Tin tức - Sự kiện

Tết Độc lập

Cập nhật: 02/09/2020 08:18:10
Số lần đọc: 708
Tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các bạn bè và đối tác quốc tế, khi xuân sang, người dân Việt Nam có “Tết Dân tộc” và khi tiết trời vào thu, người dân Việt Nam có “Tết Độc lập” - ngày 2/9, mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc.

Trong buổi lễ trang trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xúc động nhắc lại, tiếng hô vang Lời thề Độc lập trong ngày lập nước đã kết nối muôn con tim người dân đất Việt đoàn kết cùng nhau, chung sức, đồng lòng giương cao Cờ đỏ sao vàng tiến lên trong quá trình cách mạng, vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân. Đó vốn là những quyền đương nhiên của mỗi dân tộc, nhưng người dân nước Việt đã phải trải qua biết bao hy sinh, gian khổ mới giành được và trong tâm luôn khắc ghi chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thu lịch sử ấy và sau gần 35 năm tiến hành công cuộc Đổi Mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế.

Năm 2020 là một năm đặc biệt, bởi đại dịch COVID-19 không chỉ là một khủng hoảng về y tế, mà đang làm đảo lộn tình hình thế giới với những thiệt hại to lớn về sức khỏe, sinh mạng con người; làm suy giảm nghiêm trọng về kinh tế, thương mại, đầu tư; gây bất ổn trong đời sống chính trị, xã hội và tác động mạnh đến các quan hệ quốc tế trên toàn cầu.

Việt Nam có độ mở lớn về kinh tế và giao lưu thương mại, đang chịu những thiệt hại lớn từ đại dịch. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy ý chí, tinh thần dân tộc, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, sáng tạo, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Cho đến nay, Việt Nam đã và đang kiềm chế, kiểm soát được dịch COVID-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, GDP 6 tháng 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2%. Cán cân thương mại thặng dư gần 11 tỷ USD. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Theo xếp hạng sức khoẻ tài chính của tạp chí The Economist tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm An toàn trong bối cảnh đại dịch.

Việt Nam cũng đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN-AIPA41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 1/2020…, đồng thời phối hợp quốc tế, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho 40 quốc gia, tổ chức quốc tế, chung tay cùng với các nước phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, Việt Nam gia tăng liên kết, hội nhập quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; đã ký kết, triển khai nhiều hiệp định thương mại - đầu tư quan trọng như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); tích cực đóng góp triển khai hiệu quả các cam kết của các FTA đã ký kết.

Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới, chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI: Phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; là tâm huyết, trí tuệ và niềm tin, là "ý Đảng, lòng Dân" hoà quyện cùng mong muốn, khát vọng và ý chí vươn tới một tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân tộc.

Đồng thời, chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Phát huy thành tựu to lớn trong 75 năm thành lập nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục chung sức đồng lòng, đoàn kết phấn đấu xây dựng phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng nước Việt Nam ta phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng./.

Nguồn: baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT