Tin tức - Sự kiện

Nghị quyết 45/CP năm 1993 của Chính phủ: Đổi mới quản lý và phát triển du lịch trong thời kỳ mở cửa

Cập nhật: 02/07/2021 14:33:31
Số lần đọc: 1139
(TITC) - Trong những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam đang thực hiện mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến phức tạp. Ngay từ thời điểm đó, Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn và định hướng chiến lược, xác định du lịch sẽ là một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngành Du lịch Việt Nam đón những vị khách quốc tế đến qua đường hàng không. Ảnh tư liệu

Nghị quyết 45/CP được Chính phủ ban hành ngày 22/6/1993 là văn bản quan trọng quyết định về những chủ trương, biện pháp đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch theo phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 đề ra. Đây là Đại hội rất quan trọng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (còn gọi là Cương lĩnh 91).

Du lịch có tiềm năng lớn nhưng chưa phát triển tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới

Nghị quyết 45 nhận định du lịch là một ngành kinh tế mang tính chất tổng hợp, có tác dụng góp phần tích cực thực hiện chính sách mở cửa, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo công ăn việc làm, mở rộng giao lưu văn hoá và xã hội... Đồng thời, khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch với điều kiện về thiên nhiên phong phú, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, truyền thống văn hóa lâu đời, độc đáo...

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ rõ do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tính chất và tác dụng nhiều mặt về kinh tế, chính trị, xã hội của hoạt động du lịch, nên công tác quản lý Nhà nước còn bị buông lỏng. Việt Nam chưa có chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong cả nước và từng vùng, từng địa phương.

Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong sự nghiệp phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong ngành du lịch còn thiếu thốn, lạc hậu. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử có giá trị chưa được tu bổ, tôn tạo, khai thác, nội dung du lịch còn nghèo nàn, chất lượng phục vụ kém. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Hiệu quả kinh tế xã hội của hoạt động du lịch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước trong tình hình mới. Có lúc, có nơi đã có những tác động xấu về trật tự và an ninh xã hội.

Đổi mới công tác quản lý, lấy hiệu quả kinh tế-xã hội làm mục tiêu chính cho phát triển du lịch

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, phát huy tiềm năng vốn có để phát triển du lịch tương xứng với yêu cầu trong thời kỳ đất nước mở cửa, Chính phủ nhấn mạnh cần nhất quán một số quan điểm: (1) Phát triển du lịch phải lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm mục tiêu chính; (2) Tính đa ngành của hoạt động du lịch đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các cấp dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Nhà nước; (3) Tạo điều kiện nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo; (4) Đẩy mạnh phát triển du lịch quốc tế, coi đó là một hướng chiến lược, đồng thời chú trọng phát triển du lịch nội địa.

Nghị quyết 45 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 1995 đón tiếp và phục vụ được trên 1 triệu lượt khách quốc tế và đến năm 2000, đón được khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế; tăng doanh thu ngoại tệ tối thiểu gấp 10 lần so với năm 1992.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, quan điểm trên, Chính phủ yêu cầu thực hiện 6 giải pháp chủ yếu.

Về quản lý nhà nước, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách về du lịch để đảm bảo quản lý Nhà nước chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước. Đồng thời, nhanh chóng kiện toàn Tổng cục Du lịch, xúc tiến thành lập các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố là trung tâm du lịch. Sắp xếp lại hệ thống kinh doanh du lịch theo hướng chuyên môn hoá nghề nghiệp du lịch và khách sạn để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Thực hiện đấu thầu hoặc cổ phần hoá một số khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ... nhằm khuyến khích và huy động vốn của các thành phần kinh tế trong nước tham gia hoạt động du lịch.

Về quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch phát triển du lịch trong cả nước và từng vùng, trước tiên là 3 vùng du lịch trọng điểm gồm có: vùng thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu, vùng Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng và vùng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Về đào tạo, bồi dưỡng, cần rà soát nhu cầu, tiến hành đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý bằng nhiều hình thức phù hợp, sớm ứng dụng được kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ và quản lý hiện đại vào ngành du lịch. Củng cố, sắp xếp kiện toàn lại các trường du lịch, đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình, từng bước xây dựng mô hình đào tạo "trường - khách sạn" để gắn quá trình đào tạo với thực hành.

Về phát triển hạ tầng, huy động nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cho ngành du lịch. Tập trung vào xây dựng một số cơ sở hạ tầng, khách sạn lớn ở một số vùng trọng điểm du lịch, hạ tầng đường sá, sân bay, bến cảng và những khách sạn lớn, trang bị hiện đại ở những trung tâm du lịch. Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp những tài sản cố định hiện có của ngành du lịch để phục vụ kinh doanh. Mở rộng, nâng cấp một số sân bay, quốc lộ, trục đường quan trọng trên các tuyến du lịch trọng điểm, đường sắt, cảng biển, cảng sông... Tôn tạo các di tích lịch sử, công trình văn hoá, danh lam thắng cảnh, tạo ra các điểm hấp dẫn khách du lịch. Đưa các loại hình văn hoá, nghệ thuật dân tộc, thể thao truyền thống phục vụ vui chơi giải trí trong du lịch để loại bỏ các tiêu cực tác động vào đời sống kinh tế xã hội.

Về cải tiến các thủ tục xuất, nhập cảnh, quá cảnh, Nghị quyết yêu cầu sửa đổi bổ sung các thủ tục xuất, nhập cảnh, quá cảnh của khách du lịch cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch vào Việt Nam, đồng thời bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Về nghiên cứu thị trường, tuyên truyền quảng bá, cần xúc tiến ký kết các hiệp định hợp tác du lịch với các nước, nhất là các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hợp tác chặt chẽ với các nước có chung biên giới để phát triển tuyến du lịch liên hoàn. Tổ chức việc mở đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước hết chú trọng những nước hiện đang là đầu mối giao lưu quốc tế./.

Xem toàn văn Ngh quyết 45-CP

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT