Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 20/12/2019 08:16:22
Số lần đọc: 1248
Du lịch nông nghiệp, nông thôn tuy mới hình thành trong khoảng hơn chục năm trở lại đây nhưng đã mang lại lợi ích không nhỏ cho các hộ dân ở một số làng quê… Đây là loại hình du lịch đem đến sự trải nghiệm và những ấn tượng tốt đối với du khách trong và ngoài nước.

Du khách thăm khu du lịch Vân Long (Gia Vân, Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

 

Loại hình du lịch nông thôn cũng đã xuất hiện khá sớm ở Ninh Bình. Ngay từ năm 2005 một số hộ dân xã Gia Vân (Gia Viễn) đã kết hợp với Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại Vân Long.

Theo đó, bên cạnh các nghề sản xuất chính là trồng lúa nước, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân nơi đây còn làm thêm nghề phụ cung cấp dịch vụ du lịch, từ tổ chức đón tiếp đến giới thiệu, quảng bá các giá trị thiên nhiên, văn hoá đặc sắc của địa phương đến du khách. Du khách được trải nghiệm các tour “Du khảo đồng quê” và hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” với tính đa dạng và hấp dẫn của các hoạt động.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo dạng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê hoạt động hiệu quả đã được cấp phép hoạt động như: ở thành phố Ninh Bình 4 cơ sở, Hoa Lư 17 cơ sở, Gia Viễn 8 cơ sở, Yên Mô 1 cơ sở…

Các mô hình kinh doanh homestay này bước đầu đã tạo được ấn tượng và sự trải nghiệm của khách du lịch. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 990 trang trại, gia trại, trong đó có 88 trang trại tổng hợp với diện tích đất bình quân 4,5ha/trang trại. Với số lượng lớn các gia trại, trang trại cùng với tiềm năng phát triển du lịch sẵn có, các vùng nguyên liệu dứa của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, vùng trồng hoa Ninh Phúc… nếu xây dựng các mô hình kết hợp sẽ là cơ hội lớn để phát triển du lịch nông thôn, trên cơ sở đó nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà.

Thực tế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tỉnh Ninh Bình thời gian qua cho thấy còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Số lượng khách du lịch tham gia các chương trình du lịch nông thôn còn hạn chế. Đối với khách du lịch trong nước, tỷ lệ tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn còn thấp. Phần lớn khách du lịch nội địa chủ yếu là học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu. Khách quốc tế đến Ninh Bình hàng năm chủ yếu tham gia vào các chương trình du lịch tham quan ở các khu, điểm du lịch, tìm hiểu văn hóa.

Do vậy nhiều xã, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có tiềm năng và ưu thế về du lịch nông thôn nhưng mức độ thu hút khách hiện vẫn còn thấp. Tuy đã có nhiều địa phương, nhiều công ty du lịch xây dựng một số chương trình, tuyến du lịch nông thôn song quy mô và hình thức còn đơn điệu, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa rõ.

Mặt khác, việc đào tạo nghiệp vụ cho cấp quản lý từ tỉnh đến địa phương, cộng đồng dân cư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; trong khi đó, để du lịch nông thôn phát triển thực sự cần sự tham gia tích cực từ chính cộng đồng tại địa phương với cơ sở hạ tầng nhất là các cơ sở lưu trú cho khách chưa có hoặc chưa đạt chuẩn.

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu “Phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước” đặc biệt là quan tâm phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào một số vấn đề: Quy hoạch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tại các địa phương cần tránh việc tổ chức dàn trải, chồng chéo, sản phẩm trùng lặp ở các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.

Ninh Bình là địa phương có nhiều sản vật gắn với nông nghiệp và đời sống nông thôn, cần khéo léo khai thác các yếu tố này, vừa giúp cho du khách hiểu các đặc trưng văn hóa, sinh hoạt, ẩm thực, nghề thủ công của người nông dân Ninh Bình, vừa tăng nguồn thu cho du lịch từ việc mua sắm của khách.

Quan tâm phát triển các sản phẩm thủ công của địa phương làm quà tặng cho du khách. Tiếp tục đầu tư các hạng mục phát triển hạ tầng giao thông tạo sự thuận tiện cho du khách di chuyển đến các địa phương tham quan; cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn sạch sẽ, tránh tình trạng rác thải, chất ô nhiễm trên mương, sông, kênh.

Du lịch nông thôn đòi hỏi sự tương tác và tham gia của người nông dân địa phương rất cao và sự cần thiết phải đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên địa phương, những người có thể chuyển tải hết nét đẹp của thiên nhiên, văn hóa, con người của địa phương cho du khách.

Khai thác có hiệu quả hệ thống homestay đã được các cấp phép hoạt động trên các địa bàn các địa phương đặc biệt là các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho du lịch nông thôn bằng nhiều phương thức khác nhau, thông qua báo chí, truyền thông, kênh truyền hình, website, các trang mạng xã hội, hội chợ du lịch…

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục