu niệm - quà tặng Huế khi 13 sản phẩm đạt giải sẽ được Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, tạo động lực trong việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề và làng nghề truyền thống.

Bộ quà lưu niệm "Bình phong" đặc trưng Huế của tác giả Phạm Đăng Nhật Thái đạt giải Nhì

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Vượt qua hơn 200 sản phẩm dự thi, bộ đĩa pháp lam Long Phụng của nhóm tác giả Đỗ Hữu Triết - Trần Nam Long - Nguyễn Quốc Hiếu đạt giải nhất. Đây là thành quả sau nhiều năm nghiên cứu, sáng tạo của Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng- ông Đỗ Hữu Triết và các cộng sự.

Theo nghệ nhân Đỗ Hữu Triết, bộ đĩa pháp lam Long Phụng là sản phẩm có tính ưu việt, kết hợp giữa nghề thủ công truyền thống với máy móc hiện đại cùng với niềm đam mê văn hóa Huế và nghệ thuật pháp lam cung đình, tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh và mang đậm bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam.

Khác với các sản phẩm TCMN trên thị trường, các loại quà tặng - lưu niệm từ pháp lam có phân khúc thị trường cao cấp, sản phẩm chắt lọc sự sang trọng nên khá “kén” khách, bởi giá thành tương đối cao so với các sản phẩm cùng loại. Qua hơn 20 năm gắn bó với nghề pháp lam, đây là bộ sản phẩm được cơ sở đầu tư công sức, thử nghiệm nhiều mẫu mã và đặt tiêu chí làm quà tặng - lưu niệm lên từng mẫu thiết kế trước khi hoàn thành và tham gia hội thi.

"Bộ sản phẩm được ban tổ chức hội thi đánh giá cao và giành ngôi vị cao nhất hội thi, song hành trình bước ra khỏi hội thi để trở thành sản phẩm lưu niệm - quà tặng là một quãng đường dài cần phải có sự hỗ trợ công nghệ, máy móc, xúc tiến thị trường và quảng bá thương hiệu của các sở ban ngành. UBND tỉnh nên triển khai chương trình quà tặng để các cơ sở sản xuất có sự chuẩn bị cũng như đầu tư thiết kế mẫu", nghệ nhân Đỗ Hữu Triết kiến nghị.

Kết nối các làng nghề

Cùng với bộ đĩa pháp lam Long Phụng đạt giải nhất, ban tổ chức hội thi đã trao 12 giải thưởng. Trong đó, giải nhì thuộc về bộ quà lưu niệm "Bình phong” đặc trưng Huế của Phạm Đăng Nhật Thái, ở 26 Võ Thị Sáu và bộ áo dài Huế lấy ý tưởng từ nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc Huế của Công ty TNHH MTV Viết Bảo QB; 3 giải ba gồm bộ lắp ráp mô hình giấy 3D Ngọ Môn Huế của tác giả Lê Ngọc Tuấn Anh, bộ khay và tấm trải gia dụng “Kết nối tinh hoa làng nghề Huế” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Đủ, Nguyễn Thị Thanh Trà và bộ sản phẩm đèn diều Huế của tác giả Nguyễn Văn Hoàng.

Theo đánh giá của ban tổ chức, sản phẩm tham gia hội thi lần này đã có nhiều tiến bộ về sản phẩm, nhiều ý tưởng mới, có sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nhiều cơ sở đã kết hợp thủ công truyền thống với công nghệ - thiết bị hiện đại vào sản xuất hàng TCMN; khai thác nguyên liệu mới sẵn có tại địa phương và chú trọng bao bì nhãn mác góp phần tạo động lực trong việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề và làng nghề truyền thống. Một số sản phẩm đã sử dụng nguyên vật liệu của nhiều làng nghề truyền thống Huế để tạo ra bộ sản phẩm tinh xảo, độc đáo.

Ông Nguyễn Văn Đủ cho rằng, sản phẩm làng nghề phải có sự liên kết và cộng hưởng với nhau thì khi sản phẩm được công chúng đón nhận, các làng nghề sẽ được cộng hưởng trong việc tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cũng như tạo sự gắn kết giữa các nghệ nhân và sự liên kết giữa các làng nghề.

Đưa sản phẩm ra thị trường

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Lương Bảy cho rằng, hội thi là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị văn hoá của các ngành nghề và làng nghề truyền thống, đồng thời khơi dậy tiềm lực sáng tạo của các nghệ nhân, cá nhân và các tổ chức nghề nghiệp trong việc đẩy mạnh việc sáng tác mẫu mã mới và sản xuất các sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng mang đậm bản sắc văn hoá Huế phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Các sản phẩm tham gia hội thi đa dạng về chủng loại, kiểu dáng và hình thức thể hiện, mang đặc trưng văn hoá Huế. Nhiều sản phẩm được ứng dụng trên các loại vật liệu mới như lá sen, là bàng rừng và phần lớn các sản phẩm được làm bằng nguyên liệu tại địa phương. Các sản phẩm dự thi được đầu tư về bao bì đóng gói, đáp ứng yêu cầu của một sản phẩm thủ TCMN làm hàng lưu niệm phục vụ du lịch.

Sau 7 tháng phát động, hội thi thiết kế sản phẩm TCMN 2020 thu hút 209 mẫu thiết kế/sản phẩm của 47 cơ sở, nhóm, cá nhân tham gia. Qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, có 56 mẫu, bộ thiết kế/sản phẩm vào vòng chung khảo và kết quả có 13 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt giải, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 7 giải khuyến khích.

 

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT