Non nước Việt Nam

Những nghi lễ dựng nhà mới của người Lô Lô ở Cao Bằng

Cập nhật: 03/03/2020 09:47:59
Số lần đọc: 1059
Do đặc điểm địa hình cư trú, phong tục, tập quán nên nhà sàn của người Lô Lô luôn dựa lưng vào thế đất núi cao. Việc xây, cất nhà của người Lô Lô cũng có nhiều nghi lễ đặc trưng và được thực hiện rất nghiêm ngặt.


Người Lô Lô ở xóm Nà Van, xã Hồng Trị (Bảo Lạc) giới thiệu cách xem hướng nhà của dân tộc mình.

Với người Lô Lô, việc chọn đất làm nhà vô cùng quan trọng với nhiều nghi thức truyền thống, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Trước tiên là việc chọn hướng đất. Đất làm nhà của người Lô Lô được chọn phù hợp để khi mở cửa chính phải quay về hướng Đông. Theo quan niệm, hướng Đông là hướng đón ánh mặt trời, tượng trưng cho sự phát triển. Cửa chính khi mở phải nhìn thẳng vào giữa đồi, núi, kiêng kỵ nhìn vào tảng đá.

Khi chọn đất dựng nhà, chủ nhà phải khấn vái tổ tiên trước khi ra khỏi nhà và mang theo một nắm thóc hoặc ngô. Đến mảnh đất định chọn dựng nhà, sau khi khấn thổ địa khu vực đó, chủ nhà đào một hố có độ sâu khoảng 15 cm. Giữa hố đắp một mô đất nhỏ nện chặt và làm nhẵn như một nền nhà rồi để những hạt ngô, hạt thóc xếp thành hai hàng. Ở giữa đặt một hạt tượng trưng cho các gian nhà rồi lấy chiếc bát úp kín lại và lấy cây cỏ che cẩn thận.

Sau 7 ngày, chủ nhà đến vị trí đào hố và mở bát ra kiểm tra. Nếu thấy các hạt ngô, hạt thóc còn nguyên, không thối, không nảy mầm, không bị kiến tha, không có con vật khác bới ăn; xung quanh hố đào cũng không có ai quấy phá thì miếng đất đó cho là tốt có thể dựng nhà ở. Trường hợp ngược lại thì chủ nhà phải tìm mảnh đất khác.

Khi đã chọn được mảnh đất ưng ý, công việc tiếp theo là đào, san lấp đất hay kè đá để làm nền nhà. Công việc này cũng phải chọn ngày tốt, không trùng với ngày sinh, tháng sinh của các thành viên trong gia đình. Người Lô Lô kiêng không san nền nhà vào những ngày có sấm đầu năm. Trong tháng 3 âm lịch cũng không tiến hành việc dựng nhà hay sửa nhà với lý do tháng này diễn ra lễ cúng cầu mưa, cúng thần làng.

Bên cạnh việc chọn đất thì việc chọn nguyên liệu để làm nhà cũng được đồng bào Lô Lô tuân thủ cẩn trọng theo tập quán truyền thống như ngày chặt cây, chọn cây. Ví dụ, ngày đầu tiên đi chặt cây phải chọn ngày con hổ, con trâu, con chuột (tốt nhất là ngày con hổ) không trùng với ngày con rồng. Đồng bào cho rằng nếu chặt cây vào ngày này, cây sẽ bị mọt hoặc nứt nẻ. Những cây bị gãy ngọn, sét đánh, bị đổ hoặc cây có dây leo, ngọn mọc chia thành hai cành, cây rỗng ruột, sâu đục thân đều không nên lấy để làm cột nhà. Đặc biệt là mỗi cây chỉ chặt lấy một chiếc cột và phải đánh dấu cẩn thận để khi dựng lên không đặt nhầm phần gốc của cột lên trên nóc nhà.

Với sự giúp đỡ của họ hàng, cộng đồng, sau khi dựng xong ngôi nhà mới, chủ nhà tiến hành nghi lễ vào nhà mới, như: Nhóm lửa, đặt bàn thờ, cúng tổ tiên, cảm ơn hàng xóm. Trong ý niệm của người Lô Lô, bếp là không gian luôn được coi trọng của ngôi nhà. Đó không chỉ là nơi nấu nướng, chế biến món ăn mà còn là nơi giữ “lửa” cho gia đình. Bởi lẽ, với những bữa ăn gia đình sum vầy chính là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau.

Từ những ý nghĩa trên mà khi vào nhà mới, việc đầu tiên của họ là nhóm bếp lửa. Sau khi chọn giờ tốt, 4 người đàn ông được gia chủ chọn thường là những người hàng xóm còn đủ vợ chồng, có con trai, con gái, không chịu tang, gia đình hòa thuận. Mỗi người sẽ cầm một bó đuốc sáng trên tay từ cửa chính đi vào. Khi đến khu vực bếp, họ cùng nhóm lửa vào đống củi và cùng nhau khấn, cầu mong thổ công phù hộ cho các thành viên trong ngôi nhà mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, được mọi người yêu quý.
Khi ngọn lửa trong bếp bùng cháy to và đều, một phụ nữ (thường là bà cô của chủ nhà), cũng là người còn đủ cả vợ chồng, gia đình, con cái hòa thuận, kinh tế khá giả mang một bó thóc và một ống nước từ cửa chính đi vào. Đến vị trí đặt bàn thờ, bà cô đặt ống nước xuống dựa vào đó rồi đem bó lúa cài lên xà nhà phía trên bàn thờ. Tiếp đó, thầy Tào sẽ mang bàn thờ cùng một số người mang chiếu, bát hương, cây mía vào trang trí bàn thờ. Đi sau họ là những người mang theo đồ đạc, hàng xóm mang theo rượu đến chúc mừng gia chủ.

Sau khi đã đặt xong bàn thờ, thầy Tào bày lễ vào đó rồi bắt đầu nghi thức cúng. Kết thúc lễ cúng, gia chủ mời họ hàng, làng xóm cùng dự bữa cơm vui vẻ, đầm ấm. Mọi người cùng chúc cho gia đình có cuộc sống phát đạt, làm ăn thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Trong ba ngày đầu tiên vào nhà mới, người Lô Lô kiêng kỵ không cho ngọn đèn trên bàn thờ tắt và không cho ai mượn tiền hoặc của cải trong nhà.

Những nghi thức liên quan đến dựng nhà mới của người Lô Lô tuy khá đơn giản nhưng đều được người Lô Lô tuân thủ nghiêm ngặt. Thông qua các nghi lễ ẩn chứa bên trong nhiều phong tục, tập quán được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tuy nhiên hiện nay, nhà của người Lô Lô không còn là những ngôi nhà sàn truyền thống mà có xu hướng theo kiến trúc của người Kinh, do đó, các nghi lễ dựng nhà mới cũng đang bị mai một dần ở các xóm, làng trong cộng đồng người Lô Lô ở Cao Bằng.

Việc phục dựng lại các nghi lễ này rất cần thiết bởi không chỉ là dịp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội để đồng bào Lô Lô sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đoàn kết, gắn bó với nhau, gìn giữ nét đẹp nhà sàn và các nghi lễ dựng nhà truyền thống của dân tộc./.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT