Hoạt động của ngành

Homestay: Giúp quảng bá văn hóa địa phương

Cập nhật: 28/09/2020 16:05:57
Số lần đọc: 721
Cùng với sự phát triển du lịch homestay thì nhiều dịch vụ ra đời như: Ẩm thực, tham quan, trải nghiệm, mua sắm quà lưu niệm… Trong đó thưởng thức các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do người dân bản địa biểu diễn đã thu hút du khách. Nhận thấy được tiềm năng từ hoạt động văn hóa văn nghệ này, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhiều đội văn nghệ homestay ra đời góp phần giữ gìn, quảng bá truyền thống người Tày, Dao, Nùng, Cao Lan…


Một tiết mục múa truyền thống của Đội văn nghệ homestay Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)
phục vụ du khách.

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 63 hộ gia đình phát triển dịch vụ homestay tập trung ở các huyện Lâm Bình, Sơn Dương, Na Hang, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương… Đa số tại các điểm du lịch cộng đồng đều có các đội văn nghệ homestay sẵn sàng biểu diễn khi du khách muốn thưởng thức và trải nghiệm.

Huyện Lâm Bình hiện có 35 homestay. Du khách thích thú đến đây bởi bên cạnh được trải nghiệm nét sinh hoạt độc đáo của người dân bản địa còn được thưởng thức tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc của các chàng trai, cô gái Tày nơi đây. Có mặt chứng kiến các thành viên đội văn nghệ homestay Khuôn Hà luyện tập chuẩn bị đón đoàn du khách mới thấy được sự kỳ công, chu đáo của các vị chủ nhà. Để chiều lòng khách, các thành viên luyện tập nhiều bài hát Then, điệu múa, trò chơi dân gian khác nhau.

Chị Vũ Thị Ngọc Tuyết, Đội trưởng Đội Văn nghệ homestay Khuôn Hà chia sẻ, đa số các thành viên đều là người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng nương, đồng áng. Các anh chị là người có năng khiếu và yêu thích văn nghệ tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu thì cần phải luyện tập và cố gắng rất nhiều. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực mà nhiều năm qua, Đội Văn nghệ đã biểu diễn nhiều tiết mục phong phú, quảng bá nét văn hóa người Tày. Trung bình mỗi năm thực hiện được 90 - 120 buổi biểu diễn tại homestay.

Na Hang là huyện có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng không thua gì huyện Lâm Bình với những điểm du lịch homestay đầy sức hút như Khau Tràng, xã Hồng Thái; Nà Khá, xã Năng Khả… Những năm qua, du lịch Na Hang có bước phát triển đột phá nhờ đã làm tốt công tác quảng bá du lịch. Huyện tăng cường xây dựng các sản phẩm phục vụ du lịch, trong đó phát triển đội văn nghệ homestay.

Chị Đặng Thị Dương, chủ homestay ở Khau Tràng, xã Hồng Thái cho biết, cùng với việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, liên kết xây dựng tua tuyến thì chị chủ động thành lập Đội Văn nghệ dân tộc Dao Tiền với 25 thành viên. Các thành viên hát Páo dung, thêu trang phục truyền thống và các hoạt động trải nghiệm khác cùng du khách.

Điều đặc biệt ở các đội văn nghệ homestay đó là các thành viên luôn có ý thức gìn giữ, lưu truyền văn hóa dân tộc. Nhiều thành viên đã mở lớp dạy hát Then, đàn tính; hát Páo Dung, Sình Ca… để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Điển hình như chị Lý Thị Ngoan, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình) nhiều năm nay mở lớp dạy hát Then Cọi miễn phí cho hàng trăm cháu nhỏ từ 8 - 15 tuổi. Chị Ngoan chia sẻ, bất kể khóa học nào, chị đều dạy học trò tìm hiểu thật kỹ về Then cổ. Bởi với Ngoan, Then cổ là linh hồn, cội nguồn dân tộc, chứa đựng những tích truyện khuyên răn giáo huấn con người hoàn thiện mình hơn. Thành quả là những lứa học trò của cô giáo Ngoan lần lượt “ra lò”, nhiều cô bé, cậu bé trở thành hạt nhân của các đội văn nghệ biểu diễn tại các homestay.

Không chỉ phục vụ du khách vào dịp trung thu hằng năm mà tại xã Kim Phú (Yên Sơn), các địa điểm homestay luôn đón chào du khách. Chị Hoàng Thị Sen, xóm 15 chia sẻ, nhiều du khách thích thú đến với homestay của gia đình vì giá cả hợp lý, ẩm thực đặc sắc. Đặc biệt để phục vụ du khách, Đội văn nghệ xóm 15, xã Kim Phú sẵn sàng biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Thành viên không chỉ là các “hạt nhân” văn nghệ lâu năm mà các thành viên nhí cùng được tham gia biểu diễn.

Cháu Hoàng Thị Thơ, xóm 14, xã Kim Phú chia sẻ, cháu được mẹ và bà dạy hát Sình ca, múa các làn điệu người Cao Lan. Ban đầu còn bỡ ngỡ tuy nhiên khi được tham gia giao lưu văn nghệ, cháu thấy mình tự tin và yêu thích văn hóa dân tộc mình rất nhiều.

Để phát triển các đội văn nghệ homestay, các địa phương đã có nhiều cách làm để dần chuyên nghiệp hóa dịch vụ. Điển hình như mời nghệ nhân đến tập huấn, giao lưu, tổ chức các hội thi… Bên cạnh đó, công tác quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội được phát huy tích cực. Với sự chú trọng phát triển loại hình du lịch homestay, các địa phương đã từng bước xây dựng các đội văn nghệ homestay trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.

Bài, ảnh: Giang Lam

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục