Hành trang lữ khách

Qua đèo Ngang ghé Hoành Sơn quan

Cập nhật: 02/05/2024 14:37:17
Số lần đọc: 585
Dừng chân giữa đèo Ngang ở ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, khách thập phương không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm nhìn trời đất bao la mà còn có dịp tiếp cận một công trình kiến trúc cổ kính, có giá trị lịch sử là “Cổng trời” Hoành Sơn quan.


Cách TP Hà Tĩnh 85 km về phía nam, đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, dài 6 km, vắt qua dãy núi Hoành Sơn. Trên đỉnh đèo sừng sững một hệ thống tường thành bao quanh cánh cổng đá cao hơn 4 m, trên bề mặt đắp nổi ba chữ Hán: “Hoành Sơn quan”.

Theo sử sách ghi lại, năm 1833, Vua Minh Mạng cho xây dựng cửa ải Hoành Sơn nhằm kiểm soát phương tiện và con người qua đèo. Công trình được xây dựng trong một tháng, gồm hàng nghìn bậc đá. Ngày nay, từ Hoành Sơn quan, phóng tầm mắt ra hướng bắc là vùng đất thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với những xóm làng, đồng ruộng mênh mông. Nhìn về hướng nam là địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với non xanh nước biếc, những ngày quang đãng còn có thể thấy thấp thoáng Hòn La giữa biển khơi.

Xưa kia, Hoành Sơn quan đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân, vẻ đẹp thơ mộng và khoáng đạt nơi đây cũng trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn nhân. Chẳng hạn như Bà huyện Thanh Quan với bài “Qua Đèo Ngang” nổi tiếng với hai câu thơ đầy cảm xúc: “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước/Một mảnh tình riêng ta với ta”. Giờ đây, khi hầu hết phương tiện giao thông mỗi khi qua đây đều chọn di chuyển bằng đường hầm thì Hoành Sơn quan vẫn là một địa danh thu hút những ai yêu thích khám phá, tìm hiểu. Ai từng trải nghiệm, thưởng ngoạn cung đường đèo hùng vĩ và bước lên những bậc thềm rêu phong ở Hoành Sơn sẽ thấy thời gian như ngưng đọng lại ở nơi liền đầu núi, kề biển cả. Giữa cuộc sống hiện đại hối hả, non nước Hoành Sơn vang vọng tiếng gió reo, tiếng sóng vỗ và chứa đựng bao câu chuyện thú vị về lịch sử thăng trầm của nước nhà.

Ngót hai thế kỷ trôi qua, Hoành Sơn quan chỉ còn lại một phần di tích xưa, song dấu ấn kiến trúc thành lũy vẫn khá nổi bật, thu hút du khách trên con đường thiên lý bắc nam. Gần địa danh này còn có một số công trình, điểm đến khác thuận tiện để khách tham quan, trải nghiệm như Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, làng chài Cảnh Dương, Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến.

Bài và ảnh: Lương Hiền

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 27/04/2024

Cùng chuyên mục