Non nước Việt Nam

Lượn Slương một thể loại văn hóa tinh thần của người Tày Thạch An (Cao Bằng)

Cập nhật: 16/06/2020 08:49:38
Số lần đọc: 1235
Lượn là thể loại hát dân ca đặc sắc, phong phú của người Tày. Trong kho tàng dân ca truyền thống của người Tày có nhiều làn điệu lượn như: Lượn then, lượn Cọi, lượn Slương, lượn Nàng hai, lượn quan làng, lượn phuối pác, lượn phong slư…


Phục dựng "Canh hát - Lượn Slương truyền thống" tại huyện Thạch An.

Lượn Slương là làn điệu dân ca độc đáo, một thể loại văn hóa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của người Tày vùng việt Bắc, đặc biệt là vùng Đông Bắc, điển hình như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Qua nghiên cứu về văn hóa học, dân tộc học, văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng truyền thống của dân tộc Tày, thông qua những áng văn tự Nôm cổ của người Tày nói riêng và những áng văn tự cổ của người Tày vùng Đông Bắc nói chung của các nhà nghiên cứu từ Trung ương và địa phương cho thấy lượn Slương có gốc khởi nguồn từ huyện Thạch An.

Theo truyền thuyết, nghệ thuật diễn xướng lượn Slương có từ thời Nùng Trí Cao. Giai thoại kể rằng: Mùa xuân năm 1041, sau khi Nùng Trí Cao vào triều yết kiến, được vua Thái Tông phong tước Thái Bảo, cho thêm 4 động và 1 châu để Trí Cao với mẹ là A Nùng tiếp tục cai quản. Trong niềm vui vừa thắng giặc cộng thêm được vua ban chức tước, Nùng Trí Cao mở tiệc mời thanh niên nam nữ trong vùng đến vui hát mừng trong nhiều ngày đêm trước hương án họ Nùng. Thể hiện tri ân tình yêu thương của vua Thái Tông, tinh thần đoàn kết đánh giặc và cuộc sống của người dân, Nùng Trí Cao đặt tên cho cuộc hát thâu đêm suốt sáng đó là lượn Slương (hát yêu thương), hát mừng sự yêu thương.  

Thể loại diễn xướng lượn Slương của người Tày được hình thành từ đó và lưu truyền một cách tự nhiên trong dân gian, theo phương thức truyền khẩu, đặc biệt là ứng khẩu ra câu lượn tức thời, tùy theo không gian, thời gian diễn xướng, cha mẹ truyền cho con cháu, đời trước truyền cho đời sau. Theo dòng chảy của lịch sử, đến thời kỳ nhà Mạc lên định đô ở Cao Bằng, lượn Slương được quan quân nhà Mạc tiếp nhận và cải biên nâng cao, sân khấu hóa đưa vào phục vụ cho vua chúa trong triều đình.  

Cấu trúc một canh hát từ thời nhà Mạc lưu truyền tới ngày nay được quy định theo một thể thống nhất như sau: Cả chủ và khách cùng lượn xin phép hương án (bàn thờ); đoàn người lượn (khách) lượn xin phép gia chủ (người tổ chức canh lượn); chủ nhà lượn chào khách, cảm ơn khách đến nhà và cho phép canh lượn bắt đầu; canh lượn bắt đầu: lượn cúng tổ tiên, lượn njải (xin được làm quen), lượn mời trầu, mời nước, lượn Tứ quý (vịnh 12 tháng trong năm), lượn chồm bjoóc (vịnh các loại hoa), lượn giao duyên (tìm đôi kết bạn tình), lượn pjạc (chia tay giã bạn).

Một canh lượn Slương thường diễn ra dài ngày, vậy nên để nhận lời mời từ triều đình (chủ nhà), đoàn người hát (khách mời) được chủ nhà mời đến; chủ nhà lo toàn bộ chỗ ăn, chỗ nghỉ cho đoàn người đến hát. Sau này khi nhà Mạc tan rã, nghệ thuật diễn xướng lượn Slương được người Tày tiếp tục lưu giữ trong dân gian, được lan truyền đến ngày nay. Lượn Slương được truyền từ đời này qua đời khác một cách tự nhiên và có cải biên, phát triển.

Tuy nhiên theo tiến trình thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật diễn xướng lượn Slương gần như mất hẳn. Hiện chỉ còn một số người cao tuổi tại huyện Thạch An còn biết chút ít về nghệ thuật diễn xướng lượn Slương. Đặc biệt do cơ chế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế, lớp trẻ chạy theo xu thế âm nhạc thị trường, ái mộ nghệ thuật diễn xướng hiện đại, không mấy ai còn quan tâm đến giá trị nhân văn của thể loại dân ca cổ truyền này, những lớp người biết hát và có thể truyền dạy cho thế hệ sau do tuổi cao rồi mất dần theo năm tháng.

Hiện nay, huyện Thạch An nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung chỉ còn cụ Bế Thị Ngái (sinh năm 1939), cụ Đinh Thị Đà (sinh năm 1942), bản Nà Pá, xã Đức Xuân còn biết hát. Cụ Đinh Thị Đà chia sẻ: Tôi nguyên là giáo viên nghỉ hưu, từ còn nhỏ được theo bà, theo mẹ đi xem hát lượn Slương, tôi rất yêu thích và hát theo người lớn. Những ca từ trong khúc hát cũng như quy trình của canh hát ngấm vào đầu từ lúc nào tôi không nhớ rõ, sau này lớn lên khi đi học sư phạm, thỉnh thoảng tôi kể và hát cho bạn bè nghe.

Sau này đứng trên bục giảng bài liên quan đến văn học dân tộc Tày hoặc văn học địa phương tôi thường nói với các thế hệ học sinh là người Tày Cao Bằng có nhiều làn điệu dân ca, trong đó có lượn Slương là làn điệu dân ca độc đáo, đặc sắc của huyện Thạch An. Từ ngày nghỉ hưu tôi luôn trăn trở, luyến tiếc những giá trị văn hóa của lượn Slương đang có nguy cơ mất hẳn nên tôi và cụ Bế Thị Ngái sưu tầm một số khúc hát cổ xưa và quy trình hát của cha ông truyền lại cho các cháu có năng khiếu hát dân ca.

Thực tế, từ việc làm tự phát của cụ Đà, cụ Ngái đã có tầm ảnh hưởng tích cực, những năm gần đây, một số người trung niên các xã: Đức Xuân, Lê Lai, Trọng Con quan tâm đến nghệ thuật diễn xướng muốn theo các cụ học lượn Slương. Lượn Slương xét về góc độ văn học, ca từ trong khúc hát là thể thơ 7 chữ, 4 câu theo thể thất ngôn tứ tuyệt, trong canh hát ca từ có thể thay đổi phù hợp với không gian, thời gian của canh hát, miễn sao không chệch khỏi quỹ đạo của thể thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ.

Ví như: “Cất tiểng lượn bjoóc dựa canh nhỉ/Sloong rà pây hỉn hải vja khao/Chùa căn khửn sơn lâm hải bjoóc/Mèng bên khửn xiểu xiết chếp lai”. Tạm dịch: “Cất lời lượn hoa lúc canh hai/Đôi ta đi dạo hái hoa nhài/Rủ nhau cùng lên rừng hái lấy/Ong bướm bay vờn đau xót thay”.  

Xét về góc độ nghệ thuật, diễn xướng lượn Slương của người Tày có nhiều nét tương đồng với canh hát quan họ Kinh Bắc, nhưng dị biệt với tất cả những thể loại diễn xướng dân gian khác của người Tày. Canh hát - Lượn Slương truyền thống của người Tày là loại hình nghệ thuật diễn xướng trong không gian tĩnh và đặc biệt là trong không gian “thiêng”, Canh hát - Lượn Slương luôn được tổ chức lượn trong nhà, trước bàn thờ, không lượn Slương ở ngoài đường, ngoài chợ. Điểm khác biệt trong Canh hát - Lượn Slương là không có nhạc đệm, các nốt nhạc cao, thấp, trầm đều phụ thuộc vào khẩu âm của người tham gia lượn.

Hiện tại, nghệ thuật diễn xướng lượn Slương của người Tày Thạch An nói riêng, của người Tày Cao Bằng nói chung đã bị mai một và gần như mất hẳn, vì ảnh hưởng của nhiều loại hình ca nhạc, nghệ thuật hiện đại, lớp trẻ ngày nay không mặn mà với văn hóa, văn nghệ truyền thống.

Mặt khác, những nghệ nhân, các thế hệ biết hát hiện nay không còn nhiều, do đó việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật diễn xướng lượn Slương của người Tày là việc làm cấp thiết, để nghệ thuật diễn xướng mãi trường tồn và phát triển, góp phần gìn giữ nét văn hóa của dân tộc.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT