Tin tức - Sự kiện

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh vai trò phối hợp, liên kết hiệu quả các nguồn lực trong quảng bá, xúc tiến du lịch

Cập nhật: 10/01/2020 15:03:37
Số lần đọc: 889
(TITC) – Năm 2019, du lịch Việt Nam tiếp tục có một năm thắng lợi cùng với kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Kết quả đạt được của ngành Du lịch do có đóng góp lớn của hoạt động xúc tiến quảng bá, trong đó việc phối hợp, liên kết hiệu quả các nguồn lực đóng vai trò quan trọng.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2020 do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 10/01/2020, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã phát biểu tham luận với chủ đề ”Tăng cường phối hợp, liên kết các nguồn lực để tổ chức quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”. Đây là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm qua, đã có những khởi sắc, đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2019 và sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị

Tổng cục trưởng cho biết: Năm 2019 ngành Du lịch đón được trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6% và tổng thu từ du lịch đạt 726 ngàn tỷ đồng, tăng 17,1%.

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh khách quốc tế trên phạm vi toàn cầu có xu hướng tăng chậm lại. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo năm 2019 khách du lịch quốc tế trên thế giới chỉ tăng 3-4%. Trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn đáng kể so với các điểm đến hàng đầu như Thái Lan tăng 3,2%; Indonesia tăng khoảng 7%; Singapore tăng khoảng 1,9%; Malaysia tăng 3,7%. Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 4 về lượng khách quốc tế đến trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Indonesia (khoảng 17 triệu lượt) và bám sát Singapore (khoảng 19 triệu lượt).

Theo Báo cáo năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã tăng 4 bậc so với năm 2017. Du lịch Việt Nam năm 2019 cũng được vinh danh ở 6 hạng mục giải thưởng của tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới, bao gồm: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (lần đầu tiên); Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (lần đầu tiên); Điểm đến hàng đầu châu Á (lần thứ 2 liên tiếp); Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (lần thứ 2 liên tiếp); Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (lần đầu tiên) và Hội An là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á.

Để có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của ngành Du lịch cần khẳng định sự định hướng đúng đắn của Đảng, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng với đó là sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của các Bộ (ngành), địa phương, doanh nghiệp trong việc tăng thêm các nguồn lực trực tiếp và gián tiếp cho phát triển du lịch, đặc biệt là cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

Trước hết, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với vai trò cơ quan trực tiếp triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia đã phối hợp tốt với các địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan thực hiện hiệu quả Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia về du lịch. Các chương trình được tổ chức chuyên nghiệp hơn, nội dung và phương thức đổi mới hơn, hình ảnh quảng bá có chất lượng cao hơn. Hoạt động xúc tiến, quảng bá qua trang web vietnam.travel, các trang mạng xã hội facebook, instagram, youtube... có nội dung, chất lượng phù hợp với xu hướng thị trường. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng phát huy vai trò của các đại sứ du lịch như Đại sứ du lịch Lý Xương Căn, Đại sứ du lịch Golf Greg Norman.

Thứ hai, sự tham gia hoạt động tích cực của các đơn vị trong Bộ VHTTDL. Cục Hợp tác quốc tế, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, các Nhà hát, Bảo tàng..., góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Nhiều điểm đến của Việt Nam đã được lựa chọn làm bối cảnh giới thiệu cho sản phẩm của một số thương hiệu lớn như Louis Vuitton... mang lại hiệu ứng rất tích cực tới đối tượng khách có khả năng chi trả cao.

Đặc biệt, những thành tích vượt bậc của đội tuyển bóng đá nam U23 và đội tuyển quốc gia do tài dẫn dắt của HLV Park Hang Seo đã tạo nên hiệu ứng truyền thông quốc tế rất mạnh mẽ, góp phần thu hút và làm gia tăng đột biến khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam.

Thứ ba, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành cùng du lịch Việt Nam trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá như phối hợp tổ chức các chương trình Roadshow, cung cấp thông tin về thị trường, đón các đoàn famtrip, báo chí du lịch nước ngoài đến Việt Nam khảo sát.

Toàn cảnh hội nghị

Các hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành liên quan; hoạt động của các cơ quan truyền thông cả trong và ngoài nước đã góp phần tích cực quảng bá du lịch Việt Nam.

Thứ tư, sự tham gia ngày càng tích cực của các địa phương, đặc biệt là các trọng điểm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến du lịch.

Thứ năm, cộng đồng doanh nghiệp du lịch ngày càng lớn mạnh, tham gia tích cực cho công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến. Nhiều tập đoàn, công ty lớn như VinGroup, SunGroup, BIM, CEO, Saigontourist, Vietravel... sẵn sàng liên kết, cùng chung sức tạo nguồn lực cho hoạt động quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Sự kết hợp giữa du lịch và hàng không ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn trong việc thu hút, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Cuối cùng, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng một nguồn lực rất quan trọng để xúc tiến, quảng bá du lịch chính là nỗ lực từ mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch, về đón tiếp và phục vụ khách du lịch để mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch, trực tiếp xúc tiến, quảng bá tại chỗ khi bạn bè và khách du lịch đến với chúng ta.

Mục tiêu năm 2020, toàn Ngành phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa; hoạt động du lịch đóng góp khoảng 10% GDP.

Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi ngành Du lịch phải nỗ lực hơn rất nhiều trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, tăng cường phối hợp liên kết chặt chẽ hơn nữa với các bộ (ngành), địa phương, doanh nghiệp, để hoàn thành mục tiêu đón khách du lịch quốc tế.

Thế Phi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT