Non nước Việt Nam

Khám phá làng mai độc đáo ở miền Tây

Cập nhật: 05/04/2023 13:42:41
Số lần đọc: 512
Năm 2020, vùng trồng mai ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An được công nhận là làng nghề, mở ra nhiều kỳ vọng cho nông dân trồng mai tại địa phương. Mai Tân Tây giúp người trồng phát triển kinh tế và trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân nơi đây mà cả toàn tỉnh khi nhắc đến làng mai.


Chuyện “ông tổ” làng mai

Tới Làng mai xã Tân Tây, hỏi anh Trần Văn Thống thì ai cũng biết, dù anh mất đã nhiều năm. Trong tâm thức người dân làng nghề trồng mai, anh Thống chính là “ông tổ” của làng nghề.

Cây mai hình thú tại nhà ông Trần Văn Vị do chính tay anh Trần Văn Thống ươm trồng và chăm sóc được hỏi mua với giá hơn 400 triệu đồng mà ông quyết tâm không bán, giữ làm kỷ niệm

Tìm đến nhà anh Thống, chúng tôi gặp ông Trần Văn Vị - cha của anh Thống. Mỗi lần nhắc đến anh, ông Vị lại rưng rưng nước mắt. Vuốt ve gốc mai hình thú ngay gần mộ con trai, ông Vị kể: “Đây là một trong những cây mai đầu tiên Thống đem về trồng, tự tay chăm sóc từ lúc ươm hạt tới khi cây lớn. Dáng cây lạ lắm, nhiều người tới năn nỉ hỏi mua, trả giá mấy trăm triệu đồng nhưng tôi không bán. Đây là kỷ niệm của con trai tôi, xưa cũng có người hỏi mua nhưng Thống không bán nên giờ tôi cũng giữ lại”.

Theo ông Vị, trước đây, anh Thống có thời gian làm thuê tại một vườn ươm cây cảnh ở Bến Tre, nhờ vậy, anh biết về cách ươm trồng cây mai. Khi trở về quê, nghĩ đến việc tìm kiếm một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã chọn cây mai vàng. Ban đầu, anh chỉ trồng vài liếp nhỏ quanh nhà, thấy cây hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt, anh bắt đầu nhân rộng mô hình. Ngày anh quyết định thay thế vườn cây ăn trái và mảnh ruộng nhỏ bằng cây mai, ông Vị đã kịch liệt phản đối, hàng xóm thì nghi ngờ tính khả thi của loại cây trồng mới. Khi loạt mai đầu tiên được bán với giá hơn 400 triệu đồng, gia đình và hàng xóm mới công nhận lựa chọn trồng mai của anh Thống là đúng đắn.

Cây mai có giá hơn 1 tỉ đồng tại nhà ông Vị

Từ đó, mô hình trồng mai bắt đầu được nhân rộng, ai không có giống, chưa am hiểu về kỹ thuật, anh sẽ hướng dẫn tận tình từ việc ươm hạt, chăm trồng đến việc tạo dáng, uốn cây để nâng cao giá trị. Chẳng mấy chốc, gia đình anh Thống có 4ha vườn mai tiền tỉ và nhiều gốc mai giá trị cao do chính tay anh sưu tầm, chăm sóc, tạo hình. Đến nay, gia đình anh vẫn còn lưu giữ 2 cây trong số đó, giá hơn 1 tỉ đồng mỗi cây.

Rồi người mang cây mai về với Tân Tây đột ngột qua đời, còn cây mai thì đã bám rễ sâu, bền ở đất Tân Tây. Ban đầu, chỉ từ ấp 4, sau này thì nghề trồng mai vàng lan ra toàn xã. Đến năm 2020, Tân Tây có gần 184ha mai vàng. Đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng mai tại Tân Tây đã lên đến trên 400ha.

Mong chờ du lịch làng mai

Đi dọc theo Quốc lộ 62, đến địa phận xã Tân Tây sẽ dễ dàng nhìn thấy bảng chào mừng và cổng vào Làng nghề trồng mai xã Tân Tây. Sau cổng chào là con đường dẫn vào làng mai đã được bêtông hóa, trồng hoa dọc 2 bên đường và lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Đường vào làng mai, đặc biệt là vào khu vực ấp 4, nơi khởi đầu của cây mai vàng tại Tân Tây, đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm phục vụ du lịch.

Bộ rễ cây mai Tân Tây thường có xu hướng xòe rộng ra trước khi ăn sâu vào đất

Theo Trưởng đại diện Làng nghề trồng mai xã Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng, một trong những nguyên nhân khiến cây mai Tân Tây nổi tiếng chính là nhờ thổ nhưỡng. Mai trồng ở Tân Tây đặc biệt “lớn nhanh như thổi”, có bộ rễ khỏe, dễ dàng tạo nên dáng đẹp bằng cách uốn cong thân cây cho chạm đất. Chuyện những gốc mai có giá hàng trăm triệu đồng không còn lạ ở làng mai.

Ông Hoàng giải thích: “Ở đây, cây mai trồng rất nhanh lớn, cây 4 năm tuổi có thể lớn bằng hoặc thậm chí hơn cây 6 năm tuổi trồng ở nơi khác. Đặc biệt, bộ rễ cây mai vùng này thường không cắm sâu vào mặt đất ngay mà xòe rộng ra trước khi ăn sâu vào đất. Hơn nữa, nếu uốn cho gốc cây chạm đất thì ngay chỗ chạm đất sẽ tự động mọc rễ. Nhờ vậy, cây mai có dáng rất đẹp. Người chơi mai kiểng cũng ưa thích lắm!”.

Người dân làng nghề trồng mai thường ươm trồng cây từ hạt, lúc cây to khoảng 1 ngón tay thì bắt đầu tạo dáng. Tùy vào độ lành nghề, khéo léo của từng người mà dáng mai mỗi vườn mỗi khác. Mai trồng khoảng 4 năm, người dân có thể bán cho thương lái cả vườn với mức giá thỏa thuận từ hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng. Nhờ vậy, đời sống người dân Tân Tây ngày thêm phát triển.

Vài năm trở lại đây, người dân Tân Tây mong muốn có thể xây dựng và phát triển những giá trị bền vững từ làng nghề trồng mai thông qua du lịch. Việc phát triển du lịch tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây vốn được lãnh đạo tỉnh đặt nhiều kỳ vọng và được các chuyên gia đánh giá cao tính khả thi. Tại Hội thảo Phát triển bền vững du lịch Long An giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được chỉ đạo ngành Du lịch tỉnh cần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với làng mai.

Chỉ đạo đó của Bí thư Tỉnh ủy không chỉ giúp địa phương phát triển tiềm năng, thế mạnh mà còn đáp ứng mong mỏi của người dân. Trưởng ban Đại diện Làng nghề trồng mai xã Tân Tây - Nguyễn Văn Hoàng cho biết, người dân làng mai rất mong có thể phát triển du lịch từ cây mai vàng. Khi Đề án Phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030 được phê duyệt, người dân làng mai như “mở cờ trong bụng”.

Ông Hoàng hồ hởi: “Để phát triển du lịch, nông dân chúng tôi sẵn sàng làm theo hướng dẫn: Trồng mai làm hàng rào, dọc đường đi,... Chúng tôi đã đủ kỹ thuật xử lý cho mai ra hoa quanh năm theo ý muốn, cũng có nhiều hộ sẵn sàng đầu tư phát triển vườn mai thành điểm du lịch. Làng mai thành điểm du lịch thì chúng vừa mừng, vừa hãnh diện”./.

Quế Lâm

Nguồn: Báo Long An - baolongan.vn - Đăng ngày 03/04/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT