Non nước Việt Nam

Lạng Sơn: Lộc Bình - Phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 07/07/2021 13:07:34
Số lần đọc: 888
Với hệ thống di sản văn hóa (DSVH) đa dạng, phong phú, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình đã và đang quan tâm khai thác hiệu quả lợi thế này để phát triển du lịch. Qua đó, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.


Thời gian qua, khách du lịch đến với Khu du lịch Mẫu Sơn, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc tự nhiên hùng vĩ của núi Mẫu mà còn được trải nghiệm, hòa mình với đời sống văn hóa của người dân địa phương, thông qua những hoạt động như: trình diễn chưng cất rượu thủ công; trình diễn trang phục dân tộc; trò chơi Lảy cỏ, hát Páo Dung, thổi kèn Pí lè của người Dao… được tổ chức hằng năm tại “Phiên chợ vùng cao” trong Liên hoan Du lịch Mẫu Sơn.

Những hoạt động này đã thực sự trở thành điểm nhấn và gây ấn tượng với khách du lịch. Anh Bế Trọng Kiên, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Trong 2 năm trở lại đây, Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm nào tôi cũng có mặt để săn những bức ảnh đẹp về phong cảnh và các nét văn hóa đặc sắc của vùng. Trong đó, tôi thích nhất là được xem các nghệ nhân chưng cất rượu và trải nghiệm trò chơi chọi gà 6 cựa”.


Nhân dân và du khách tham gia trò chơi Lảy cỏ tại Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2020

Bảo tồn, khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa truyền thống thông qua “Phiên chợ vùng cao” chỉ là một trong rất nhiều hoạt động phát triển du lịch của huyện Lộc Bình thời gian qua. Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Xác định những DSVH là thế mạnh trong phát triển du lịch, thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền tới Nhân dân về nội dung liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện, đưa nội dung này vào “Đề án phát triển du lịch huyện Lộc Bình giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, chính quyền huyện luôn quan đến công tác bảo tồn giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Tiêu biểu, từ năm 2019 đến nay, huyện đã tu bổ, tôn tạo các di tích: đình Vằng Khắc, chùa Trung Thiên, khu du kích Chi Lăng… với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 21 điểm di tích và 1 khu di tích, trong đó, nhiều điểm thu hút ngày càng đông khách tham quan như: Linh địa, đền cổ Mẫu Sơn, núi Phặt Chỉ; Khu di tích lưu niệm dòng họ Vi…

Đối với các giá trị DSVH phi vật thể, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh tổ chức được 1 lớp truyền dạy then và 1 cuộc đưa dân ca vào chợ phiên. Nhiều phong tục, trò diễn dân gian tại 13 lễ hội truyền thống của huyện được các cấp, ngành phục dựng như: múa sư tử, hát then, hát sli, hát lượn, đối đáp, hát xắng cọ, lễ cấp sắc… Cùng đó, các nghề truyền thống trên địa bàn cũng được bảo tồn và phát triển như: rượu men lá, thêu thủ công của người Dao (xã Mẫu Sơn, Ái Quốc). Ông Dương Trồng Mình, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn cho biết: “Ngoài vận động bà con mặc trang phục truyền thống tham gia hoạt động tại các “Phiên chợ vùng cao”, từ năm 2020 đến nay, hằng năm chúng tôi đều mở lớp 1 dạy nghề thêu truyền thống của người Dao cho hơn 20 học viên trong xã, khuyến khích 10 gia đình tiếp tục duy trì, phát triển nghề thêu nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu trải nghiệm của du khách”.

Để tuyên truyền sâu rộng việc phát huy giá trị các di sản gắn với phát triển du lịch, từ năm 2019 đến nay, cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan của huyện đã đăng tải trên 100 tin, bài, ảnh về các DSVH của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp thực hiện 10 chương trình truyền hình phản ánh về đời sống văn hóa, phong tục, tập quán trên địa bàn huyện; tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch tại các hội chợ triển lãm, sự kiện do tỉnh tổ chức. Qua đó, ngày càng có nhiều người biết đến và tham quan các di tích, lịch sử gắn với du lịch trải nghiệm ở huyện. Được biết, năm 2019, toàn huyện thu hút 194.600 lượt khách du lịch, tăng xấp xỉ 3,7 lần so với năm 2014. Đặc biệt, năm 2020, huyện đón 200.000 lượt khách (tăng 5% so với năm 2019); 6 tháng đầu năm 2021, huyện đã đón 140.000 lượt khách.

Thời gian tới, các cấp, ngành huyện Lộc Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quảng bá giá trị các DSVH vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Cùng đó, tập trung vào việc phát triển mô hình làng văn hóa – du lịch cộng đồng tại thôn Pò Kít, xã Khuất Xá. Đồng thời, khai thác hiệu quả giá trị những di tích, danh thắng trên địa bàn, kết nối với các công ty du lịch, nhằm tạo nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng có của huyện. Với những giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai tích cực, tin tưởng rằng, du lịch Lộc Bình sẽ có nhiều khởi sắc trong tương lai.

Tuyết Mai

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT