Non nước Việt Nam

Nghề làm giấy bản của người Dao Đỏ

Cập nhật: 28/04/2020 08:16:39
Số lần đọc: 1773
Dân tộc Dao có nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán và nghề truyền thống. Trong đó, nghề làm giấy bản của người Dao Đỏ có từ lâu đời, được lưu giữ và phát triển đến ngày nay.


Người dân xóm Lúng Súng, xã Yên Lạc (Nguyên Bình) thực hiện công đoạn sản xuất giấy bản. Ảnh: Nguyễn Lan

Trong năm, người Dao Đỏ tổ chức nhiều nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng khác nhau nên nhu cầu sử dụng giấy bản là cần thiết. Giấy bản được người Dao dùng trong các dịp lễ, Tết như: cấp sắc, đám tang, đám cưới, lễ cầu an; sử dụng trong việc sao chép sách cổ, sách hát, sách cúng, sách dạy học; dùng để làm tiền vàng (đốt cho người âm, thần linh, ma quỷ)...

Giấy bản được làm từ cây vầu, nứa, mai, trúc non, cọng rơm và vỏ cây dưỡng. Bà Triệu Mùi Coi, xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc (Nguyên Bình) cho biết: Trước kia, hầu như nhà nào cũng làm giấy bản, nhưng hiện nay đa phần các gia đình không làm thường xuyên, chỉ khi nào nhà có đám ma hoặc lễ cấp sắc mới làm nhiều giấy bản đủ dùng cho cuộc lễ kéo dài từ 1 - 7 ngày... Để làm giấy bản, người Dao chọn những cây nứa, vầu non mới dễ làm và chất liệu giấy đảm bảo chất lượng.  

Người Dao chọn những cây nứa, mai hoặc vầu non không bị sâu đục thân đem về chẻ nhỏ, sơ chế làm nguyên liệu, bột giấy tráng và phơi tạo thành sản phẩm giấy bản. Trong các nguyên liệu kể trên thì cây mai là cây nguyên liệu lấy được nhiều bột nhất bởi cây măng mai có thân to và nặng. Chỉ cần chặt vài cây măng non là có mẻ bột giấy đủ dùng trong một năm.

Nếu như cây măng mai cho nhiều bột giấy thì cây măng vầu lại được người Dao Đỏ ưa dùng hơn, giấy làm từ cây măng vầu có chất lượng, bảo đảm độ bền, đẹp. Giấy bản đẹp là những tờ giấy bản vuông vắn, xếp thành từng thếp từ 15 - 20 tờ, rộng 25 x 80 cm; giấy mỏng, có sắc vàng, độ xốp cao, dai, mịn, soi ra ngoài ánh nắng thấy rõ những sợi tơ và có hương thơm của cây rừng.

Rơm là loại nguyên liệu cũng được người Dao Đỏ ưa dùng. Nguồn nguyên liệu từ rơm rất sẵn, cứ đến mùa thu hoạch lúa nương hoặc lúa ruộng, người ta lại sử dụng rơm để làm giấy. Khi thu hoạch, họ cắt lúa thành từng bó rồi đem về đập lấy thóc, sau đó tận dụng cọng rơm làm nguyên liệu giấy. Tuy nhiên, giấy bản làm bằng rơm không bền và màu sắc không đẹp bằng giấy làm từ vầu, nứa. Vì vậy sản phẩm của loại giấy rơm thường dùng làm giấy tiền vàng, giấy đốt vàng mã, giấy viết sớ.

Họ chẻ các thanh vầu, nứa non, dùng dây buộc thành từng bó nhỏ rồi cho vào chảo luộc nhừ. Do vầu, nứa non đều có chất xơ cứng nên muốn luộc nguyên liệu nhanh nhừ, người Dao Đỏ cho thêm các chất xúc tác và chất kết dính để cho bột giấy đạt tiêu chuẩn. Vôi và bột nếp là những chất xúc tác được sử dụng khi sơ chế vầu, nứa non. Sau khi cho từng bó nứa, vầu non vào chảo, người ta đổ nước lã cho sâm sấp mặt, rồi lấy vôi bột rải đều, các bó nứa, vầu sẽ nhanh chín và mềm hơn. Thời gian làm chín và nhừ nguyên liệu khoảng 3 - 4 giờ.

Trong quá trình luộc nguyên liệu, họ đổ thêm nước lã vào chảo để không bị cạn, lửa phải cháy đều thì nguyên liệu mới chín nhừ. Sau đó, họ vớt từng bó nứa, vầu để vào chiếc mẹt, đem rửa sạch và cho vào cối giã thành bột. Tiếp đến, họ vớt bột giấy vào chậu hòa với nước lã với lượng nước và bột giấy ngang nhau, nếu cho nhiều nước quá bột giấy sẽ loãng, cho ít nước bột giấy sẽ đặc.

Dụng cụ để làm giấy của người Dao là chiếc khuôn, khuôn có hình chữ nhật làm bằng cật mai hoặc bằng gỗ. Khi tạo khuôn giấy, phải tạo cho mặt trên (mặt tráng giấy) thẳng và đều nhau, có như vậy, khi xoa trên vải màn bột giấy mới tráng mỏng và đều, chất liệu giấy mới tốt. Chiếc khuôn khi đưa vào tráng giấy được đặt trên 4 cọc cao khoảng 50 - 60 cm phơi nắng cho giấy nhanh khô. Để chuẩn bị làm giấy, họ căng vải đều trên bốn góc của khuôn gỗ.

Sau đó, dùng gáo múc bột giấy dàn đều trên mặt vải màn. Để dàn đều bột, họ dùng đáy của chiếc gáo bầu (làm từ vỏ quả bầu); việc lấy bột giấy để dàn trên mặt khuôn giao cho một người làm mới đều tay. Chỉ khi trời nắng hoặc hanh khô, họ mới sơ chế, chế biến bột giấy và làm giấy. Giấy phơi nắng trong khoảng 2 - 3 tiếng sẽ rất trắng. Giấy bản được bảo quản bằng cách bó thành từng bó, đem cất trên gác bếp hoặc để chỗ cao ráo tránh bị ẩm mốc, khi cần mới lấy ra sử dụng.

Không chỉ tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống cộng đồng, giấy bản đã trở thành sản phẩm hàng hóa, được thị trường đón nhận, nhiều hộ làm giấy bản tại các xóm người Dao có thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng/năm.

Hiện nay, nghề làm giấy bản được lưu truyền chủ yếu cho các thành viên trong gia đình, vì vậy để bảo tồn, phát triển nghề làm giấy bản truyền thống của người Dao Đỏ, chính quyền địa phương cần phát triển nghề truyền thống trở thành làng nghề gắn với phát triển du lịch, tìm kiếm thị trường để sản phẩm có đầu ra ổn định, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT