Hoạt động của ngành

Nam Định nỗ lực đưa nghệ thuật múa rối nước đến với công chúng

Cập nhật: 14/10/2020 11:13:49
Số lần đọc: 1212
Múa rối nước được xem là một trong bách nghệ tinh thông của người Nam Định, là nét văn hóa lâu đời nức tiếng xa gần bởi sự khéo léo, tài hoa của con người nơi đây.


Đoàn múa rối nước Sông Quê (huyện Nam Trực) biểu diễn tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Trước nhiều thách thức của tiến trình phát triển xã hội, người dân Nam Định vẫn nỗ lực bảo vệ nghệ thuật múa rối truyền thống của quê hương.

Nghệ thuật truyền thống

Làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực hiện còn gìn giữ vẹn nguyên nghệ thuật múa rối nước. Đây được xem là nơi có nghệ thuật múa rối nước lâu đời nhất Nam Định, được đề cập tới trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý (hiện dựng tại núi Long Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Người dân làng Rạch không biết loại hình nghệ thuật này có từ bao giờ, chỉ biết múa rối nước đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành món ăn tinh thần đời này qua đời khác của người dân nơi đây.

Các cụ cao niên trong làng truyền kể, năm 1755, cụ Mai Văn Kha làm nghề thợ chạm đứng ra tập hợp những người biết múa rối trong thôn lập nên phường rối nước. Khi ấy gọi là phường rối Nam Chấn (làng Rạch trước kia được gọi là vùng Nam Chấn). Sẵn nghề tạc tượng, sơn mài, người dân đã tự tạo nên các con trò như: chú tễu, các tiên nữ, con rối long, ly, quy, phượng…

Cụ Phạm Văn Trúc là một trong những người tạc con trò đẹp và nghĩ ra nhiều trò hay. Cụ Phạm Văn Nhượng là người soạn tích và đặt câu hát hay...

Người dân lấy ao làng làm nơi luyện tập và đặt buồng trò biểu diễn múa rối mua vui cho dân làng mỗi dịp lễ hội. Cứ mỗi khi phường rối biểu diễn, mọi người từ già, trẻ, gái, trai lại gọi nhau đi xem khiến cho không khí làng quê nhộn nhịp hơn thường lệ.

Dưới bàn tay khéo léo điều khiển của người làng Rạch, những vũ điệu rối bật lên từ mặt nước sinh động như được thổi hồn. Người dân làng Rạch vốn đã quen lao động ở vùng chiêm trũng lại khéo khai thác tính động của nước hỗ trợ cho quân rối trở nên tinh tế, xóa đi sự thô cứng của gỗ, tạo nên màn diễn rối tưng bừng, náo nhiệt.

Cũng như những phường rối khác, nội dung những trò diễn rối của làng Rạch chủ yếu tái tạo những sinh hoạt nông nghiệp và đời sống văn hóa của cư dân Đồng bằng Bắc Bộ. Những hình ảnh cày cấy, chăn nuôi, săn bắt, dệt vải hay những hoạt động hội hè như rước sách, chọi trâu, đánh đu hoặc những trò ca ngợi tín ngưỡng vật linh như: múa rồng, múa lân… được các nghệ nhân tái hiện thuần thục, điêu luyện, tạo sức lôi cuốn người xem.

Trải qua thời gian, nghệ thuật múa rối có lúc thăng, trầm song người dân làng Rạch vẫn cố gắng gìn giữ vẹn nguyên những giá trị văn hóa cha ông để lại. Nếu như trước kia, phường rối nước Nam Chấn là độc nhất, nay làng có ba phường với khoảng 40 nghệ nhân.

Các phường rối làng Rạch hiện có gần 1.000 con trò biểu diễn hơn 40 tích trò khác nhau. Những nông dân-nghệ nhân múa rối làng Rạch đã đưa môn nghệ thuật của cha ông ra khỏi lũy tre làng, biểu diễn phục vụ các đại biểu Quốc hội (năm 1968); biểu diễn ở Pháp, Italy (năm 1984); biểu diễn chào mừng Đại hội IX của Đảng tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội (năm 2001)...

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Quang, cho biết năm 2019, xã đã đầu tư gần 20 triệu đồng kiện toàn lại các phường rối, đầu tư con trò và sửa chữa lại thủy đình làng Rạch. Xã tạo mọi điều kiện giúp các phường rối tham gia biểu diễn phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài xã, giúp duy trì hoạt động; đồng thời bảo tồn văn hóa lâu đời của địa phương.

Gắn bảo tồn với phát triển du lịch

Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, những nghệ nhân múa rối làng Rạch đã linh hoạt kết hợp việc bảo tồn và phát triển du lịch, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Tất bật chuẩn bị con trò và thủy đình lưu động cho những chuyến lưu diễn dịp cuối năm, nghệ nhân Phan Văn Mạnh, chủ phường múa rối nước Sông Quê (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực) cho hay, trong thời buổi kinh tế thị trường, người dân phải bươn chải khắp nơi để kiếm sống, do vậy, nếu môn nghệ thuật này cứ bó buộc trong phạm vi làng, xã, chẳng bao lâu sẽ đánh mất nét văn hóa truyền thống này.

Trước thực tế đó, năm 2010, ông tập hợp một số anh em, con cháu trong họ lập phường múa rối nước Sông Quê với bảy thành viên. Múa rối vốn đã ăn sâu vào mỗi người dân làng Rạch, do đó suốt 10 năm qua, bình thường mỗi người mỗi việc, nhưng khi có nơi mời đi diễn, mọi người lại quy tụ mang theo thủy đình lưu động, phục vụ nhu cầu người dân khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Theo ông Mạnh, phường rối thường diễn tại các lễ hội truyền thống, trường học hoặc các sự kiện văn hóa. Trung bình mỗi năm, phường rối nhận được khoảng 20 xuất diễn, sau mỗi buổi diễn, mỗi người được trả thù lao từ 300.000-500.000 đồng/người/ngày.

Song song với việc lưu diễn, các phường rối đã giới thiệu, quảng bá nét văn hóa của địa phương tới du khách. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã tìm đến làng Rạch để tìm hiểu sâu hơn về môn nghệ thuật này.

Cùng với múa rối, làng Rạch được biết đến là nơi tạc con trò đẹp và có hồn nhất xứ Bắc. Từ trước đến nay, các phường rối ở Thái Bình, Hà Nội đều tìm đến làng Rạch để đặt hàng mua con trò. Với sự phát triển của du lịch, con trò còn được dùng làm quà lưu niệm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

Là một nghệ nhân, cũng là một trong bảy chủ xưởng mộc trong làng, anh Phan Văn Triển chia sẻ, năm 2019, xưởng của gia đình anh xuất đi gần 180 đầu rối diễn và gần 1.000 con rối làm quà lưu niệm. Doanh thu của xưởng đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, xưởng mộc của anh tạo điều kiện cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Việc diễn rối và có thu nhập từ múa rối không chỉ là tín hiệu vui cho người dân làng Rạch mà còn là cơ hội cho du lịch làng nghề của địa phương. Tuy nhiên, múa rối làng Rạch đang đứng trước nguy cơ mai một bởi không có thế hệ kế cận để lưu truyền nghề.

Làng Rạch có gần 1.000 dân nhưng chỉ có khoảng 40 người biết múa rối. Những người này thường ở độ tuổi trung niên hoặc cao niên. Dù ngày nay, nguyên tắc giữ bí truyền và không kết nạp nữ giới của làng đã phá bỏ, thay vào đó, những ai yêu thích, mong muốn học múa rối đều được các nghệ nhân trong làng chỉ dạy nhưng rất ít người thực sự muốn học nghề.

Thanh niên trong làng chỉ khi chưa tìm được việc làm mới vào phường rối. Khi có công việc, thu nhập cao hơn họ lại xin ra khỏi phường rối. Mặt khác, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thu nhập của các phường rối và các xưởng gia công con trò làm đồ lưu niệm sụt giảm.

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục tỉnh Nam Định phối hợp với các phường múa rối làng Rạch thực hiện chương trình đưa nghệ thuật múa rối nước vào học đường. Việc làm này giúp thế hệ trẻ Nam Định ý thức hơn trong việc gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời góp phần nuôi dưỡng nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ, đào tạo thế hệ kế cận cho từng thể loại nghệ thuật và sân khấu truyền thống.

Hiện, tỉnh Nam Định có bốn phường rối ( một phường ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng và ba phường ở làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực). Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tạo điều kiện thuận lợi, cấp phép biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật múa rối nước của tỉnh.

Để bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định chỉ đạo Phòng Văn hóa các huyện, thành phố sưu tầm, kiểm kê tư liệu hóa loại hình di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian đối với hoạt động múa rối, tiến tới xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia, góp phần nâng tầm giá trị nghệ thuật và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong việc gìn giữ, phát triển nghệ thuật múa rối truyền thống tại địa phương./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục