Hoạt động của ngành

Lào Cai: Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch

Cập nhật: 11/01/2019 09:12:45
Số lần đọc: 1973
Thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã sớm tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình đến khách hàng. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong phần lớn các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn mới dừng ở mức sơ khai…


Cuối năm 2018, VNPT đã hỗ trợ tỉnh Lào Cai xây dựng ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại thông minh, máy tính bảng có tên "Lao Cai tourism".

Chị Nguyễn Thủy Tiên, du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh đến Sa Pa du lịch cho biết: Trước khi đến Sa Pa, tôi đã vào mạng xã hội và qua các trang web để tham khảo các điểm đến, điểm lưu trú, giá phòng, giá dịch vụ… song hầu hết các trang web của các doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn chỉ giới thiệu mà chưa cài đặt phần mềm để có thể trực tiếp đặt phòng, đặt tua và các dịch vụ khác. Tôi đành phải vào các trang như Booking.com, Agoda.com để đặt phòng… Khi đến Lào Cai rồi, tôi lại phải tiếp tục vào google.com tìm hiểu những địa danh để lựa chọn điểm đến du lịch. Điều này khác với khi đến Đà Nẵng hay Nha Trang (Khánh Hòa), ở các địa phương này, hệ thống trang web chuyên nghiệp hơn nhờ các ứng dụng CNTT hiện đại, tiện lợi. Thậm chí, tôi chỉ cần bước xuống máy bay là đã nhận được tin nhắn đường link giới thiệu các trang thông tin giới thiệu về du lịch, điểm đến, dịch vụ… của địa phương.

Ông Lê Anh Đại, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch quốc tế Bình Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có một số công ty lữ hành và khách sạn lớn ứng dụng CNTT trong quảng bá, quản lý, tương tác với khách du lịch. Còn lại, hầu hết các công ty lữ hành, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ sử dụng CNTT theo hình thức sơ khai, như dùng ứng dụng facebook, zalo, trang web… để quảng cáo, mời gọi du khách, phần chăm sóc khách hàng, cung ứng dịch vụ hầu như còn bỏ ngỏ.

Là người tiên phong trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ ứng dụng CNTT vào phục vụ hoạt động kinh doanh, ông Hoàng Xuân Doanh, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ truyền thông Fansipan Travel Media cho biết: Qua khảo sát ở Sa Pa cho thấy, hiện chỉ có dưới 5% khách sạn, nhà nghỉ sử dụng ứng dụng “chatbot” tự động để giao dịch với khách hàng và có phần mềm ứng dụng quản lý, tương tác trực tuyến. Đơn vị đang triển khai dịch vụ tư vấn, hỗ trợ các phần mềm ứng dụng quản lý nhà hàng, quản lý tour và các công cụ thu thập dữ liệu khách hàng... cho một số khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn. Việc ứng dụng CNTT sẽ giúp các doanh nghiệp giảm những chi phí không cần thiết, đồng thời thu hút khách tốt hơn; mọi hoạt động quản lý và chăm sóc khách hàng cũng đều tự động. Tuy nhiên, nhận thức về sử dụng các ứng dụng CNTT của nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch vẫn chưa cao và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.204 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 15 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao, 193 khách sạn 2 sao và 1 sao,  788 nhà nghỉ và 207 cơ sở homestay. Trong năm 2018, Lào Cai đón trên 4,2 triệu lượt khách du lịch (718.585 lượt khách nước ngoài). Trong đó, trên 70% lượng khách đến Lào Cai du lịch tham khảo thông tin qua internet và họ có xu hướng đặt dịch vụ qua giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên hiện nay, nhiều khách sạn, nhà nghỉ vẫn để khách đặt phòng thông qua các trang như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com... Điều này làm nảy sinh những vấn đề về quản lý giá thuê phòng, tỷ lệ chiết khấu phần trăm giá dịch vụ cho các trang đặt phòng khá cao (từ 10 đến 15%). Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước không giám sát được hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch và quản lý lưu trú, quản lý thuế…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành du lịch của tỉnh. Thị trường du lịch Lào Cai đã có nhiều thay đổi nhờ sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của loại hình kinh doanh du lịch online. Thực tế này buộc ngành du lịch, dịch vụ và cơ quan chức năng của tỉnh phải hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh.

Xác định rõ điều này, từ năm 2014, tỉnh Lào Cai đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh, trong đó có hợp phần phát triển du lịch thông minh. Đến năm 2017, VNPT Chi nhánh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát toàn diện thực trạng hạ tầng kỹ thuật (ICT) và việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp… để triển khai mô hình du lịch thông minh của tỉnh Lào Cai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc VNPT Chi nhánh Lào Cai cho biết: Đến tháng 10/2017, VNPT đã hoàn thành bộ 3 sản phẩm du lịch thông minh cho tỉnh gồm: Cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh và phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến. Trong đó, ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại thông minh, máy tính bảng đối với hệ điều hành IOS và Android có tên “Lao Cai tourism” là ứng dụng kết nối du khách - doanh nghiệp và chính quyền, gồm các chức năng chính: Cung cấp thông tin chính thống và thống nhất về các dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường trợ giúp doanh nghiệp tự quảng bá về các sản phẩm, dịch vụ, thiết lập các dịch vụ đặt hàng và thanh toán trực tuyến; tiện ích giúp du khách tìm kiếm thông tin, trải nghiệm du lịch qua các công nghệ hiện đại…

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù việc đưa vào hoạt động 3 bộ sản phẩm ứng dụng CNTT trong phát triển du lịch đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng cải thiện hoạt động của mình, nhưng các bộ sản phẩm này mới trong giai đoạn thử nghiệm để hoàn chỉnh nên chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, để ứng dụng được thì doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ kỹ năng, trình độ…

Có thể thấy, việc nắm bắt công nghệ mới, sẵn sàng từ bỏ mô hình quản lý cũ để ứng dụng CNTT trong hoạt động du lịch, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách đang đặt ra hết sức bức thiết. Hiện nay, hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng yêu cầu, cơ chế, chính sách cũng được đảm bảo, chỉ còn 2 yếu tố chính nữa là thay đổi về tư duy và xây dựng nguồn nhân lực. Những nội dung này tiếp tục cần các doanh nghiệp và cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm và có giải pháp thực hiện./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục