Non nước Việt Nam

Thái Nguyên: Nét đẹp cụm di tích đình-chùa Úc Sơn

Cập nhật: 29/10/2021 05:43:42
Số lần đọc: 920
Cùng với các di tích đình Phương Độ, đình Xuân La (xã Xuân Phương), đình Hộ Lệnh (xã Điềm Thụy), đình, đền, chùa Cầu Muối (xã Tân Thành), cụm di tích đình, chùa Úc Sơn (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình) là những công trình kiến trúc nghệ thuật lịch sử thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu về giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.  


Chùa Úc Sơn lưu giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc thời Lê - Nguyễn.

Cụm di tích đình, chùa Úc Sơn nằm giữa làng Úc Sơn, nay là tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn. Chùa tọa lạc trên đồi cao, phía trước chùa khoảng 100m là Đình. Đình được xây dựng trên khu đất bằng phẳng có nhiều cây cổ thụ bao quanh tỏa bóng mát. Làng Úc Sơn từ xưa đã nổi tiếng là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, tiêu biểu như Đội Giá- người con của làng là một trong những người chỉ huy khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên năm 1917.

Chùa Úc Sơn là một trong số ít các ngôi chùa cổ còn giữ được quy mô kiến trúc độc đáo đồ sộ nhất huyện Phú Bình. Chùa được xây dựng từ năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707), trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, các cuộc chiến tranh đến nay chùa vẫn giữ khá nguyên vẹn kiến trúc truyền thống. Bình đồ kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, hệ thống cột bằng đá xanh được người dân đục đẽo, gọt công phu, mỗi cột cao 1,6m, chu vi 90cm; các vì kèo làm bằng gỗ lim theo lối “kẻ chuyền giá chiêng”.

Hiện nay, trong chùa Úc Sơn còn lưu giữ được 16 cột đá, trong đó có 2 cột ở gian tiền đường nối với thượng điện được khắc chìm chữ Hán ghi tên những người công đức tu tạo chùa và ghi niên hiệu “Hoàng triều Bảo Thái cửu niên thập nhị nguyệt cốc nhật” (1728). Một cây hương đá có niên đại “Vĩnh Thịnh thứ 3” (năm 1707). Một bia đá Hậu Phật Bi Ký khắc chữ hán hai mặt. Có lẽ chùa Úc Sơn là nơi còn lưu giữ được nhiều cột đá cổ kính nhất trong kiến trúc các chùa ở Thái Nguyên.

Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 9 bát hương cổ thời Lê, những di vật quý không phải chùa nổi tiếng nào cũng có và hệ thống tượng phật khá phong phú với 23 bức tượng làm bằng đất sét luyện kỹ sơn son thếp vàng và nhiều đồ thờ khác độc đáo.

Đối với Đình Úc Sơn trước đây được xây dựng khá khang trang gồm có nghi môn, tiền tế, tòa đại đình, hai dãy nhà tả vu, hữu vu. Hiện nay chỉ còn tòa đại đình còn khá nguyên vẹn, các hạng mục kiến trúc khác đã bị phá hủy trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến chống Pháp năm 1947. Kiến trúc ngôi đình làm bằng gỗ và nhiều mảng chạm khắc nghệ thuật với đề tài tứ linh, tứ quý của thời Nguyễn. Dựa vào các hiện vật hiện có trong đình, đặc biệt là chiếc bia đá “Hậu thần bi ký” có niên hiệu Hoàng triều Cảnh Thịnh lục niên (1798) có thể thấy thời gian xây dựng ngôi đình từ những năm đầu thế kỷ XVIII (trước năm có bia). Đình là nơi thờ thành hoàng làng Dương Tự Minh, thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa. Đình Úc Sơn không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân mà còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đình là nơi đóng quân và làm việc của một số cơ quan, đơn vị bộ đội như quân khí, quân nhu, xưởng sản xuất ống tiêm, tiểu đoàn Thiên Đức…

Cụm di tích đình, chùa Úc Sơn hiện vẫn giữ được khá nguyên vẹn những kiến trúc cổ thời Lê, với những điêu khắc đá, gỗ chứa đựng những nét độc đáo quý hiếm có giá trị lịch sử mang phong cách nghệ thuật qua các triều Lê-Nguyễn. Tuy nhiên, cụm di tích đình, chùa Úc Sơn hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là ngôi chùa.

Hiện nhiều hạng mục của chùa xuống cấp nghiêm trọng.

Trao đổi cùng chúng tôi, thầy Thích Thánh Nghĩa phụ trách cụm đình chùa cho biết: Mặc dù cụm di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, song việc đầu tư tôn tạo nhiều năm nay không có. Hiện nay nhà mẫu đã bị sập, cổng tam quan đang xuống cấp trầm trọng phải dùng các cây để buộc chống đổ. Nhà chính điện có rất nhiều tổ mối xông đùn những đống đất to lên; phần mái nhiều chỗ bị dột, vì kèo bị mối mọt nhiều… nguy cơ đổ bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi thời tiết mưa to, gió bão.

Tháng 8/2020, nhà chùa đã làm đơn gửi chính quyền địa phương xin phép được tu bổ nhưng đến nay chưa có hồi âm. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi cũng như các phật tử là được các cấp chính quyền, ngành chức năng xem xét, đồng ý để sớm đầu tư, tôn tạo để cụm đình, chùa phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này./.

Hằng Nga

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT