Non nước Việt Nam

Công Sơn - Cao Lộc (Lạng Sơn) giữ gìn nghề đan gùi truyền thống

Cập nhật: 05/08/2020 09:28:33
Số lần đọc: 1255
Xã Công Sơn, huyện Cao Lộc có 280 hộ dân, với 1.387 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Những năm gần đây, nhờ giữ gìn, phát triển nghề đan gùi truyền thống, người dân nơi đây đã có thêm việc làm và tăng thu nhập.  


Bà Dương Múi Nảy, thôn Nhọt Nặm, xã Công Sơn đan gùi theo đơn đặt hàng của khách

Bà Dương Múi Nảy, 72 tuổi, ở thôn Nhọt Nặm, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc hằng ngày vẫn đều đặn đan những chiếc gùi bán theo đơn đặt hàng cho những người trong thôn và ở các thôn, xã lân cận. Mỗi chiếc, bà bán với giá 300.000 đồng. Bà Nảy cho biết: Ngày trước việc đan gùi gặp khó khăn hơn vì muốn có nguyên liệu đan gùi phải vào rừng tìm vỏ cây pán, cây po. Sau đó mang về cạo phần vỏ ngoài lấy phần trong phơi khô, se thành những sợi nhỏ dẻo nên chỉ đủ để đan gùi cho các thành viên trong gia đình sử dụng. Ngày nay, việc đan gùi dễ dàng hơn vì chỉ cần bỏ 50.000 đồng ra chợ mua 1 cuộn dây dù là đan được một chiếc gùi vừa đẹp, vừa bền và có thể đan nhiều để bán. Tuy nhiên, do việc đan gùi đòi hỏi sự kiên trì, mất nhiều thời gian, giá bán lại rẻ nên bây giờ ít người đan bán. Tuổi đã cao nên mỗi tháng tôi chỉ đan được 3 hoặc 4 chiếc gùi, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cách đây nhiều năm, việc đan gùi của người Dao xã Công Sơn chỉ phục vụ sử dụng đi nương rẫy và sinh hoạt hằng ngày. Những năm gần đây, trước nhu cầu của người dân, khách hàng ở trong và ngoài địa bàn, những người đan gùi ở xã Công Sơn đã đầu tư công sức để đan những chiếc gùi đẹp mắt, bền đẹp hơn. Để đan được một chiếc gùi bền và đẹp đòi hỏi người thợ phải đan được phần thân gùi trăm mắt đều như một, miệng gùi phải vừa đều, đẹp, không bị xù hoặc tuột ra. Sau khi đan xong, chiếc gùi được buộc hai sợi dây vải mềm hai bên vừa với vai đeo để khi đeo đồ nặng vai không bị đau nhức.

So với địa bàn các xã có người Dao sinh sống thì xã Công Sơn là nơi giữ gìn, phát triển tốt nghề đan gùi truyền thống. Không chỉ đan gùi phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhiều người dân ở đây đã sống được bằng nghề đan gùi. Ông Triệu Chằn Lìu, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Chiếc gùi là vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân bản địa từ xưa tới nay. Hầu hết các gia đình trong xã đều có người biết đan gùi. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 50 hộ với gần 120 lao động gắn bó với nghề đan gùi lúc nông nhàn để bán. Dù thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền xã luôn khuyến khích bà con giữ gìn, phát triển nghề đan gùi truyền thống, vừa để bà con có thêm thu nhập.

Chị Triệu A Múi, thôn Cốc Tranh, xã Công Sơn đã có nhiều  năm đan gùi đem lại thu nhập ổn định. Trung bình mỗi tuần, chị đan được 3 chiếc gùi. Ngoài việc bán cho những người dân trong xã, chị còn bán gùi tại các chợ phiên lân cận, thậm chí đăng bài bán trên mạng xã hội (zalo, facebook) nên sản phẩm của chị làm ra đến đâu được bán hết đến đó. Chị Múi cho biết: Tôi đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề đan gùi. Dù việc đan gùi không phải nghề chính nhưng tôi có thu nhập thêm khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này giúp gia đình trang trải cuộc sống. Tôi xác định sẽ gắn bó với nghề này lâu dài không chỉ bởi nó cho thu nhập mà còn là gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào.

Có thể nói, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đồng bào Dao ở xã Công Sơn vẫn duy trì, gìn giữ những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc trong đó có nghề đan gùi truyền thống là rất đáng quý. Để nghề này tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, tạo thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Công Sơn rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa từ nhiều phía trong việc nhân rộng, phát triển nghề, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm hướng tới để gùi của người dân trong xã làm ra có thể trở thành hàng hóa, phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.

 

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT