Non nước Việt Nam

Di tích đền Chợ Giá, Thủy Nguyên (Hải Phòng)

Cập nhật: 07/05/2020 09:51:22
Số lần đọc: 1837
Nằm cạnh dòng sông Giá thơ mộng hiền hòa, cũng là một phần hạ lưu của dòng sông Bạch Đằng lừng lẫy lịch sử. Cụm di tích Đền Chợ Giá - Mỹ Giang (xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên) là hợp nhất của quần thể kiến trúc “ phong cảnh hữu tình”. Trong đó, Đền Chợ Giá được mệnh danh là ngôi đền thiêng và đẹp có một không hai của huyện Thủy Nguyên.

Đền Chợ Giá có tên gọi khác là Huệ đức trinh linh từ. Đền thờ Thánh nữ Phổ Thị Huyền, người có công “âm phù” giúp vua Lý đánh giặc. Theo thần tích, Thánh nữ là người con gái nhiều lần hiển linh giúp dân cứu nước diệt trừ tai họa. Thần phả của làng lược ghi: vào năm Nhâm Ngọ Phù Long thứ 2 (năm 1102), đời vua Lý Nhân Tông, đất nước đang trong cảnh lầm than loạn lạc. Hơn 30 vạn giặc Tống xâm lược nước ta. Trước thế giặc mạnh, nhà vua thân chinh cầm quân đánh giặc. Đến trang Mỹ Giang, thuộc huyện Thủy Đường (tức làng Mỹ Giang, xã Kênh Giang ngày nay). Lúc này trời đã tối. Đại quân của Vua tạm nghỉ ở chùa Mỹ Cụ. 

Đêm nằm ngủ trong chùa, nhà Vua nằm mộng thấy có người con gái dung nhan xinh đẹp tự xưng là Phổ Thị Huyền muốn tiến cử hai em trai là Phổ Hộ và Phổ Hóa giúp Vua diệt giặc. Đồng thời xin được âm phù trợ lực cho Vua. Tỉnh dậy, nhà vua cho triệu tập các bô lão và dân chúng quanh vùng hỏi về gia đình họ Phổ và tìm gặp 2 anh em kia. Đây là 2 anh em sinh đôi, có chị gái là Phổ Thị Huyền đã mất từ năm 16 tuổi. Khi được hỏi về kế sách đánh giặc, cả 2 trả lời rất lưu loát và nguyện xin được tòng quân giúp nước. Vua lấy làm mừng bèn cử 02 ông cầm 02 cánh quân bộ. Trận chiến năm ấy, quân ta toàn thắng. Tướng giặc Nguyễn Ngao bị bắt sống. Hai ông Phổ Hộ và Phổ Hóa được phong quan. Để cảm tạ người con gái đã linh ứng báo mộng, vua ban trăm quan tiền để xây đền thờ bà Phổ Thị Huyền và truyền cho dân làng phải đời đời phụng thờ, hương hỏa. 

Tương truyền, không chỉ là nơi tôn thờ đức thánh nữ một lòng "âm phù yêu nước", đền Chợ Giá còn là nơi "đất lành chim đậu". Đền quanh năm rợp bóng mát dưới tán lá của năm cây cổ thụ, được Hội Bảo vệ môi trường Hải Phòng công nhận là "cây di sản". Đó là một cây đa và ba cây bồ đề hơn 300 năm tuổi, một cây thị hơn 200 tuổi. Năm cây cổ thụ tán lá xum xuê quây quần che chở xóm làng như linh khí đất trời tụ lại, càng tạo thêm vẻ linh thiêng, huyền bí cho ngôi đền. 

Với những giá trị lịch sử quý giá, năm 2007, đền Chợ Giá được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Lễ hội truyền thống Đền Chợ Giá được tổ chức vào dịp cuối tháng 11 hàng năm nhằm tưởng nhớ ơn đức của Thánh mẫu. Đồng thời là dịp để thế hệ con cháu đời sau tưởng nhớ công lao chống giặc ngoại xâm giữ nước của ông cha trong quá khứ. Trong lễ hội, ngoài hoạt động tế lễ, dâng hương còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như: du thuyền hát quan họ, thả hoa đăng trên sông./.

                                                                                          Phạm Hà

 

Nguồn: haiphong.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT