Non nước Việt Nam

Giữ gìn không gian văn hóa truyền thống ở Tà Nung

Cập nhật: 16/11/2022 07:55:58
Số lần đọc: 457
Với việc đầu tư bài bản, không gian văn hóa cồng chiêng Bon Tơr Nun (thôn 2, xã Tà Nung) được kỳ vọng sẽ tạo được sân chơi cho những người yêu thích cồng chiêng cũng như góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc K’Ho.  


Không gian chính trong khu du lịch Bon Tơr Nun

Người đã nỗ lực cùng chính quyền địa phương bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của người dân tộc K’Ho là anh Nguyễn Văn Thiện (45 tuổi). Vốn là một người hoạt động trong ngành du lịch hơn 20 năm qua, anh Thiện quan niệm rằng vẻ đẹp của một vùng đất không chỉ nằm ở cảnh quan, khí hậu mà còn chính là vẻ đẹp của con người, thể hiện qua bản sắc văn hóa, trang phục, ẩm thực…

Đó cũng là lý do khi sinh sống ở xã Tà Nung, anh Thiện ấp ủ việc tạo dựng một không gian văn hóa cồng chiêng, ẩm thực cùng với việc tái hiện không gian sinh hoạt, cảnh quan của người K’Ho.

Không gian văn hóa Bon Tơr Nun rộng hơn 2.000 m2. Ngay từ cổng chào, hình ảnh ấn tượng về cặp voi cùng hình ảnh vua săn voi Y Thu Knul, người phụ nữ trong trang phục truyền thống đang hái lượm sản vật trong rừng… khiến du khách không khỏi ấn tượng. Tiếp đó là hàng loạt những tiểu cảnh, biểu tượng trong cuộc sống của các dân tộc Tây Nguyên như cây nêu, cầu treo, con trâu, hình ảnh những người bà, người mẹ với tẩu thuốc, cung tên…

Những đồ vật trưng bày trong khu nhà sàn do anh Thiện sưu tầm nhiều năm

Ấn tượng và thu hút nhất vẫn là ngôi nhà sàn dựng ngay chính giữa, với nhiều đồ vật được chủ nhân cất công sưu tầm trong nhiều năm như các chóe, chum, bình gốm, bộ cồng chiêng, nỏ… Anh Thiện cho biết, để có một thiết kế hài hòa, ấn tượng và đậm chất Tây Nguyên thì anh cũng đã tham khảo nhiều chuyên gia, nhà văn hóa học ở Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nguyên. Bởi anh cho rằng làm du lịch, đặc biệt là du lịch với các yếu tố văn hóa là một chuyện cực kỳ khó, đòi hỏi phải chuẩn mực đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất.

“Mình may mắn khi làm trong ngành du lịch, được đi nhiều nơi trên thế giới và nhận thấy rằng hầu như các nơi đều có biểu tượng của văn hóa từng dân tộc, hình ảnh các vị anh hùng… Vì thế mình luôn muốn ở địa phương có một sân chơi để không chỉ những người lớn tuổi được thể hiện vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà chính những người trẻ tài năng, tâm huyết cũng có điều kiện để tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cha ông”, anh Thiện nói thêm.

Anh Nguyễn Văn Thiện (bìa trái) mong muốn lưu giữ những hình ảnh đẹp về văn hóa truyền thống người K’Ho

Theo chị Liêng Hot Hồng Thắm – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Nung, thời gian qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực phục dựng các đặc trưng văn hóa truyền thống. Ở Đà Lạt, Tà Nung là địa phương còn nhiều nét đặc sắc văn hóa của người K’Ho, với hơn 50% dân số. Nhiều năm qua, những giá trị dần mai một nhưng vẫn còn được lưu giữ đâu đó trong đời sống của người dân.   

Thực hiện các chương trình, đề án về bảo tồn văn hóa, hiện nay, cồng chiêng, thổ cẩm, rượu cần, đan gùi… vẫn có một số thợ lành nghề, tuy nhiên cũng đã lớn tuổi. Và phần lớn những hoạt động này được duy trì để phục vụ cuộc sống, chưa thể tiến hành thương mại rộng rãi bởi nhiều yếu tố khó khăn.  

Theo chị Liêng Hot Hồng Thắm, địa phương cũng đã hỗ trợ, tư vấn chương trình hoạt động phù hợp cho khu du lịch Bon Tơr Nun và bày tỏ hi vọng nếu được đưa vào tổ chức hoạt động bài bản, đây cũng sẽ là điểm nhấn để thu hút khách dừng chân trên tuyến đường du lịch canh nông Đà Lạt - Tà Nung - Nam Ban. Đồng thời có thể góp phần tạo việc làm, giúp người địa phương giữ nghề, có thu nhập từ nghề truyền thống để có thêm động lực giữ gìn văn hóa truyền thống.

Nhiều tượng gỗ được trưng bày mô tả về cuộc sống, sinh hoạt của người dân

Du lịch ở Tà Nung bắt đầu khởi sắc và phát triển mạnh mẽ trong hơn 5 năm trở lại đây. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng những giá trị và bản sắc văn hóa lâu đời của người K’Ho, Tà Nung hoàn toàn sẵn sàng cho việc xây dựng du lịch gắn với truyền thống. Trên địa bàn xã cũng đã tồn tại nhiều khu, điểm du lịch thu hút khách nhưng Bon Tơr Nun là địa điểm đầu tiên ở địa phương khai thác yếu tố văn hóa truyền thống. Hiện nay, 1 đội cồng chiêng của thanh niên trẻ ở thôn 3 cũng đang đảm nhận việc biểu diễn giao lưu cho khách.

Theo anh Thiện, hiện nay, khu du lịch mới hoạt động nên lượng khách chưa ổn định. Tuy nhiên, mỗi tuần khu du lịch vẫn tổ chức giao lưu cồng chiêng miễn phí để phục vụ khách là người địa phương. Về lâu dài, đơn vị sẽ cố gắng duy trì để tạo việc làm thường xuyên cho đội cồng chiêng và đội múa để các bạn có thêm thu nhập, tạo động lực gắn bó lâu dài cũng như đầu tư thêm thời gian để nâng cao kỹ năng biểu diễn.

Cổng chào ấn tượng

Bức tường tái hiện không gian sinh hoạt của dân tộc K’Ho

Trong khu du lịch còn một số ngôi nhà nhỏ với các vật dụng sinh hoạt cơ bản của người K’Ho từ xa xưa

Hồng Thắm

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 16/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT