Non nước Việt Nam

Khơi mạch truyền thống trong mỹ thuật đương đại: Rộng mở cho sáng tạo

Cập nhật: 06/09/2021 14:55:49
Số lần đọc: 700
Trong giới mỹ thuật đương đại Việt Nam, không ít người nhiều năm kiên trì theo đuổi chất liệu truyền thống và cũng có nhiều nghệ sĩ trẻ đang tìm về yếu tố truyền thống để cùng thổi vào đó hơi thở thời đại cho những tác phẩm nghệ thuật. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, khi khơi đúng mạch, đây sẽ là hướng đi rộng mở cho sáng tạo, vừa gìn giữ giá trị truyền thống, vừa mang lại diện mạo mới cho mỹ thuật Việt Nam.


Các tác phẩm mỹ thuật đương đại sáng tạo trên chất liệu truyền thống thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong ảnh: Khách tham quan triển lãm chuyên đề “Tranh sơn mài 2021” tổ chức tháng 4-2021. Ảnh: Thụy Du

Tìm về với truyền thống

Thành lập từ năm 2013, đến nay, nhóm Họa sĩ sơn ta Việt Nam, quy tụ những họa sĩ sử dụng sơn ta truyền thống trong tranh sơn mài, đã tổ chức 5 triển lãm nhóm và nhiều triển lãm cá nhân, đóng góp những giá trị mới cho đời sống nghệ thuật đương đại. Thành phần nhóm khá đa dạng, trong đó, người lớn tuổi nhất trên 70 tuổi, còn người trẻ nhất là 27 tuổi. Mỗi người một hướng sáng tạo, các họa sĩ đã “khoác áo mới” lên tranh sơn mài qua các tác phẩm đa dạng phong cách.

Cũng khai thác vẻ đẹp truyền thống, họa sĩ Vũ Thái Bình đã có gần 15 năm tìm tòi với chất liệu giấy dó và kỹ thuật vẽ màu nước chồng nhiều lớp, tạo nên những tác phẩm hội họa mới mẻ, đầy sức sống… “Tôi muốn tạo một không gian thực và bền vững để người yêu nghệ thuật đến tìm hiểu, chiêm ngưỡng và sáng tạo với chất liệu giấy dó, từ đó lan tỏa tình yêu và góp phần gìn giữ di sản của cha ông”, họa sĩ Vũ Thái Bình bày tỏ. Hiện tại, có nhiều họa sĩ Việt cũng tham gia sáng tạo trên chất liệu giấy dó, như họa sĩ Bùi Văn Tuất sử dụng sơn dầu và acrylic, họa sĩ Đặng Tiến vẽ bằng bột màu, họa sĩ Đoàn Đức Hùng vẽ bằng mực nho...

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, tranh lụa đương đại Việt cũng có nhiều khởi sắc, với sự góp mặt của đông đảo họa sĩ. Tiêu biểu là họa sĩ Vũ Đình Tuấn ở Hà Nội và họa sĩ Bùi Tiến Tuấn ở thành phố Hồ Chí Minh… với kỹ thuật vẽ đa dạng, màu sắc bắt mắt, nội dung táo bạo trên chất liệu lụa truyền thống. Thế hệ trẻ cũng đang dấn thân và tạo được dấu ấn ở chất liệu này. Có thể thấy ở triển lãm “Chuyển dịch mong manh” gồm 30 tác phẩm tranh lụa thể hiện ngôn ngữ sáng tạo đặc sắc của các sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, tại Manzi Art Space (quận Ba Đình)…

Bên cạnh khai thác chất liệu truyền thống, nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay lại sử dụng yếu tố dân gian, truyền thống trên chất liệu đương đại. Điển hình như họa sĩ Nguyễn Xuân Lam đã thực hiện vẽ, in, cắt các họa tiết trong tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ để tạo thành những bức tranh, phù điêu có kích cỡ khác nhau, rất ấn tượng và hiện đại. Tại trưng bày “Từ truyền thống tới truyền thống” diễn ra ở đình Nam Hương (quận Hoàn Kiếm) đầu năm 2021, nhóm họa sĩ trẻ gây chú ý với nhiều tác phẩm đương đại, mang hơi thở truyền thống từ tranh dân gian Hàng Trống…

Là người yêu nghệ thuật, chị Phạm Quỳnh Trang (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Tranh đương đại mang yếu tố truyền thống rất gần gũi, phù hợp với thị hiếu thưởng thức của công chúng hiện nay”.

Họa sĩ trẻ thực hiện tác phẩm trên chất liệu lụa trong xưởng sáng tạo tranh tại Hà Nội. Ảnh: Thế Sơn

Kho tàng mở cho sáng tạo

Sự dấn thân và thành công của các nghệ sĩ mỹ thuật đương đại cho thấy, kho tàng truyền thống đa dạng và giá trị, rộng mở cho nghệ sĩ sáng tạo. Họa sĩ Nguyễn Xuân Lam chia sẻ, để tranh dân gian truyền thống gần gũi, ấn tượng với công chúng hiện nay, cần kết hợp với kỹ thuật đồ họa tiên tiến và phủ màu tươi mới. Đây cũng là cách để nghệ sĩ thể hiện tình yêu dân tộc và lan tỏa đến những người trẻ.

Gắn bó gần 30 năm với nghệ thuật sơn mài, họa sĩ Nguyễn Trường Linh, Trưởng khoa Mỹ thuật (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam), Chủ nhiệm nhóm Họa sĩ sơn ta Việt Nam cho rằng, chất liệu truyền thống, trong đó có tranh sơn mài vẽ bằng sơn ta là tiếng nói đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam, có uy tín trên thế giới. Với sơn ta và kỹ thuật mài, họa sĩ có thể thực hiện được tranh với nhiều trường phái hội họa và đề tài khác nhau. Tuy nhiên, chất liệu này đang bị lấn át bởi cách vẽ tranh bằng sơn công nghiệp, sơn pha chế và các chất liệu hiện đại khác. Vì vậy, nhóm Họa sĩ sơn ta Việt Nam cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân đang nỗ lực gìn giữ và tích cực quảng bá loại hình này.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận định, thế hệ trẻ là nhân tố quan trọng, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Do đó, muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống trong mỹ thuật, cần tổ chức nhiều dự án, chương trình ươm mầm cho các nghệ sĩ trẻ sáng tạo; đồng thời quảng bá, giới thiệu tác phẩm mới để tạo cơ hội cho công chúng tìm hiểu và trân trọng.      

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, yếu tố truyền thống đang được nhiều thế hệ nghệ sĩ theo đuổi bằng tiếng nói đương đại, tạo nên sự phong phú cho nền mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, các nghệ sĩ mới chỉ khai thác được một phần vốn quý dân tộc. Họ cần chắt lọc những tinh hoa truyền thống với hướng sáng tạo khác nhau để tạo nên dòng chảy nghệ thuật, vừa phù hợp thị hiếu công chúng, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020-2030; đồng thời, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam triển khai Cuộc thi thiết kế Việt Nam năm 2021, với chủ đề “Đánh thức truyền thống”, qua đó khơi mạch và khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật trên chất liệu truyền thống.

An Nhi

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT