Tin tức - Sự kiện

Năm Du lịch quốc gia đã giúp nâng cao vị thế du lịch Bình Thuận

Cập nhật: 03/01/2024 14:06:19
Số lần đọc: 541
 Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân khẳng định, Năm Du lịch quốc gia năm 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh" là sự kiện rất lớn và ý nghĩa để ngành du lịch phát triển cũng như nâng cao vị thế tỉnh Bình Thuận.

Sáng 3/1, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 với chủ đề "Phát huy vai trò động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 với chủ đề "Phát huy vai trò động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước".

Tại hội nghị, trình bày tham luận "Giải pháp, bài học kinh nghiệm trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế qua việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023, ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2023, Bình Thuận vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh". Đây là sự kiện rất lớn và ý nghĩa để ngành du lịch phát triển cũng như nâng cao vị thế tỉnh nhà.

Qua một năm hoạt động, với nhiều sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục khắp các địa phương trong tỉnh Bình Thuận và trải dài khắp 41 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được đông đảo nhân dân, du khách tích cực tham gia hưởng ứng và tạo không khí vui tươi phấn khởi trong thời gian qua.

Trong đó, có nhiều hoạt động quy mô, đặc sắc, tạo dấu ấn lớn với người dân và du khách đã diễn ra thành công tốt đẹp như: Lễ Công bố Năm du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh" (gắn Lễ hội đếm ngược); Diễu hành Mô tô; Hội thảo quản trị điểm đến du lịch bền vững; Hành trình du lịch xanh; Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương; Tổ chức giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2023, Festival nghệ thuật biểu diễn thế giới...

Năm 2023, Bình Thuận đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt. Lượng khách du lịch đến Bình Thuận tăng bình quân 16,28%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm; khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 19.500 tỷ đồng, tăng bình quân 16,56%/năm. Du lịch Việt Nam ghi nhận ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã lọt vào top các địa phương trong cả nước có doanh thu trên 10.000 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, dự báo trong thời gian tới, bên cạnh một số những thuận lợi, tình hình trong nước và thế giới còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ tới đất nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xanh - sạch - đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ du lịch.

Chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ khách. Duy trì hình ảnh du lịch Bình Thuận là điểm đến an toàn, thân thiện. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước, chú trọng khai thác tốt thị trường mục tiêu gắn với phát triển thị trường mới. Đặc biệt áp dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch theo xu hướng hiện nay. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong những năm đến.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối để thúc đẩy liên kết các vùng trọng điểm phát triển du lịch, các tỉnh, thành trọng điểm trong khu vực như nâng cấp quốc lộ 28B, đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết. Chủ động, tích cực tìm kiếm và huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các trục giao thông chính nối các khu du lịch ở tỉnh; khu dịch vụ Hàm Tiến, kè chắn sóng, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung.

Phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch; phát triển mở rộng địa bàn du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch; phát triển mạnh các ngành, nghề sản xuất, cung ứng thực phẩm phục vụ du lịch; Tăng cường hướng dẫn các cơ sở lưu trú, lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ thực hiện tái đầu tư đổi mới trang thiết bị, nhân lực đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng phục vụ.

Các đại biểu phát biểu tham luận trực tuyến qua điểm cầu các địa phương.

Đồng thời, rà soát, đánh giá chất lượng dịch vụ tại các điểm tham quan; tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, các danh lam thắng cảnh gắn với đầu tư hạ tầng cơ bản để trở thành các điểm du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các làng nghề phục vụ du lịch. Khuyến kích phát triển ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng mang đặc trưng riêng của Bình Thuận.

Giám đốc sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, để phục hồi và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch như khi chưa có dịch bệnh, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam cũng như đến Bình Thuận, Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nắm giữ vai trò điều phối để xây dựng các sản phẩm quảng bá chung theo vùng, có tính riêng biệt, độc đáo hoặc là sản phẩm quảng bá chuyên đề để dùng chung khi đi quảng bá xúc tiến các nước; trên tinh thần các tỉnh đều có những hình ảnh được giới thiệu với bạn bè quốc tế, bên cạnh các sản phẩm quảng bá mang tính chọn lọc, đại diện một số điểm đến như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần có các nghiên cứu, khảo sát chuyên đề về nhu cầu du khách quốc tế của các thị trường trọng điểm ở cấp quốc gia để giúp các địa phương có điều kiện được tiếp cận, sử dụng nguồn tư liệu này cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu của điểm đến phù hợp. Có các chương trình đào tạo nhân lực cấp trung trở lên chuyên sâu về marketing (tiếp thị), kỹ năng chăm sóc khách hàng… chuẩn quốc tế để vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo chuẩn dịch vụ đồng bộ trên cả nước cho thị trường khách quốc tế; vừa giúp các địa phương có nhân sự đào tạo tại chỗ lại cho lao động cấp thấp hơn trong cơ sở lưu trú, trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đồng thời, tăng cường tổ chức, kết nối với các đơn vị lữ hành quốc tế, kết nối giữa lữ hành quốc tế với lữ hành nội địa để tổ chức các đoàn famtrip (một kiểu hình thức du lịch nhằm tìm hiểu, làm quen và tiếp thị) khảo sát, xây dựng tour (chương trình du lịch) đến các địa phương.

Ngoàu ra, đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng có lựa chọn, mang tính chuyên nghiệp trong tổ chức và trong huy động xã hội hoá; Tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trên các kênh truyền thông quốc tế.

Xuân Trường

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 03/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT