Non nước Việt Nam

Di tích thành cổ Quảng Ngãi

Cập nhật: 01/04/2020 14:09:19
Số lần đọc: 1385
Thành cổ Quảng Ngãi còn có tên là Cẩm Thành (Thành Gấm) được khởi công xây dựng năm 1807 ở Chánh Mông, huyện Tư Nghĩa (trên địa bàn di tích hiện nay) và đến năm 1815 thì hoàn chỉnh, nay thuộc thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Thành cổ Quảng Ngãi có kiến trúc theo kiểu Vô-băng (Vauban), có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh trên 500 m, tổng diện tích trên 26 ha. Mặt tiền cổ thành quay về hướng Bắc, nhìn về phía kinh đô Huế. Thành lấy sông Trà Khúc làm nhược thủy, lấy núi Thiên Ấn làm minh đường, hai bên hữu long, tả hổ là núi Ông (Quảng Phú) và núi Đá Đen (Phú Thọ), lấy ngọn núi Thiên Bút làm hậu chẩm. Thành nằm giữa một vùng thiên nhiên đẹp, tạo tổng hòa cảnh quan kiến trúc ngoạn mục.

Thành cổ Quảng Ngãi có ba cửa Đông, Tây và Bắc. Cửa thành xây hình vòm cuốn, có cửa sắt, bên trên có vọng lâu để quan sát và bảo vệ thành, có trang bị súng thần công. Bên ngoài bờ thành có hào sâu và rộng 5 trượng 1 thước (20,5m), nối liền với sông Trà Khúc để lấy nước vào bảo vệ thành. Đặc biệt, Thành cổ Quảng Ngãi không có cửa Nam. Vì theo quan niệm thời bấy giờ, phía Nam là nơi có nhiều quỷ dữ, nhiều điều không tốt lành nên khi xây dựng, người ta xây kín tường phía Nam thành.

Trên mặt bằng tổng thể, nội thành Quảng Ngãi thời kỳ đầu nhà Nguyễn bố trí như sau: Lấy trục lộ chạy từ cửa Tây xuống cửa Đông, được phân chia hai khu vực: Khu vực phía Bắc có con đường ra phía Bắc, có dinh Án sát, Bố chánh, Đốc học, Lãnh binh, Thái y viện (nhà thương), nhà ở của viên chức, trại lính, nhà lao. Khu vực phía Nam có trại lính, Hoàng cung (nơi vua nghỉ khi đi kinh lý và du ngoạn), trường đốc.

Sau khi thực dân Pháp xâm lược, sự bố trí trong thành có thay đổi ít nhiều. Khu vực phía Bắc bỏ dinh Bố chánh và trại lính, xây thêm dinh phó sứ, lục lộ và Bưu điện. Khu vực phía Nam bỏ trường Đốc, thay bằng biệt thự và văn phòng của Công sứ.

Thành cổ Quảng Ngãi bây giờ chỉ còn lại dấu tích đoạn bờ thành phía Đông và phía Nam, kiến trúc cũ không còn. Tuy vậy nhờ dấu tích bờ thành, trục đường Đông Tây, ta vẫn dễ dàng nhận biết mặt bằng tổng thể của Thành cổ Quảng Ngãi. Thành được phục dựng với 4 khu chức năng. Trong đó, có hai khu vực chính được xây dựng lấy cảm hứng từ văn hóa Chăm với lối kiến trúc các khối gạch xếp chồng và nhìn từ trên cao xuống là mô phỏng hình ảnh của Linga và Yoni (bộ phận sinh dục của nam và nữ).

Hiện nay, tại trung tâm di tích Thành cổ, Khu dịch vụ trải nghiệm văn hóa Thành cổ Quảng Ngãi thuộc dự án Trung tâm phát huy giá trị văn hóa đa năng Quảng Ngãi được thành lập với sứ mệnh bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa bản địa phong phú, đặc sắc của tỉnh Quảng Ngãi đến cộng đồng trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động trưng bày hiện vật, nghệ thuật dân gian, giải trí, ẩm thực.

Trung tâm phát huy giá trị văn hóa đa năng Quảng Ngãi hiện có 4 phân khu chức năng: Khu nhà Rường cổ Việt; Nhà văn phòng kết hợp dịch vụ văn hóa; Nhà trưng bày văn hóa vật thể và Nhà văn hóa đa năng./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT