Ðầu tư Du lịch

Khai thác lợi thế xây dựng buôn Đắk Tuôr ở Đắk Lắk thành điểm du lịch

Cập nhật: 18/12/2020 08:11:50
Số lần đọc: 875
Buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr, xã Cư Pui là một trong số ít buôn làng của huyện Krông Bông có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.


Thác Đắk Tuôr, điểm du lịch sinh thái nhiều tiền năng của huyện Krông Bông.

Buôn có hang đá Đắk Tuôr là Di tích lịch sử cấp quốc gia, thác Đắk Tuôr và nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người M’nông vẫn còn được lưu giữ. Hiện xã Cư Pui đang nỗ lực xây dựng buôn Đắk Tuôr thành địa điểm du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái của địa phương.

Diện mạo của buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr đang từng ngày thay đổi. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân trong buôn chỉnh trang nhà cửa, góp công góp của xây dựng đường sá, dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan thôn xóm. Các tổ chức đoàn thể của xã đảm nhiệm quản lý, thường xuyên phát dọn vệ sinh, trồng nhiều loại hoa, cây cảnh trên các con đường từ trung tâm xã đến buôn, đường nội vùng trong buôn, đường vào khu di tích, đường vào thác Đắk Tuôr. Nhiều ngôi nhà sàn được người dân bảo tồn, gìn giữ, nâng cấp, sửa chữa hoặc làm mới khang trang. Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê sưu tầm và trưng bày nhiều hiện vật trước đây của liệt sĩ Y Ơn Niê phục vụ khách đến tham quan.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã quan tâm, ưu tiên đầu tư phục dựng, khôi phục một số lễ hội và nghề truyền thống của người M’nông buôn Đắk Tuôr như: lễ cúng bến nước, liên hoan văn hóa cồng chiêng, nghề làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan gùi… Hiện trong buôn có 15 phụ nữ M’nông đang theo học lớp dệt thổ cẩm do chính các nghệ nhân trong buôn truyền dạy, kinh phí thực hiện được chính quyền địa phương hỗ trợ. Ông Y Kho Niê, Bí thư Chi bộ buôn Đắk Tuôr phấn khởi: “Bà con trong buôn rất vui bởi luôn mong muốn khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người M’nông đang có nguy cơ bị mai một. Chị em tham gia lớp học rất chăm chỉ. Hy vọng sau này buôn sẽ thành lập được tổ dệt để bảo tồn nghề dệt truyền thống, vừa phục vụ khách du lịch lại có thêm thu nhập”.

Lợi thế lớn nhất để xã Cư Pui có thể phát triển du lịch trong tương lai là thác tự nhiên Đắk Tuôr. Thác Đắk Tuôr còn hoang sơ. Bên trên thác là hang đá Đắk Tuôr, từng là căn cứ kháng chiến trong những năm 1965 - 1975, phía dưới là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966) đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu vực thác có nhiều cảnh đẹp, được chính quyền địa phương bảo vệ, không đồng ý cho doanh nghiệp xây dựng thủy điện. Chính quyền địa phương cũng tích cực vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ trồng sắn, ngô lai ở đầu nguồn sang trồng rừng, không dùng thuốc hóa học, tránh làm ô nhiễm nguồn nước. Thác Đắk Tuôr gần đây là điểm du lịch được rất nhiều du khách tìm đến tham quan vào các dịp lễ, tết. Chỉ tính riêng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, thác Đắk Tuôr đã đón hơn 15.000 du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan. Trong khi chờ đợi nguồn đầu tư của cấp trên xây dựng hạ tầng du lịch, chính quyền xã Cư Pui đã quy hoạch chỗ để xe, bố trí lực lượng trông giữ xe; thu gom, dọn vệ sinh toàn bộ khu vực thác dịp lễ, tết. Tiền giữ xe của du khách một phần được chi bồi dưỡng cho người bảo vệ, người giữ xe, phần còn lại thuê nhân công dọn rác, làm sạch môi trường. Thời gian tới, để du khách yên tâm và hài lòng khi đến với thác Đắk Tuôr, xã Cư Pui sẽ bố trí thêm lực lượng bảo vệ, giảm mức thu phí gửi xe; khuyến khích một số tiểu thương mở dịch vụ cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ du khách khi đi chơi thác; đề nghị với các nhà mạng viễn thông đặt trụ phát sóng điện thoại, Internet gần đây...

Ngoài ra, chính quyền xã Cư Pui cũng lên kế hoạch liên kết với một số địa phương có lợi thế để phát triển du lịch trên cùng lộ trình như xã Hòa Phong với thác buôn H’Ngô bên dãy núi Yang K’lơ đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh hay xã Yang Mao với buôn căn cứ Mnăng Dơng, tham quan khu nuôi cá tầm buôn Hàng Năm và thác Ea Kar ở buôn Mghí…

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT