Non nước Việt Nam

Một buổi lễ đặc biệt của người Êđê

Cập nhật: 23/02/2021 15:53:30
Số lần đọc: 820
Người Êđê ở Tây Nguyên được biết đến là tộc người giàu bản sắc văn hóa, có tính cộng đồng cao, điều đó được thể hiện qua phong tục tập quán và nếp sống thường ngày của họ.


Những món ăn truyền thống của người Êđê để thết đãi người thân, họ hàng, du khách sau lễ cúng.

Đặc biệt, trước khi tổ chức bất cứ việc gì quan trọng của buôn làng, gia đình, dòng tộc, họ đều phải làm lễ cúng để xin phép các Yàng (thần linh) trước rồi mới tiến hành nghi lễ.

Từ bao đời nay, cộng đồng người Êđê ở Tây Nguyên vẫn giữ truyền thống tổ chức các lễ cúng sau khi đã thu hoạch xong mùa màng. Đây là dịp để dân làng, đại gia đình tạ ơn trời đất đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; đồng thời gia đình cũng làm các nghi lễ mừng sức khỏe cho các thành viên.

Một ngày đầu năm, ngôi nhà dài của Amí Quang ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) trở nên nhộn nhịp và đông vui, bởi nơi đây sắp diễn ra nghi lễ quan trọng, lễ đặt tên và lễ cúng mừng sức khỏe cho đại gia đình. Thông thường lễ đặt tên là dành cho những em bé mới chào đời, tuy nhiên lễ này rất đặc biệt, đó là đổi tên cho Amí Quang. Trước đây, Amí Quang có một cái tên họ khác, thế nhưng chị bén duyên với chàng trai Êđê, nên mong muốn được lấy tên họ của người Êđê để thêm gắn bó và có thêm động lực để bảo tồn văn hóa truyền thống của người Êđê, công việc mà chị đang say mê.

Ngay từ sáng sớm mọi việc đã được chuẩn bị, nhà cửa được dọn dẹp ngăn nắp sạch sẽ, các thành viên tất bật phụ giúp người già chuẩn bị đồ cúng. Thanh niên thì buộc chóe rượu cần, châm nước; đàn ông trung niên làm thịt heo, chuẩn bị lễ vật; chị em phụ nữ nấu các món ăn.

Khi lễ vật (bao gồm 1 con gà luộc, 1 chén cơm trắng, 1 chén rượu) đã chuẩn bị xong thì buổi lễ được bắt đầu. Dưới sự chứng kiến của mọi người, thầy cúng mời Amí Quang đến ngồi bên cạnh và bắt đầu lễ cúng với lời khấn: “Năm cũ đã qua, năm mới tới; Amí Quang có heo ở dưới, có gà ở trên, với mong muốn mọi điều được thuận lợi, suôn sẻ, khỏe mạnh; năm mới được bình an, tài lộc. Hôm nay dưới sự chứng giám của cả con cháu, dòng tộc Amí Quang sẽ có cái tên mới là H’Kjăp Niê. Mong các vị thần chấp thuận cho Amí Quang được dùng tên mới H’Kjăp Niê. Từ nay về sau ban cho nó sức khỏe, làm ăn thuận lợi, gia đình êm ấm, con cháu sum vầy…”. Khi buổi lễ kết thúc, từ nay, mọi người trong gia đình sẽ gọi Amí Quang bằng cái tên mới là H’Kjăp Niê.


Du khách tham dự Lễ cúng sức khỏe của người Êđê.

Thầy cúng Ae H’Nhem (buôn Sút, xã Ea Pốk, Huyện Cư M’gar) cho biết, theo phong tục của người Êđê, đây là một nghi thức quan trọng, phải làm lễ cúng xin phép các vị thần thì mới được lấy tên mới; nhất là khi gia chủ muốn thông báo cho bạn bè gần xa biết. Trong dịp năm mới này, Amí Quang đã đạt được mong muốn có một cái tên mới là H’Kjăp với ý nghĩa: vững vàng và chắc chắn. 

Ngay sau lễ đặt tên, thầy cúng thực hiện lễ cúng mừng sức khỏe cho gia đình của chị H’Kjăp. Nghi lễ diễn ra gồm hai phần trên nền chiêng, trống rộn rã. Trước hết là cúng cho các thần linh, ông bà tổ tiên và những người đã khuất, thông báo và mời họ về dự lễ cùng gia chủ. Phần lễ thứ hai là dành cho người được cúng sức khỏe. Lễ vật cúng gồm một con heo, bầu đựng nước, chén đồng chứa đầy rượu và chiếc vòng đồng. Nhịp chiêng vang lên, thầy cúng đọc lời khấn chúc mừng cho gia chủ, các thành viên trong dòng họ; mỗi người được đeo vòng đồng để mang lại may mắn. Kết thúc phần lễ, mọi người cùng nhau chung vui và uống lần lượt tất cả các chóe rượu cần đặt ở các cột lễ.

Ngoài ý nghĩa về sự tôn vinh, thể hiện tình cảm, sự quý trọng của gia chủ đối với họ hàng, dòng tộc, lễ cúng sức khỏe của người Êđê còn thể hiện sự giàu có, sung túc, ăn nên làm ra trong mỗi gia đình. Đây cũng là dịp để các thành viên trong dòng tộc được quây quần, gặp mặt, hỏi thăm nhau. Đặc biệt năm nay, gia chủ mời thêm bạn bè xa gần về chung vui, họ đều rất thích thú khi có cơ hội tìm hiểu về nét văn hóa, tập quán của người Êđê ở Tây Nguyên.

Bên cạnh việc được thưởng thức những chóe rượu cần ngon, các vị khách dự lễ còn được gia chủ đãi các món ăn truyền thống đậm vị cay, vị nồng của người Êđê. Trong không gian nhà dài, mọi người vừa ăn uống vừa kể cho nhau nghe những chuyện vui trong năm qua, tạo một không gian đặc biệt để những khách phương xa được trải nghiệm về văn hóa ẩm thực và sự hiếu khách của con người ở vùng đất đỏ cao nguyên..

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT