Tin tức - Sự kiện

Kinh nghiệm bảo vệ môi trường du lịch biển ở Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 12/02/2020 08:12:16
Số lần đọc: 740
Vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với “bài toán” về những tác động tiêu cực đến môi trường do lượng khách ngày một tăng. Vì vậy, những biện pháp bảo vệ môi trường từ các đảo quốc, vùng biển du lịch là kinh nghiệm quý giá để Quảng Ninh có thể học tập, xây dựng nền du lịch địa phương phát triển bền vững.


Túi giấy, túi nilon sinh học, ống hút giấy được bày bán rộng rãi, giúp người dân ở tỉnh Palawan, Philippines dễ dàng sử dụng.

Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo mà thiên nhiên ban tặng, tỉnh Palawan thuộc Philippines sở hữu những quần đảo du lịch nổi tiếng như El Nido, Cebu, Coron… thu hút khoảng 2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15-20% mỗi năm. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ được chính quyền, những người làm du lịch mà cả người dân, du khách ủng hộ.

Nhất là ở El Nido, việc bảo vệ môi trường dường như đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, buộc du khách đến đây phải tuân theo. Ý thức tự giác bảo vệ môi trường thể hiện rõ nét trong việc sử dụng túi giấy và túi nilon sinh học khi mua bán, gói hàng hóa từ khu chợ trung tâm đến các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Ngoài ra, ở tất cả các quán ăn, ống hút nhựa cũng được thay bằng ống hút giấy. Các sản phẩm như túi giấy, túi nilon sinh học hay ống hút giấy đều được bán rộng rãi trong các khu chợ lớn để người dân dễ dàng sử dụng.

Không những thế, việc bảo vệ môi trường còn được các công ty lữ hành, hướng dẫn viên coi như trách nhiệm và nghĩa vụ của chính mình. Anh Lehdra Kram, hướng dẫn viên du lịch ở đây chia sẻ: “Nguồn thu nhập chính của chúng tôi chính là làm du lịch. Ngư dân ở đây rất ít và hầu hết chỉ đánh bắt hải sản đủ để cung cấp cho nhu cầu thực phẩm trên đảo. Bên cạnh đó, nhiều khu vực chúng tôi cũng quy hoạch riêng để tạo ra các điểm đến du lịch, vì vậy, việc phát triển du lịch và bảo vệ môi trường gắn bó chặt chẽ với nhau và được đặt lên hàng đầu”.

Thực tế, ngoài việc đóng các khoản phí tham quan, mỗi du khách còn phải mua thêm vé bảo vệ môi trường trị giá 200 peso (khoảng 100.000 đồng) có thời hạn trong 7 ngày. Trong suốt các hành trình khám phá đảo, nhiều hướng dẫn viên không ngại ngần đi nhặt từng chiếc túi bóng, vỏ quả dừa do những du khách thiếu ý thức để lại. Bên cạnh đó, họ liên tục nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường, không nhặt hay bẻ san hô...

Không chỉ nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường du lịch biển, Philippines còn có nhiều hành động mạnh tay như kiên quyết ra lệnh đóng cửa “thiên đường” du lịch Boracay vào đầu năm 2018 để xử lý vấn đề ô nhiễm và khôi phục hệ sinh thái của hòn đảo này.

Nhiều quốc gia cũng áp dụng lệnh đóng cửa điểm du lịch của họ khi vấn đề môi trường đạt giới hạn đỉnh điểm. Như ở Thái Lan, năm 2018, chính quyền đã yêu cầu đảo Koh Phi Phi đóng cửa vào mùa du lịch thấp điểm để hòn đảo có cơ hội tái sinh tự nhiên. Tăng giá vé tham quan và số tiền sẽ được sử dụng để phục vụ tối đa cho công tác bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức của khách du lịch.

Giống như nhiều quốc đảo khác ở Thái Bình Dương, Palau - quốc gia nằm cạnh Indonesia và Philippines, du lịch là động lực chính của nền kinh tế. Trong vài năm gần đây, số lượng khách trung bình tới Palau cao gấp gần 7 lần số dân địa phương. Nhằm ứng phó với tình trạng này, chính quyền đảo quốc Palau đã yêu cầu tất cả du khách tới đây phải dán tem cam kết bảo vệ môi trường trong thời gian ở Palau lên hộ chiếu của họ...

Từ những kinh nghiệm của các quốc gia phát triển du lịch biển, thiết nghĩ, việc quan trọng để bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long không chỉ ở các biện pháp kiên quyết, mạnh tay mà còn ở chính ý thức của người làm du lịch, của người dân và du khách. Đó chính là chìa khóa quyết định, giải bài toán về môi trường, bảo vệ và phát triển bền vững du lịch vịnh Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT