Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch

Cập nhật: 11/07/2019 10:05:37
Số lần đọc: 846
Gần 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy được ban hành, đặc biệt là khi UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (tháng 6/2014), hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với ngành du lịch Ninh Bình là cần có nguồn nhân lực (cả người quản lý lẫn hoạt động dịch vụ) có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.


Lớp tập huấn nghiệp vụ do Sở Du lịch tổ chức. Ảnh: Anh Tuấn

Chị Hà Thị Hoa, xã Trường Yên (Hoa Lư) đang làm việc ở tổ chèo đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An và anh Ngô Tiến An, xã Gia Sinh (Gia Viễn) đang làm việc ở tổ lái xe điện tại Khu du lịch văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính có tên trong danh sách đi dự lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch vào tháng 6/2019. Được biết, đó là 2 trong 150 lao động mới được tuyển dụng vào làm, nên họ được Doanh nghiệp Xuân Trường gửi đi bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Du lịch tổ chức.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Vinh, Khoa Du lịch (Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội) – giảng viên trực tiếp tập huấn lớp nghiệp du lịch này cho hay: Đối tượng của các lớp tập huấn là những người dân địa phương hầu hết là nông dân – những người đã, đang và sẽ tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch tại địa phương.

Vì vậy, giáo trình biên soạn đòi hỏi dễ hiểu, đến khi truyền đạt lồng ghép kiến thức nghiệp vụ, gắn với những việc làm thường nhật của họ. Cùng với việc giới thiệu tổng quan về du lịch Ninh Bình, của Việt Nam, giảng viên còn truyền đạt kỹ năng đón tiếp khách, giao tiếp và ứng xử trong quá trình phục vụ; nắm bắt được tâm lý, phong tục tập quán của khách du lịch Việt Nam và khách quốc tế; kiến thức tiếng Anh trong giao tiếp thông dụng nhất.

Mỗi lớp học hướng tới mục tiêu tăng thêm sự gắn kết để mỗi người dân là một nhà làm du lịch, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản của nhân loại trên mảnh đất quê hương. Sau lớp tập huấn, người lao động phần nào phát huy được kiến thức để áp dụng vào thực tiễn, tạo môi trường du lịch văn minh, văn hóa, an toàn tại vùng di sản, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh: Chỉ tính số lao động làm việc ở 577 cơ sở lưu trú là gần 3.500 lao động. Đây là nhóm đối tượng có chuyên môn, nghiệp vụ du lịch khá hơn so với lao động chèo đò hoặc lái xe điện...

Tuy nhiên, vẫn còn tới 40% số lao động này chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Vẫn có cơ sở sau khi tuyển dụng lao động chỉ đào tạo ngắn hạn, dưới hình thức “người biết dạy người chưa biết” nên chất lượng lao động còn hạn chế, dịch vụ du lịch còn kém, chưa đáp ứng yêu cầu khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Với tính chất “cầm tay, chỉ việc”, nên ở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch đều trải qua phần lý thuyết và thực hành. Các học viên và giảng viên sẽ trực tiếp làm sáng tỏ những vấn đề liên quan, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực hành tại nơi làm việc thường gặp.

Thông qua các lớp tập huấn, các văn bản, quy định của Nhà nước về phát triển du lịch, như Luật Du lịch, Luật Di sản.., đều được lồng ghép. Theo chị Hoàng Thị Hường, Ban quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An: Thời gian qua, lượng khách du lịch tăng đột biến dễ gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn và phá vỡ cảnh quan của di sản. Nắm bắt được tình hình đó, Ban quản lý tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ: an toàn thủy nội địa, cháy nổ, du lịch...

Mỗi lao động đang làm việc tại Khu du lịch sinh thái Tràng An đều được qua các lớp tập huấn và có điều kiện “cần và đủ” mới được hành nghề. Việc xây dựng hệ thống các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, cần một lượng lớn những người làm việc trong ngành.

Theo thống kê, ngành du lịch hiện có khoảng 20 nghìn lao động, tăng trên 10 nghìn lao động so với năm 2009. Bình quân mỗi năm có khoảng 1.000 lao động đầu quân cho ngành du lịch. Công việc cần nhiều lao động gồm trên 3.000 lái đò ở các khu Tam Cốc – Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu sinh thái Vân Long (Gia Viễn) và gần 2.000 lái xe điện, bảo vệ, người bán hàng tại khu du lịch văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính và các khu, điểm du lịch khác nữa...

Được biết, khoảng 4 năm nay, hàng năm, tại Bến thuyền Tràng An có các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lao động tại địa bàn. Điều này nói lên nhu cầu ngày càng cao trong việc khai thác, vận hành du lịch của cả phía các nhà quản lý cũng như cộng đồng dân cư trước yêu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch, hướng tới phát triển ngành du lịch văn minh, bền vững.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục