Hoạt động của ngành

Đà Nẵng: Phát triển du lịch gắn với thương mại, dịch vụ

Cập nhật: 22/03/2023 14:38:35
Số lần đọc: 373
Đà Nẵng định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính chiến lược và bền vững. Vì vậy, bên cạnh khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhiều điểm vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng chất lượng cao, thành phố thúc đẩy thương mại để phục vụ du khách, góp phần tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người lao động. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, việc phối hợp du lịch - thương mại và dịch vụ là rất cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Chợ truyền thống hiện đang thu hút khách du lịch tại thành phố. Trong ảnh: Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Hàn. (Ảnh chụp ngày 21-3-2023). Ảnh: GIA PHÚC; đồ họa: Anh Duy

Bài 1: Khai thác ưu thế du lịch mua sắm

Cũng như các thành phố du lịch khác, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để trở thành điểm du lịch mua sắm nổi tiếng. Bên cạnh các khoản chi tiêu cho lưu trú, di chuyển, ăn uống thì mua sắm cần được quan tâm hơn nữa để nâng cao nguồn doanh thu cho ngành du lịch của Đà Nẵng.

Sức hút từ chợ truyền thống

Ở mỗi vùng miền đều có những chợ nổi tiếng thu hút khách du lịch. Nếu Hà Nội nức tiếng bởi chợ Đồng Xuân, xứ Huế với chợ Đông Ba, Thành phố Hồ Chí Minh có chợ Bến Thành thì chợ Cồn, chợ Hàn là biểu tượng du lịch quen thuộc của Đà Nẵng.

Các tuyến đường xung quanh hai chợ như Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học… luôn tấp nập khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Sức hút của những khu chợ truyền thống với khách quốc tế chính là nét văn hóa của đất và người địa phương. Khách du lịch có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, bản sắc, lối sống của người dân, giao lưu ngôn ngữ cũng như trải nghiệm mua sắm các đặc sản địa phương.

Từ năm 2017 đến nay, du khách đến chợ Hàn có cơ hội trải nghiệm dịch vụ may đo “cấp tốc” áo dài. Khách sau khi chọn mẫu vải, kiểu dáng, được thợ may lấy số đo xong thì chỉ việc ung dung dạo chợ, khoảng một giờ đồng hồ sau quay lại sẽ nhận bộ áo dài truyền thống được may đo kỹ lưỡng. Mỗi bộ áo dài có giá trung bình 350.000-500.000 đồng tùy chất liệu vải. Dịch vụ này đã tạo việc làm cho hơn 100 tiểu thương, thợ may tại chợ.

Nhiều du khách quốc tế, nhất là khách Hàn Quốc rất thích thú với sản phẩm áo dài được may đo tại chỗ. Chính nhờ những bức ảnh được du khách check-in tại các điểm tham quan tại Đà Nẵng đăng trên các trang mạng xã hội mà chợ Hàn ngày càng được đông đảo du khách biết tới như một địa điểm không thể thiếu khi đi du lịch Đà Nẵng. Chị Deung Chaewon (Hàn Quốc) bày tỏ: “Chợ Hàn là điểm mua sắm có rất nhiều đặc sản địa phương mà chúng tôi có thể thưởng thức. Chúng tôi rất thích không khí mua sắm đông đúc tại đây và thích mặc  áo dài Việt Nam dạo phố”.

Trong khi đó, chợ Cồn nổi tiếng với ẩm thực đa dạng mang đậm dấu ấn địa phương. Đến chợ Cồn, du khách sẽ được thưởng thức các món ngon tại 3 khu vực chính: ẩm thực trong nhà, ẩm thực ngoài trời và đặc sản khô. Khu ẩm thực trong lồng chợ được chia theo hai dãy chính và bày bán các món đặc trưng. Thông thường một dãy sẽ bán các món ăn mặn như: bún thịt nướng, bún mắm, bánh xèo, bánh căn… và dãy còn lại sẽ chuyên về món ăn ngọt như các loại chè, kem, sinh tố… Đặc biệt, đặc sản mà du khách bắt gặp nhiều nhất là hải sản khô, các loại cá, mực, tôm khô được để nguyên vị hoặc tẩm ướp với màu sắc vô cùng bắt mắt.

Chị Đặng Thủy Linh, du khách Hà Nội cho biết, lần nào đến Đà Nẵng chị cũng ghé chợ Cồn để mua quà mang về làm quà tặng. Điều thích thú khi đi mua sắm là khách chỉ cần trả tiền mua các món đồ, các tiểu thương sẽ chủ động đóng gói cẩn thận (không tính phí) để du khách thuận lợi ký gửi trên các phương tiện như máy bay, tàu hỏa hoặc xe khách.

Theo Ban quản lý chợ Cồn và chợ Hàn, trung bình mỗi ngày, chợ đón 4.000-5.000 khách; vào các dịp lễ, Tết, du khách đổ về chợ tăng gấp đôi. Trong đó chợ Hàn đón nhiều nhất là du khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và khách châu Âu đến bằng đường biển. Ngoài ra, một số chợ truyền thống như chợ Đống Đa, chợ hải sản quận Thanh Khê cũng được nhiều du khách nội địa tìm đến mua hải sản đóng thùng về các tỉnh, thành phố trong nước.

Nhiều chợ ở thành phố được du khách lựa chọn làm điểm đến và ẩm thực địa phương rất được du khách yêu thích. TRONG ẢNH: Du khách chọn món bún nắm, thịt heo luộc tại chợ Hàn. Ảnh: Quỳnh Trang

Cần xây dựng thương hiệu cho đặc sản Đà Nẵng

Nhu cầu mua sắm của khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa rất cao. Ngoài thời gian đi tham quan, khách vẫn có nhu cầu mua sắm đồ đặc sản, đồ lưu niệm để mang về tặng người thân. So với các địa phương khác trong cả nước, các điểm mua sắm tại Đà Nẵng khá đa dạng với  hệ thống siêu thị đặc sản, chợ truyền thống và cửa hàng bán đồ đặc trưng như đá phong thủy, trầm hương... Tuy nhiên, theo những người làm du lịch, mỗi điểm mua sắm thường phụ thuộc vào từng nguồn khách khác nhau.

Là hướng dẫn viên thường xuyên đưa khách đi tour, anh Nguyễn Văn Tuyên (hướng dẫn viên tự do) cho hay, khách nội địa thường thích các món đồ là đặc sản, hàng tiêu dùng nên các siêu thị thực phẩm, các chợ của Đà Nẵng luôn đáp ứng được nhu cầu của khách. Còn khách quốc tế như khách Thái Lan thường thích các món quà làm từ đá do sản phẩm được chế tác tinh xảo, đẹp mắt...

Trước đây, du khách e ngại các món đồ lớn từ đá vì nặng, nhưng hiện nay một số hộ kinh doanh làng nghề đá ở Ngũ Hành Sơn đã kết nối được với các hãng vận chuyển để gửi hàng về tận nơi cho khách, nên mặt hàng này được ưa chuộng. Anh Tuyên cũng chỉ ra rằng, khách quốc tế, nhất là khách chi tiêu cao thường yêu cầu đối với một điểm đến mua sắm phải bao gồm các yếu tố: văn hóa, địa phương, đẳng cấp (các thương hiệu lớn), nhưng điều này thì Đà Nẵng còn thiếu.

Bởi thành phố chưa có trung tâm mua sắm thực sự lớn, chưa có các gian hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, vì thế khó kích thích nhu cầu mua sắm của dòng khách này. Chưa kể, trước đây khi du lịch phát triển “nóng”, Đà Nẵng còn có tình trạng một số cửa hàng chỉ chuyên bán cho một số thị trường nhất định, những sản phẩm được bày bán trong đó nếu không được kiểm tra thường xuyên dễ dẫn đến chất lượng không bảo đảm, ảnh hưởng tới uy tín điểm đến. “Đã đến lúc Đà Nẵng cần xây dựng được sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc trưng của Đà Nẵng, để mỗi người hướng dẫn viên, mỗi lái xe hay mỗi người làm du lịch có thể tự hào giới thiệu với du khách về sản phẩm của địa phương mình”, anh Tuyên bày tỏ.

Một trong những bài toán vẫn loay hoay chưa có lời giải thỏa đáng là khách đến nhưng sức mua, chi tiêu chưa cao do chưa có những sản phẩm đặc trưng, riêng có. Điều này đã được các ngành quan tâm, nói đến nhiều nhưng vẫn chưa tạo ra đột phá về các sản phẩm lưu niệm, đặc sản có điểm nhấn.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, sức mua, chi tiêu của du khách phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài nhu cầu tìm hiểu văn hóa, du khách luôn mong muốn tìm kiếm các sản phẩm riêng có của địa phương. Vì vậy, cần kết hợp hiệu quả hai nhóm nhu cầu: thu hút khách đến bằng văn hóa chợ địa phương và khai thác sức mua bằng cách làm phong phú hệ sinh thái sản phẩm, hình thành các khu vực chuyên doanh cho hàng đặc sản, lưu niệm, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc thù và triển khai các hoạt động truyền thông đến đúng đối tượng khách hàng.

“Chúng ta cần nhanh chóng nhân rộng mô hình OCOP, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu bằng cách lấy ý kiến chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và làm thương hiệu cho các sản phẩm này; đồng thời triển khai hoạt động truyền thông và các kênh phân phối hiệu quả; lựa chọn và nâng tầm chúng thành các sản phẩm của điểm đến. Bên cạnh đó, cần tập trung hơn vào nhiều mô hình khác để tăng sức mua của du khách bằng các “đại” siêu thị, khu mua sắm phi thuế quan, hàng miễn thuế trong thành phố, chợ đêm, phố đi bộ, các cửa hàng chuyên doanh...”, ông Dũng đề xuất.

Thu Hà – Quỳnh Trang

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng - baodanang.vn - Ngày đăng 22/03/2023

Cùng chuyên mục