Non nước Việt Nam

Nét độc đáo trong trang phục truyền thống dân tộc Lự ở Lai Châu

Cập nhật: 10/05/2024 09:56:44
Số lần đọc: 704
Trang phục truyền thống dân tộc Lự chứa đựng nhiều giá trị văn hoá đặc sắc và là sản phẩm vật chất thể hiện sự khéo léo, thẩm mĩ của người phụ nữ. Đây là một thành tố văn hóa quan trọng tạo nên nét riêng biệt của dân tộc Lự góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa Lai Châu.

Trang phục  truyền thống của người Lự góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Lai Châu

Dân tộc Lự là một trong 15 dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta(có dân số dưới 10.000 người). Người Lự ở Lai Châu có 1.378 hộ, 6.733 người, chiếm 1,49% dân số toàn tỉnh, cư trú tại 2 huyện Tam Đường và Sìn Hồ, sinh sống xen kẽ với các dân tộc Thái, Lào, Khơ Mú…

Người Lự  ở Lai Châu có  nền văn hóa truyền thống độc đáo được lưu  giữ cho đến ngày nay như kiến trúc, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, các lễ hội.... Trong đó có trang phục truyền thống chứa đựng nhiều giá trị văn hoá đặc sắc và là sản phẩm vật chất thể hiện sự khéo léo, thẩm mĩ của người phụ nữ dân tộc Lự. Đây là một thành tố văn hóa quan trọng tạo nên nét riêng biệt của  dân tộc Lự góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Lai Châu.

Người Lự  ở Lai Châu có  nền văn hóa truyền thống độc đáo được lưu  giữ cho đến ngày nay 

Cộng đồng dân tộc Lự, dù dân số chỉ chiếm khoảng 1,52% dân số toàn tỉnh Lai Châu, địa bàn cư trú xen kẽ với làng, bản các dân tộc khác, nhưng bộ trang phục truyền thống của người Lự, đặc biệt là bộ trang phục phụ nữ vẫn giữ được những đặc trưng riêng như một dấu hiệu nhận biết tộc người.

Trang phục của người Lự được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Phụ nữ Lự mặc áo chàm xẻ ngực, được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Váy chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện trong công việc. Váy được thiết kế hai lớp với hoa văn 3 tầng trang trí đẹp mắt để mặc vào những dịp lễ Tết, hội hè.

Trang phục của người phụ nữ Lự thường kết hợp cùng đồ trang sức, khăn đội đầu

Trang phục của người phụ nữ Lự thường kết hợp cùng đồ trang sức, khăn đầu làm tăng thêm vẻ đẹp tuỳ theo lứa tuổi. Các loại trang sức làm từ bạc, nhôm, đồng, hoặc chỉ chàm sặc sỡ. Chiếc khăn đội đầu cũng là vật không thể thiếu của người phụ nữ, được đội nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với những đường viền thêu hoa văn sặc sỡ.

Trang phục nam giới Lự đơn gian hơn, họ thường mặc quần áo nhuộm chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt áo. Trước đây, nam giới Lự đội khăn đen gấp nếp cuốn nhiều vòng, nhưng giờ đây họ ít khi đội khăn. 

Chiếc khăn đội đầu là vật không thể thiếu của người phụ nữ dân tộc Lự

Hiện nay, nghề dệt truyền thống và những bộ trang phục mang bản sắc riêng của người Lự vẫn được đồng bào gìn giữ và phát huy, tạo nên nét đặc trưng riêng so với các tộc người khác trong vùng, là điểm nhấn để địa phương xây dựng thành các sản phẩm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tại các bản du lịch cộng đồng của người Lự.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc tại Lai Châu nói chung, dân tộc Lự nói riêng đang đứng trước những thách thức mai một, biến đổi từ nguyên liệu, quy trình tạo ra trang phục, kiểu dáng trang phục, kỹ thuật thêu cho đến mức độ sử dụng. 

Nghề dệt truyền thống với những bộ trang phục mang bản sắc riêng của người Lự vẫn được đồng bào gìn giữ và phát huy

Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương cần nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Lự tại Lai Châu gắn với phát triển du lịch.

Từ đó xác định trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số có tiềm năng lớn để tạo sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách tại mỗi điểm đến tại các xã, bản có người Lự sinh sống. Gắn việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Phụ nữ Lự ở Lai Châu trong trang phục truyền thống

Bên cạnh đó, cần chú trọng trợ kinh phí tổ chức thực hiện phục dựng và duy trì các giá trị di sản văn hóa dân tộc Lự như trang phục, các nghề thủ công truyền thống, ngữ văn dân gian... để trao truyền cho thế hệ trẻ.

Quan tâm, có chính sách động viên khích lệ các nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản là người dân tộc Lự am hiểu bản sắc văn hóa, nắm giữ và thực hành di sản, tiếp tục phát huy vai trò trong việc truyền dạy, phổ biến và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lự trong cộng đồng.

Nam Hưng

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 10/05/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT