Non nước Việt Nam

TP.HCM đón bằng công nhận Di sản văn hóa quốc gia cho Lễ hội Khai hạ - Cầu an

Cập nhật: 26/08/2022 05:17:06
Số lần đọc: 616
UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM và Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt tổ chức Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Khai hạ - Cầu an.  


Sáng ngày 25/8, UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM và Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt tổ chức Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Khai hạ - Cầu an. Với bằng công nhận này, “Lễ hội Khai hạ - Cầu An tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt” trở thành di sản thứ 3 của TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, sau “Lễ hội Nghinh ông ở huyện Cần Giờ” và "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5".

Nghi thức trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Lễ hội Khai hạ - Cầu An tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt”

Phát biểu tại Lễ đón bằng chứng nhận, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao những nỗ lực của UBND quận Bình Thạnh và Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt trong việc duy trì, gìn giữ, kế thừa để tổ chức “Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt” hằng năm một cách chỉn chu, bài bản. Đây trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng đẹp cho người dân TP trong nhiều năm qua.

Việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là một niềm tự hào, vinh dự chung của TP.HCM. Ngành văn hóa TP cùng với quận Bình Thạnh và Ban quản lý lăng sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản này để phục vụ đời sống tinh thần cho người dân TP và trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa đặc sắc, hấp dẫn của TP.HCM.

Ban quý tế thực hiện nghi thức rước lễ từ cổng lăng vào chính điện.

Lễ Khai hạ - Cầu an là lễ hội được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt hay còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.

Lễ rước bằng vào lăng Tả quân Lê Văn Duyệt.

Mỗi năm, lễ hội này đều thu hút hàng ngàn người dân không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương của Nam Bộ về dự. Tham gia lễ hội, người dân thường xin ấn Tả quân về treo trong nhà như để nhắc nhở con cháu noi gương, học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng của Đức Tả quân và cũng để cầu mong một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Hoạt động viết và tặng chữ thư pháp tại lăng Lê Văn Duyệt.

Ngoài các nghi thức cúng tế, dâng hương, dâng sớ, Lễ khai hạ - cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt hàng năm còn kèm theo những chầu hát bội sống động vì sinh thời Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích xem hát bội. Theo ông, tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về đạo lý làm người, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người dân Việt./.

Minh Thắm

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 25/8/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT