Non nước Việt Nam

Mê đắm ký họa cố đô

Cập nhật: 06/04/2022 09:31:31
Số lần đọc: 860
Nhóm ký họa đô thị Hà Nội vừa cùng Bảo tàng Mỹ thuật Huế… thực hiện “Hành trình ký họa di sản cố đô Huế 2022” với các hoạt động sáng tác thơ ca, hội họa, ký họa các di sản, có sự tham gia của hơn 80 thành viên là những kiến trúc sư, họa sĩ, nghệ sĩ, những em thiếu nhi và những người yêu ký họa.


Nhiều cảm xúc đã được lưu lại cùng với hành trình ký họa cố đô.

1/Từ 2020 đến nay, “Hành trình ký họa di sản cố đô Huế” được đều đặn tổ chức, có những chuyến đi vẽ tổng thể, có những chuyến đi vẽ ấn tượng và chủ đề của năm 2022, Nhóm ký họa đô thị Hà Nội lựa chọn là vẽ các chi tiết. Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, thành viên sáng lập nhóm chia sẻ: “Hành trình tới Huế là hành trình gặp gỡ của những con người yêu nghệ thuật, trân trọng và ứng xử tốt đẹp với di sản. Những bức vẽ của mỗi thành viên không chỉ gói ghém tình yêu với mảnh đất cố đô, đây còn là sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch Thừa Thiên Huế với những điều riêng biệt, mang cá tính, tình yêu của người cầm bút và nghệ sĩ sáng tác”.

Gần 80 thành viên, đến mỗi địa danh của di sản cố đô Huế, mỗi người đều chọn cho mình góc riêng. Vào Đại nội Huế, em Phương Anh, học sinh lớp 9 đã chọn hình tượng hoa văn rồng để thể hiện. “Cháu đã đến Huế lần thứ ba theo chương trình. Huế thật dịu dàng, nơi nào cũng đẹp và rất nên thơ, nhưng cháu muốn vẽ hoa văn rồng, cháu cảm nhận được sức mạnh từ hoa văn này trên cổng vào. Với mỗi hoa văn lựa chọn ở một điểm đến, cháu đều tin đây là nét riêng có của mảnh đất cố đô”, Phương Anh nói. Khi nhóm đến chùa Báo Quốc, anh Trần Bình Minh, một họa sĩ không chuyên ấn tượng với cổng tam quan và say sưa trong bức vẽ ký họa của mình dù thời tiết không ủng hộ. Anh tâm sự: “Tôi đến Huế nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên đến chùa Báo Quốc, cảm nhận một nét đẹp cổ kính, bức tường rêu phong nhưng không lạnh lẽo, tất cả mang lại đúng tính cách của địa danh Huế, nhẹ nhàng, nên thơ và đầy đam mê”.

Tác phẩm sau những ngày ký họa cố đô.

2/Theo cảm nhận của bà Lê Thị Ngọc Viễn, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, mọi người đến với Huế bằng một tình cảm đặc biệt. Những bức ký họa hoa văn trên giấy, trên áo đều rất độc đáo, đó vẫn là những gì người ở Huế nhìn thấy hằng ngày, nhưng các nghệ sĩ, các họa sĩ, cả các họa sĩ nhí đã thổi vào đó tình yêu, đam mê, nên từng bức tranh, từng sản phẩm trở nên đẹp hơn rất nhiều. Tới đây, toàn bộ các bức ký họa sẽ được trưng bày và chuẩn bị cho Festival Huế. Nhất là sau khi Huế mở cửa du lịch trở lại, việc tổ chức “Hành trình ký họa di sản cố đô Huế 2022” có tác động tới nhiều tổ chức bảo tồn di sản tại Huế. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho rằng: Những bức ký họa tại chỗ mang những nét riêng biệt, đó là những sản phẩm quảng bá nét đẹp cố đô trên áo phông và còn rất nhiều sản phẩm ý nghĩa cho du lịch cũng như góp phần bảo tồn nét đẹp cố đô Huế.

Dịp tổng kết chương trình và đón nhận các bức vẽ ký họa, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức. Trong đó có biểu diễn các bộ áo dài, sử dụng chính một số bức ký họa do các con nhỏ vẽ tặng mẹ. Chị Tạ Như Trang ở Hà Nội hào hứng: “Khi được mặc những chiếc áo dài có hình vẽ lại chính là bức tranh do con mình vẽ, tôi rất xúc động và tự hào. Mong hành trình của nhóm sẽ được tới nhiều mảnh đất di sản hơn nữa, cho mọi thành viên, cả thành viên nhỏ tuổi được trải nghiệm, thỏa đam mê của mình và có thật nhiều sản phẩm ý nghĩa”.

Mỗi tác phẩm ký họa được hoàn thành đều là một tình yêu với Huế được lưu giữ, như chính sức sống của nét đẹp văn hóa triều Nguyễn trải dài theo năm tháng.

Lục Hường

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 06/4/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT