Non nước Việt Nam

Làng nghề rượu Bàu Đá ở Bình Định hướng đến phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 13/10/2020 11:10:05
Số lần đọc: 1998
Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, TX. An Nhơn) còn hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.


Rượu được đựng trong chai thủy tinh

Chú trọng chất lượng rượu

Thôn Cù Lâm được trời phú cho mạch nước ngầm ngon ngọt, mát lành để nấu rượu. Đặc biệt, phải lấy nước ở độ sâu từ 20 đến 30m thì rượu nấu ra mới đảm bảo chất lượng. Có thể nói, điểm cơ bản để làm nên danh tiếng rượu Bàu Đá chính là nguồn nước để nấu rượu.

Chia sẻ về điều này, ông Lê Văn Thưởng, Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu Đá tỉnh Bình Định, người có hơn 40 năm làm nghề nấu rượu ở làng nghề Bàu Đá, khẳng định: “Những nơi khác chỉ cách thôn 200 m, nhưng rượu nấu ra cũng không ngon bằng vì không có được nguồn nước như ở thôn Cù Lâm”.

Hiện nay, làng nghề Bàu Đá vẫn sản xuất rượu theo phương pháp thủ công truyền thống.

Các công đoạn nấu rượu lần lượt là nấu cơm, hong nguội cơm, trộn men, ủ cơm rượu, nấu rượu. Rượu nấu ra được chiết rót ở nơi thật thoáng mát, sạch sẽ trước khi đóng chai, dán nhãn. Nếu như trước đây, người dân thường dùng chai nhựa để đựng rượu, thì nay đã dần chuyển sang dùng chai thủy tinh để rượu ngon và an toàn hơn cho sức khỏe người dùng.

Nói về việc làm sao để nấu ra một mẻ rượu ngon nhất, ngoài việc chọn nước hay thực hiện các công đoạn khác thật kỹ lưỡng, ông Thưởng cho biết thêm: “Khi nấu phải để lửa nhỏ, đều lửa, nấu trong nồi đồng, ủ rượu càng lâu càng ngon và rượu khi rót ra phải trong suốt, thơm hương, có bọt nổi lên mới đúng là rượu ngon. Rượu Bàu Đá nấu vào mùa xuân, mùa thu - khi khí trời tịnh, mát mẻ - sẽ ngon hơn những mùa khác”.

Hiện nay, tại thôn Cù Lâm, có 33 hộ nấu rượu Bàu Đá theo phương thức thủ công truyền thống. Sản phẩm rượu của người dân trong làng nghề do 2 DN ở gần thu mua là chính, bao gồm: Nhà máy sản xuất rượu Bàu Đá Tấn Phát và Rượu Bàu Đá Tâm Hường. Bên cạnh đó còn có Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh ở Đà Nẵng thu mua.


Rượu ngon hơn khi nấu bằng lửa nhỏ, nấu trong nồi đồng

Sản xuất kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng 

Tính đến nay, làng truyền thống rượu Bàu Đá hình thành và phát triển đã hơn 100 năm. Ban đầu người dân nấu rượu nhỏ lẻ, chủ yếu dùng trong hộ gia đình, dần dần rượu Bàu Đá của làng được nâng lên tầm đặc sản, vang danh khắp nơi từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, khách du lịch đến tham quan làng truyền thống rượu Bàu Đá từ trước đến nay thường là các hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên hay các đoàn khách lẻ từ các địa phương khác.

Chính vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực giữ gìn làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng rượu thì nơi đây đang hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, giúp làng nghề được biết đến nhiều hơn và xúc tiến đầu ra cho sản phẩm. 

Tại thôn Cù Lâm, chính quyền địa phương đang đầu tư xây dựng lại nhà thờ Tổ để tưởng nhớ công ơn của vị Tổ sư đã nấu rượu và truyền lại nghề cho con cháu đời sau. Đây sẽ là một trong những địa điểm tham quan khi khách khu lịch đến với làng truyền thông rượu Bàu Đá. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đến làng cũng đang được chính quyền địa phương quan tâm qua việc bê tông hóa những con đường chính dẫn vào làng.

Đồng thời, Bàu Đá - địa danh gắn liền với sản phẩm rượu của làng nghề cũng sẽ được quy hoạch trở thành điểm du lịch trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của ông Thưởng, cách đây không lâu, đại diện Sở Du lịch đã đến làng nghề để khảo sát và sắp tới sẽ mở tour du lịch theo hình thức homestay (khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà dân địa phương này). 

Hướng đến việc phát triển du lịch cộng đồng, người dân trong thôn Cù Lâm còn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan đẹp mắt để thu hút khách du lịch./.

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT