Tin tức - Sự kiện

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Ngành du lịch đang nỗ lực triển khai các giải pháp đẩy mạnh thị trường nội địa và sẵn sàng phương án đón khách quốc tế

Cập nhật: 03/04/2021 18:10:55
Số lần đọc: 765
(TITC)- Buổi Tọa đàm “Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ” diễn ra chiều ngày 3/4/2021 tại Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn đã thu hút sự tham gia đóng góp rất nhiều ý kiến của đại biểu tham dự, cho thấy sự quan tâm rất lớn của các địa phương, doanh nghiệp trong tìm giải pháp phục hồi ngành du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại tọa đàm (ảnh: BTC)

Tại tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã trao đổi, cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu về tình hình phát triển du lịch Việt Nam trước khi bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như các giải pháp của ngành nhằm ứng phó và phục hồi du lịch.

Tổng cục trưởng cho biết ngày 16/5/2020, sau khi cả nước kết thúc giãn cách xã hội đợt 1, cũng tại FLC Sầm Sơn, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị Thời điểm vàng khám phá du lịch Việt để thúc đẩy hoạt động du lịch trong nước. Sau hội nghị đó, chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã thu hút được lượng khách du lịch lớn. Tổng cục trưởng mong buổi tọa đàm này cũng tạo nên điểm nhấn, cú hích để du lịch Việt Nam phục hồi, tăng trưởng lại trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng cũng chia sẻ một số thông tin liên quan đến tình hình phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua. Giai đoạn 2015 - 2019, du lịch đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo đó, khách du lịch quốc tế tăng 22,7% một năm, đứng thứ 6 trong top 10 nước tăng trưởng khách du lịch quốc tế nhanh nhất thế giới. Lượng khách trong nước tăng 1,5 lần từ 58 triệu lượt vào năm 2015 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Mục tiêu của năm 2020 nếu không có dịch Covid là phấn đấu đón được trên 20 triệu lượt khách quốc tế, 90 - 95 triệu lượt khách nội địa. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp 9,2% GDP và mong muốn đóng góp từ 10% trở lên vào năm 2020 để đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với những thành tựu đạt được, du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức uy tín trên thế giới. Tiêu biểu là những danh hiệu Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng thế giới World Travel Awards trao tặng. Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực và trên thế giới trong con mắt bạn bè quốc tế.

Tổng cục trưởng cũng cho biết, một trong những yếu tố hấp dẫn du khách quốc tế đến Việt Nam là ẩm thực. Sự độc đáo và hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam đã giúp du lịch Việt Nam vinh dự nhận được danh hiệu Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á 2 năm liền 2019-2020. Thông qua việc đi du lịch, du khách được trải nghiệm ẩm thực độc đáo, hấp dẫn ngay tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí. Trong thời gian vừa qua, yếu tố ẩm thực được các cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt là các cơ sở cao cấp rất quan tâm đưa những món ăn truyền thống, món ngon đến khách du lịch.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phục vụ khách ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. Đến nay, ngành du lịch có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 650.000 buồng, trong đó đã hình thành nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Trong lĩnh vực dịch vụ vui chơi giải trí với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như SunGroup, VinGroup, FLC… đã hình thành nhiều tổ hợp vui chơi giải trí trọn gói đẳng cấp. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở lưu trú đã hoàn thiện thêm hệ sinh thái với các khu điểm vui chơi giải trí đa dạng, hấp dẫn, phục vụ cho nhiều du khách một lúc.

Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch (ảnh: BTC)

Chia sẻ về hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết trong năm 2020, sau những đợt kiểm soát được dịch bệnh, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã phát động 2 đợt kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”. Cùng với đó đã đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua tổ chức các sự kiện, gặp gỡ báo chí, tọa đàm. Thông qua truyền thông đã thu hút sự đồng lòng tham gia của các ban ngành cũng như các cơ quan truyền thông. Sự đồng hành, sát cánh của các cơ quan truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong các chiến dịch marketing.

Theo ông Đinh Ngọc Đức, có 3 yếu tố tạo nên chiến dịch marketing thành công. Thứ nhất là thông điệp, nội dung phù hợp. Thứ hai là sự điều phối, thu hút sự tham gia của các bên như cơ quan nhà nước, truyền thông, doanh nghiệp... để thu hút du khách. Thứ ba là phải khẳng định điểm đến an toàn, sản phẩm hấp dẫn.

Liên quan đến việc chuẩn bị phương án đón khách quốc tế, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết ngày 23/3, Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh. Trên thực tế, ngay khi dịch bệnh vẫn đang diễn ra, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL vẫn chủ động chuẩn bị phương án đón khách du lịch quốc tế, duy trì các hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch dưới hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh cạnh tranh ở khu vực, việc đề xuất phương án đón khách du lịch quốc tế không chỉ phát triển kinh tế địa phương mà nâng cao sức cạnh tranh điểm đến.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (ảnh: BTC)

Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu triển khai một cách thận trọng, thí điểm từng bước, trên cơ sở xem xét áp dụng hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương. Cần ứng dụng công nghệ để có nền tảng số hiển thị chứng chỉ tiêm chủng. Đồng thời, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế. Việc mở cửa đón khách quốc tế không chỉ phát triển du lịch mà còn góp phần thúc đẩy giao thương.

Buổi tọa đàm đã thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hãng hàng không… Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng sự tham dự tọa đàm của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và các Vụ trưởng của Tổng cục Du lịch cho thấy sự quan tâm rất lớn của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch trong việc kích cầu du lịch, phát triển ngành du lịch. Ông đề nghị các địa phương cần chủ động tổ chức các chương trình tọa đàm thu hút sự tham gia của lãnh đạo ngành du lịch, các doanh nghiệp, cơ quan báo chí truyền thông để kích cầu du lịch địa phương. Các doanh nghiệp cũng cần cổ vũ, động viên và góp sức tìm ra các giải pháp kích cầu, lan tỏa tinh thần này.

Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (ảnh: BTC)

Tới dự chương trình, lãnh đạo UBND các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế chia sẻ nhiều thông tin về hoạt động du lịch trên địa bàn. Theo đó, hai địa phương đã chủ động sẵn sàng nhiều kịch bản, phương án phục hồi du lịch trở lại, trong đó yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Đồng thời xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp. Lãnh đạo 2 tỉnh cũng cho biết địa phương đang chủ động phát triển nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Về phía các doanh nghiệp, các đại biểu đều bày tỏ sự sẵn sàng cho việc phục hồi, mở cửa đón khách quốc tế đến Việt Nam. Ông Phùng Hữu Hoàng, Phó giám đốc Văn phòng Saigontourist Hà Nội cho biết các công ty du lịch đều đang có tín hiệu đáng mừng. Nhiều công ty ký được những hợp đồng du lịch lớn. Ông nhận thấy chưa bao giờ các hãng hàng không, khách sạn có sự gắn kết chặt chẽ như vậy. Khi dịch Covid-19 tái diễn, các hãng hàng không, khách sạn lớn đã có chủ trương hỗ trợ những doanh nghiệp lữ hành như bảo lưu số tiền mà khách hàng đã đặt cọc. Ông Hoàng cũng như các doanh nghiệp khác khẳng định sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, cần có khảo sát về nhu cầu điểm đến của du khách quốc tế và cần rà soát, bổ sung nguồn nhân lực để phục vụ khách du lịch. "Tôi tin chắc ngành du lịch Việt Nam, không chỉ thị trường nội địa mà quốc tế sẽ phục hồi rất nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng tất cả doanh nghiệp du lịch đang và sẽ sẵn sàng khi có khách quốc tế tới Việt Nam", ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Lê Tuấn Linh, nhà sáng lập Phoenix Voyages, cũng khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng đón khách quốc tế và quyết tâm này có được từ chính ý kiến của khách hàng, đối tác của Phoenix Voyages. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề lớn nhất của du khách là cách ly sau khi nhập cảnh. Nhà sáng lập Phoenix Voyages mong muốn Việt Nam có thể đón khách có hộ chiếu vaccine, đồng thời, đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine trong nước để đảm bảo yếu tố an toàn miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần có sự hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp để có thể vượt qua khó khăn, hoạt động mạnh mẽ khi mở cửa trở lại bởi các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng quá nặng nề trước đó.

Chia sẻ về kế hoạch đón khách quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, trong năm 2020, trước ảnh hưởng của Covid-19, hãng đã phát triển khai thác thị trường nội địa đồng thời chuẩn bị cho các bước đi phát triển lại thị trường quốc tế.

Để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại, Bamboo Airways đã nỗ lực để tạo ra môi trường an toàn nhất cho du khách, áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất trong quá trình vận chuyển hành khách. Khuyến khích hành khách tự làm thủ tục check-in, giảm thiểu tiếp xúc, tái bố trí xuất ăn để đảm bảo an toàn cho tổ bay và tiếp viên...

Hiện nay, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới đã đưa ra sáng kiến Travel Pass – hộ chiếu sức khoẻ của hành khách với sự tham gia của nhiều nước. Bamboo Airways đang tích cực xem xét và chuẩn bị tham gia. Ông Nguyễn Mạnh Quân đề xuất cơ quan nhà nước xem xét để đồng bộ thông tin quản lý dữ liệu hành khách từ phòng xét nghiệm đến các nhà chức trách để hành khách chuẩn bị tốt cho hành trang của mình. Ông cho biết, Bamboo Airways vẫn luôn sẵn sàng đón khách và vận chuyển thương mại quốc tế, thể hiện ở việc trong suốt 1 năm qua hãng vẫn thực hiện nhiều chuyến bay quốc tế để đưa công dân Việt Nam về nước.

Ông Trịnh Văn Quyết kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Y tế tiêm vaccine ưu tiên cho tất cả cán bộ tại 23 cảng hàng không để đảm bảo an toàn cho du khách. Việc này giúp du khách trong nước và quốc tế an tâm hơn khi tới điểm đến, đảm bảo đúng tiêu chí "du lịch an toàn". Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngành cũng đã có đề xuất này và Bộ Y tế sẽ có sự phân bổ phù hợp tất cả các ngành có nguy cơ đối mặt với dịch bệnh cao.

Một số doanh nghiệp đề nghị cần tổ chức cuộc thi về các sáng kiến phát triển du lịch Việt Nam, sáng kiến phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của cộng đồng, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Flamingo Redtours đánh giá, trên thực tế, hoạt động du lịch của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt so với các nước. Chúng ta đã có những lần kích cầu nội địa rất thành công, kịp thời và linh hoạt đối phó với tất cả tình hình. Trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần kích cầu du lịch nội địa bằng các chương trình mới mẻ, sáng tạo, không chỉ giảm giá mà còn phải làm mới sản phẩm, đa dạng, có thêm khuyến mại về dịch vụ, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch dành cho mỗi khách hàng cần được cá biệt hóa.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (ảnh: BTC)

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định mong muốn đưa đất nước trở thành điểm sáng về du lịch trên toàn thế giới, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông cho rằng: "Thị trường Việt Nam là không gian phát triển vô tận. Con người Việt Nam cũng rất giàu năng lượng và tràn đầy sức sống".

Ông cho biết, VCCI sẽ phát động cuộc thi để có thêm nhiều sáng kiến phát triển du lịch. Về mở cửa thị trường du lịch quốc tế, ông cho biết đây là vấn đề tác động đến mọi ngành, lĩnh vực như: du lịch, thương mại, kinh tế, ngoại giao... và các nhà đầu tư. Do đó, cần triển khai nhanh chóng để tránh đánh mất cơ hội từ các nguồn lực nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam phải mở cửa thông minh và tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro trước tình hình Covid-19 phức tạp. Bên cạnh đó, ông Lộc đề nghị cần có sự kết hợp giữa du lịch truyền thống với du lịch 4.0; bổ sung chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho ngành du lịch và ngành hàng không.

Kết thúc tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cảm ơn những ý kiến đóng góp của đại biểu tại diễn đàn, đây là những ý kiến quý báu giúp tham mưu cho Bộ VHTTDL đưa ra những giải pháp phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Tổng cục trưởng hy vọng thị trường du lịch Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT