Tin tức - Sự kiện

Du lịch Việt Nam nỗ lực phục hồi, tạo đà phát triển trong trạng thái bình thường mới

Cập nhật: 28/01/2022 13:57:46
Số lần đọc: 655
Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây cũng là năm thứ 2 đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự chung sức của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, ngành Du lịch đã chủ động thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khôi phục hoạt động trong trạng thái bình thường mới.  

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Chủ động, sáng tạo vượt khó

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi liên kết dịch vụ du lịch kéo theo thiệt hại không chỉ cho ngành Du lịch mà còn đến các ngành nông nghiệp, ăn uống, giải trí, cung ứng thực phẩm, đặc sản, nghề thủ công, hàng lưu niệm, giao thông... Chỉ tính riêng trong ngành Du lịch đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%; hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm chỉ riêng trong năm 2021. Theo thống kê, số lượng khách du lịch nội địa năm 2021 ước đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020 và giảm 53% so với năm 2019. Các địa bàn trọng điểm du lịch tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm lớn như Hà Nội giảm 47%, Thừa Thiên Huế giảm 60%; Đà Nẵng giảm 60%; Quảng Ninh giảm 37%; Ninh Bình giảm 49,5% so… với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020 và giảm 76% so với năm 2019. Ước tính đóng góp GDP của Du lịch năm 2021 chỉ đạt 1,97% (năm 2019 đạt 9,2%, năm 2020 đạt 3,58%). Những con số nêu trên chưa phản ánh hết những thiệt hại nặng nề mà Du lịch Việt Nam phải gánh chịu trong vòng 2 năm qua, để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng.

Đứng trước những thách thức chưa từng có trong 2 năm vừa qua, Du lịch Việt Nam đã chủ động thích ứng linh hoạt bằng sự sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch, sự nỗ lực của từng địa phương, sự chủ động của cơ quan quản lý về Du lịch từ Trung ương đến địa phương và từ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước với những chính sách trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động du lịch. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi trong tình hình mới trong năm 2021. Tổng cục Du lịch đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức kích hoạt, tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn; tổ chức kết nối các điểm đến, doanh nghiệp du lịch và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch; triển khai Hệ thống đăng ký an toàn đối với các cơ sở kinh doanh du lịch với gần 15.000 doanh nghiệp đã đăng ký và tự đánh giá mức độ an toàn đón và phục vụ khách du lịch... Chính từ sự thích ứng linh hoạt và triển khai hiệu quả nhiều biện pháp mà ngay sau khi dịch bênh được kiểm soát, hoạt động du lịch ngay lập tức đã khởi sắc trở lại. Trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các điểm đến như Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đón 145.500 lượt khách; Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón 215.000 lượt khách; Nha Trang (Khánh Hòa) đón 125.000 lượt khách; Phú Quốc (Kiên Giang) đón 91.000 lượt khách; Đà Nẵng đón 74.600 lượt khách; Vũng Tàu đón 70.000 lượt khách... Đến cuối tháng 9/2021, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh... đã mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh. Đến giữa tháng 10/2021, nhiều địa phương thí điểm đón khách ngoại tỉnh tới các khu nghỉ dưỡng biệt lập hoặc khu du lịch khép kín với yêu cầu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV. Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022, Lào Cai đã đón hơn 30.000 lượt khách, Khánh Hòa đón hơn 37.000 lượt, các điểm đến Hà Nội, Phú Quốc, Đà Lạt, Bà Rịa – Vũng Tàu đón khoảng 60.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều địa phương như Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… cũng đã tổ chức lễ đón chào những vị khách du lịch đầu tiên của năm 2022, hứa hẹn một năm khởi sắc sắp tới.

Trong năm 2021, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời nhiều chính sách trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong Ngành, như: chính sách giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch bằng mức giá áp dụng cho các ngành sản xuất; giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; giảm 80% tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành đến hết năm 2023; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch… Tính đến cuối năm 2021 đã có 562 doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế được giảm phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành với số tiền được giảm là 758 triệu đồng; 15.792 hồ sơ hướng dẫn viên đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng số tiền trên 58 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã ban hành các chính sách miễn, giảm phí tham quan, giảm tiền thuê đất, lùi thời gian trả nợ vốn vay, cho vay trả lương người lao động hoặc hỗ trợ kích cầu du lịch nội địa… Những cơ chế, chính sách, hỗ trợ này đã trở thành động lực để doanh nghiệp, cộng đồng, người dân kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch.

Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ với việc điều chỉnh chiến lược từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã định hướng, mở đường cho du lịch phục hồi. Triển khai Nghị quyết, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Hướng dẫn tạm thời số 3862/HDBVHTTDL thực hiện Nghị quyết số 128/NQCP của Chính phủ trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Hướng dẫn tạm thời số 4122/HD-BVHTTDL về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây là những cơ sở để các địa phương tái khởi động hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới. Tiếp nối thành công của 2 Chương trình kích cầu du lịch năm 2020, Chương trình du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đã được Tổng cục Du lịch phát động theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến mở rộng phạm vi cả nước với trọng tâm giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm và các trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn; đảm bảo an toàn phòng chống dịch; truyền thông khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn… Dù mới chỉ được triển khai trong thời gian ngắn, Chương trình “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, địa phương và đạt được một số kết quả tích cực ngay trong dịp lễ Noel và năm mới 2022 vừa qua.

Đối với thị trường du lịch quốc tế, những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Nam, Khánh Hòa trong tháng 11 và 12/2021 theo Chương trình thí điểm sau gần 2 năm bị ngừng trệ. Theo số liệu đến hết tháng 12/2021, khách quốc tế đến theo hình thức “hộ chiếu vắc xin” đã đạt hơn 4.600 lượt khách, trong đó Khánh Hòa là địa phương đón lượng khách lớn nhất với 3.400 lượt. Đáng lưu ý trong số khách quốc tế đến Việt Nam theo hình thức “hộ chiếu vắc xin” vào cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 01/2022 có chuyên cơ đưa gia tộc Hamilton nổi tiếng tại Anh đến Phú Quốc nghỉ Giáng sinh và Năm mới trong vòng 12 ngày. Việc đón khách quốc tế sau gần 2 năm ngưng trệ là một bước tiến mới, là cơ sở để khẳng định Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn và thể hiện những nỗ lực vượt khó của ngành Du lịch nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong việc phục hồi hoạt động du lịch. Để mở rộng đón khách quốc tế, Tổng cục Du lịch đã khởi động chiến dịch truyền thông “Live Fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” gắn với bộ nhận diện thương hiệu quốc gia “Vietnam - Timeless Charm” từ giữa tháng 12/2021. Trong đó, tập trung vào truyền thông trên các nền tảng số cho phép du khách có những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ về các điểm đến nổi bật của Du lịch Việt Nam. Đồng thời đề xuất và được Chính phủ cho phép mở rộng thêm TP. Hồ Chí Minh và Bình Định được đón khách quốc tế theo Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngoài 5 tỉnh/thành của giai đoạn 1 là Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi và phát triển du lịch

Năm 2022, Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón khoảng 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin; tổng thu từ du lịch dự kiến đạt khoảng 400.00 tỷ đồng.

Trước bối cảnh thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, yêu cầu đặt ra đối với ngành Du lịch là phải sớm triển khai những giải pháp phù hợp để phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, Tổng cục Du lịch đã xây dựng và sẽ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

1) Ban hành thống nhất quy trình bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với các khu du lịch và doanh nghiệp kinh doanh du lịch: hoàn thiện các quy định, hướng dẫn, quy trình về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thống nhất tại các điểm đến du lịch; đẩy mạnh hiệu quả chương trình tiêm vắc xin, nâng cao năng lực y tế tại các khu du lịch; các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt những hướng dẫn về đảm bảo du lịch an toàn, điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn.

2) Triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch để tái khởi động: triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục kinh doanh; kéo dài các chính sách hỗ trợ hiện đang thực hiện; tiếp tục rà soát, kiến nghị ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch - lực lượng nòng cốt của Ngành chuyển từ trạng thái “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn”; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch triển khai các hoạt động đảm bảo tiêu chí an toàn, đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch trong năm 2022.

3) Tổ chức phát động và triển khai các chương trình kích cầu, phục hồi du lịch: tổ chức các chiến dịch truyền thông, kích cầu du lịch ở các quy mô và phạm vi đa dạng; chủ động thông tin về các điểm đến an toàn, biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế mới để nhanh chóng phục hồi du lịch. Trong đó trọng tâm là Chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” và chiến dịch “Live fully in Vietnam” đối với du lịch quốc tế, tạo sự an tâm và niềm tin đối với điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Tổ chức truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm với các chiến dịch truyền thông đa dạng, phù hợp với xu hướng mới để thu hút, nhanh chóng phục hồi lượng khách du lịch.

4) Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình tiến tới mở cửa hoàn toàn, đón khách quốc tế đến tất cả các địa phương trên cả nước: tiếp tục triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch; đề xuất mở rộng thêm điểm đến đón khách ở một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh; mở rộng hình thức đón khách cả bằng đường bộ, đường biển và các thị trường nguồn khách là thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam trong những năm qua với yêu cầu đảm bảo yếu tố an toàn.

5) Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường: xây dựng mới các dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh, các sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe... đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách; tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch, kết nối với hệ thống sản phẩm du lịch của vùng và quốc gia. Đặc biệt, ưu tiên khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa đặc trưng, nổi trội của mỗi địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững; chú trọng khai thác thế mạnh ẩm thực đặc sắc của từng địa phương để hình thành sản phẩm du lịch khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của từng địa phương.

Trước thềm xuân mới Nhâm Dần, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự hợp tác của các Ban, Bộ, ngành, địa phương; sự đóng góp của các tổ chức trong nước và quốc tế; sự tham gia ủng hộ của các cơ quan báo chí truyền thông đối với hoạt động du lịch thời gian qua. Mong rằng ngành Du lịch sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ, hợp tác từ nhiều phía để vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi.

Tôi xin gửi lời cám ơn cùng những lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả những người làm du lịch đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua thách thức trước mắt. Chúc ngành Du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tới gian tới.

Chúc Xuân mới thắng lợi mới!

Năm 2021, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Du lịch Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Tiêu biểu là danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á, Điểm đến du thuyền trên sông tốt nhất châu Á, cùng rất nhiều giải thưởng danh giá dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không của Việt Nam. Với những nỗ lực nhằm tái thiết và phục hồi hoạt động ngành Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý Du lịch hàng đầu châu Á”.
 

TS. Nguyễn Trùng Khánh
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT