Hoạt động của ngành

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Du lịch Việt Nam đang chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cập nhật: 18/11/2020 13:38:04
Số lần đọc: 882
(TITC) – Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, ngành du lịch Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp chủ động tiếp cận, tham gia làn sóng công nghệ mới này. Trung tâm Thông tin du lịch đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về vấn đề này.

Trung tâm Thông tin du lịch: Hiện nay cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang lan tỏa mạnh mẽ, tác động tới hầu hết mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết Tổng cục Du lịch đã có những bước đi nào để tiếp cận làn sóng cách mạng công nghệ này?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc (Ảnh: TITC)

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Trong bối cảnh CMCN 4.0, phát triển du lịch số, du lịch thông minh đang là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về việc chủ động tiếp cận và tham gia CMCN 4.0, trong đó đều nêu rõ giải pháp ưu tiên phát triển du lịch thông minh, du lịch số. Riêng đối với du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018.

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta, du lịch đang là một trong những ngành được giao nhiệm vụ đi tiên phong trong việc chuyển đổi số, chủ động tiếp cận và tham gia cuộc CMCN 4.0.

Chúng tôi cho rằng đây là thời gian chuyển đổi rất quan trọng để chuẩn bị cho việc tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong tiến trình chuyển đổi số, kể cả về tư duy, nhận thức, hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn lực, trình độ nhân lực..., thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào việc tạo dựng nền tảng cho việc chuyển đổi số trong ngành thông qua những hoạt động chủ yếu sau:

(i) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch.

(ii) Phối hợp với các bên liên quan phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở và các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang triển khai Đề án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch với phần mềm điều hành thông minh, tích hợp các cơ sở dữ liệu, các dịch vụ công...; Triển khai xây dựng Nền tảng ứng dụng Du lịch thông minh quốc gia; Triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh VTV travel và Tổng đài Du lịch Việt Nam 1039; Phối hợp với Tổng Công ty viễn thông Mobifone phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên cơ sở khai thác những tính năng công nghệ mới mang đặc trưng của CMCN 4.0 bao gồm: hướng dẫn viên du lịch ảo, hỗ trợ du khách tham quan, tiếp cận dịch vụ du lịch phù hợp nhu cầu, an toàn, tin cậy; tăng tính trải nghiệm của du khách tại điểm đến nhằm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của Tổng cục Du lịch và phát triển du lịch thông minh trên toàn quốc.

(iii) Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch để ươm mầm cho những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá trong ngành.

(iv) Hỗ trợ, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch.

Chuyển đổi số, du lịch thông minh mang lại nhiều cơ hội, tiện ích cho du khách (Ảnh minh họa: nguồn Internet)

Các địa phương, doanh nghiệp cũng ngày càng chú trọng tới hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển du lịch và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tiêu biểu là các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đã nhanh chóng xây dựng cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh, hiện đại, cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho du khách, vừa công khai chất lượng và thông tin về dịch vụ mà các cơ sở dịch vụ và điểm đến du lịch cung cấp, tạo nên tính khách quan, đa chiều trong hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong du lịch. Đồng thời, xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều mô hình, ứng dụng thông minh, trong đó có những công nghệ tiên tiến hàng đầu khu vực và trên thế giới.

Trung tâm Thông tin du lịch: Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển đồng bộ Hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với Hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh. Theo ông cần có những định hướng giải pháp gì để thực hiện mục tiêu này?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Phát triển du lịch thông minh cần có một hệ sinh thái gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước trên nền tảng số hiện đại. Đây là một quá trình chuyển đổi tư duy, cách thức hoạt động của ngành du lịch, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ và nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Có rất nhiều việc phải làm theo lộ trình, có những giải pháp trước mắt và lâu dài cho quá trình chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, trong đó cần tập trung vào một số định hướng giải pháp chính sau:

Thứ nhất, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng về chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam, khẳng định đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh CMCN 4.0.

Thứ hai, chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển đổi số, tập trung vào xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số du lịch quốc gia và các nền tảng kết nối liên thông các chủ thể trong ngành du lịch, làm cơ sở cho việc hình thành hệ sinh thái số về du lịch. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang tập trung triển khai 2 giải pháp quan trọng này và chúng tôi mong rằng các địa phương, doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia vào quá trình này để đạt hiệu quả tốt nhất.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết, hợp tác trong ngành du lịch. Đây là yếu tố rất quan trọng trong phát triển du lịch - một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác với các đối tác công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và công nghệ mới. Tổng cục Du lịch đã và đang triển khai mở rộng hợp tác với các tập đoàn công nghệ trong nước và các đối tác quốc tế lớn như Google, các tập đoàn viễn thông như Mobifone, VNPT... với những đề án hợp tác rất cụ thể để đẩy mạnh phát triển du lịch trên nền tảng số.

Thứ tư, triển khai nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm du lịch thông minh chủ lực trên cơ sở ứng dụng những công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn dạng số hóa (Big data), Internet vạn vật (IoT)..., thí điểm tại một số địa bàn đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng công nghệ.

Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thông minh. Tiếp tục tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch: Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Trong bối cảnh vẫn phải phòng chống dịch, Tổng cục Du lịch có giải pháp công nghệ gì để góp phần bảo đảm yếu tố an toàn cho du khách?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: An toàn và Hấp dẫn là 2 yếu tố then chốt của chương trình kích cầu du lịch giai đoạn này. Trong đó, an toàn là điều kiện tiên quyết để du khách ra quyết định đi du lịch và lựa chọn điểm đến.

Phát huy những lợi ích vượt trội của công nghệ số, Tổng cục Du lịch đã chủ trì xây dựng “Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn” và cho ra mắt vào ngày 10/10/2020. Với ứng dụng này, du khách có thể tìm kiếm thông tin về các điểm đến an toàn, đồng thời tương tác với đơn vị cung ứng dịch vụ, đưa ra đánh giá, phản hồi, giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời.

Chúng tôi khuyến khích các điểm đến, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch cài đặt và sử dụng ứng dụng này để góp phần bảo đảm an toàn và nâng cao trải nghiệm cho du khách trong hành trình du lịch.

Ngày 30/10/2020 vừa qua, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Lễ ký kết “Quy chế phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch”. Đây là lần đầu tiên hai bên có quy chế phối hợp để xử lý những hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi du khách trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, cụ thể ở đây là thông qua ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn.

Chúng tôi tin sự gắn kết hợp tác giữa hai cơ quan sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam.

Trung tâm Thông tin du lịch: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục